7 thg 12, 2013

Quan niệm về con trai ở một số dân tộc vùng Bắc Bộ



Quan niệm về con trai ở một số dân tộc vùng Bắc Bộ**
TTTD

Astracts**

Based on the review of existing documents, this article finds out the similarities and diffirences of the Tay, Thai, Muong, Hmong and Nung ethnic groups in North Vietnam regarding the value of the sons in the family and community principally through: Wedding ceremories, types of residence after mariage, funeral rites, worship, property inheritance. This study indicates that one of the cause of the imblance of the sex ratio at brith in Vietnam, including in ethnic minority communities, is that sons are velued very hinghly. This study also compares the minority group’s prychology with the Kinh’s to discern the similarities and diffirences of concepts of the sons in the family and society, then indentifies the notions that reduce the prefrence for the sons over daughters.

1.      Đặt vấn đề
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát xuất phát từ sự ưa thích con trai. Năm 2012 tỷ số giới tính khi sinh[1] ở ĐBSH là 120,9 điểm[2]và của vùng TBMNPB là 108,2 điểm. Tỷ số giới tính khi sinhcao ở hầu hết các dân tộc. Năm 2009, con số này ở dân tộc Kinh là 111 điểm[3], Nùng là 107,7 điểm, Mường là 107 điểm trong khi mức được coi là bình thường của chọn lọc tự nhiên chỉ là 103 – 106 điểm.
Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho rằng sự ưa thích con trai hơn con gái ở Việt Nam xuất phát từ hệ tư tưởng văn hóa cụ thể là quan niệm dòng tộc chỉ được nối tiếp bởi những người đàn ông trong gia đình và thờ cúng tổ tiên chỉ được thực hiện bởi nam giới; mô hình cư trú bên đằng nội trong đó cha mẹ sống với con trai và con trai được thừa kế phần tài sản lớn hơn; áp lực từ chuẩn mực gia đình có con trai.Tuy nhiên, các nghiên cứu tập trung vào dân tộc Kinh, chưa có các nghiên cứu phân theo nhóm dân tộc.
Bắc Bộ chiếm 35,5% dân số cả nước (năm 2011) với thành phần dân tộc đa dạng. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 79,3% dân số, 6 dân tộc Tày, Thái, Mông, Mường, Nùng chiếm 16,5% dân số. Mỗi dân tộc có quan niệm khác nhau về giá trị của con trai tạo nên mức độ khác nhau của việc ưa thích con trai.
            Trên cơ sở tổng quan các tài liệu, bài viết tìm ra sự tượng đồng và khác biệt giữa các dân tộc: Tày, Thái, Mường, Hmông và Nùng ở Bắc Bộ trong quan niệm về giá trị của con trai trong gia đình và cộng đồng, chủ yếu qua nghi lễ cưới xin, loại hình cư trú sau hôn nhân, nghi lễ tang ma, thờ cúng, thừa kế tài sản.

2.      Một số phát hiện
2.1.   Một số điểm chung
Thứ nhất: Các nhóm dân tộc lớn ở Bắc Bộ đều có kiểu gia đình phụ hệ và phụ quyền ở mức độ khác nhau. Phân công lao động rõ ràng giữa các thành viên trong gia đình và bất bình đẳng tồn tại phổ biến trong các dân tộc nặng nề hơn ở dân tộc Hmông và Mường.
Người Tày và người Nùng theo chế độ trưởng nam có nhiều tập tục giống nhau trong đó xác lập rõ sự khác nhau giữa con trai con gái ví dụ: tục cắm cành lá xanh báo hiệu có trẻ mới sinh tùy vào giới tính đứa trẻ; tục lập bàn thờ mụ khi con đầu lòng của họ được 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, bàn thờ này chỉ được bỏ đi sau lễ cưới của con trai út trong gia đình.Người Thái cũng theo mẫu tiểu gia đình phụ hệ tuy nhiên có phần giảm nhẹ hơn song khá bình đẳng về giới. Đại diện hộ gia đình có thể là người chồng hoặc người vợ nhưng vẫn đề cao vai trò của nam trong gia đình. Thái ở Phù Yên quan niệm: “Hái co phú trai, chắn đi co phú trai” “xấu cũng là đàn ông, tốt đẹp cũng là đàn ông”[4].Đối với gia đình người Mường và Hmông, tính phụ quyền nặng nề hơn, phân công lao động theo giới tính rất chặt chẽ. Chủ gia đình là người cha, người chồng, có vai trò quan trọng và quyết định các công việc trong gia đình[5]. Người phụ nữ được xem là lực lượng lao động chính, không được phép tham gia bàn bạc công việc, phụ thuộc vào người chồng. Người Hmông có câu “Đàn bà làm chủ thì nghèo, gà mái gáy thì gở”.
Trong mối quan hệ về dòng họ, so với các dân tộc khác trong vùng người Hmông, Mường cũng giống như người Kinh quan hệ dòng họ gắn bó, có tính cố kết cộng đồng chặt theo dòng họ tính theo họ cha và chi phối sâu nặng đến các hộ gia đình. Người Mường quan niệm huyết thống tính đến đời thứ 9 (nội ruộng)[6] và cho rằng “anh em chín đời còn hơn người dưng”. Đối với người Hmông, dòng họ đóng vai trò quan trọng cho nền tảng quan hệ xã hội và tín ngưỡng dòng họ là khía cạnh quan trọng nhất tạo nên tính cố kết của cộng đồng huyết thống đó[7]. Chính quan hệ mật thiết theo dòng họ cha là một trong những lý do khiến người Hmông, Mường có mong muốn có con trai, thể hiện rõ trong quan niệm về việc sinh con. Người Mường quan niệm:“Một con trai là có, 10 con gái là không”[8].Người Hmông cho rằng: “Đẻ con gái chỉ  giúp nhà một thời, con trai mới giúp cả đời”; “Đẻ con gái như gáo nước đổ đi rồi không lấy lại được”; “Con lớn nuôi béo dễ nhìn, con gái nuôi lớn khó coi”[9]. Họ ước muốn kết hôn sớm và nhất thiết phải có con trai trong gia đình: “Trai mười sáu tuổi ước có đàn bà, gái ba mươi tuổi ước có con trai đỡ đầu”.
Thứ hai: Loại hình cư trú phổ biến sau hôn nhân là đằng nội. Ở một số dân tộc có hình thức ở rể, nhưng đó là ở rể tạm thời. Ví dụ nười Tày, Nùng ở rể tạm thời trong thời gian trước khi tiến hành lễ cưới, trong khi đó người Thái có tục ở rể bên nhà vợ vài ba năm theo luật, có khi ở cho đến khi có con đầu lòng, vì thế con đầu thường đẻ bên nhà vợ[10]. Người Mường cho phép ở rể đời hoặc ở rể tạm thời trong trường hợp gia đình không có con trai hoặc con trai con nhỏ.
Thứ ba: Thừa kế tài sản chủ yếu được trao cho con trai cùng với loại hình cú trú bên đằng nội khiến cho các cặp vợ chồng mong muốn có con trai để chăm sóc lúc về già trong điều kiện thiếu an sinh cho người cao tuổi như hiện nay.
Luật Mường cổ quy định chỉ có con trai mới có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ. Với gia đình chỉ có con gái, Mường có lệ thu lụt chia toàn bộ ruộng đất cho nhà khác khi bố mẹ qua đời[11].Mặc dù tuân theo các nguyên tắc đó, nhưng trong một số trường hợp nếu không có con trai quyền thừa kế được chuyển cho phái nữ[12]. Tương tự, người Nùng cũng thực hiện nguyên tắc con trai được thừa kế tài sản có sự linh động. Thông thường, con trai cả ở với bố mẹ nhận phần tài sản nhiều hơn nhưng cũng có trường hợp con trai út là người lập gia đình sau cùng ở với cha mẹ và được nhận phần tài sản nhiều hơn (trường hợp người Nùng Dìn ở Hoàng Su Phì – Hà Giang[13]). Tuy nhiên, cũng có nơi, con gái khi đi lấy chồng cũng được bố mẹ cho thừa kế tài sản hoặc con út ở với bố mẹ được nhận phần nhiều hơn[14].
Thứ tư: Nghi lễ liên quan đến thờ cúng và ma chay chủ yếu được thực hiện bởi những người con trai trong gia đình. Những quan niệm về nghi lễ và thờ cúng khiến cho người ta mong muốn khi chết đi có người thực hiện nghi lễ để không cảm thấy tủi phận.Điều này được phản ảnh rõ trong nghi lễ tang ma người Hmông, Mường, Tày, Nùng, Dao.Hầu hết con trai trưởng là chủ tang và thực hiện nhiều nghi thức quan trọng trong quá trình tổ chức tang lễ. Riêng đối với người Nùng, con gái cũng có thể làm chủ tang lễ nhưng các nghi thức quan trọng tại huyệtvà gói bài vị phải do cháu trai thực hiện.Chủ tang lễ người Nùng phải thực hiện một số nghi lễ như: phát áo tang, cắt tóc cho người chết, dâng cơm, cúng bái, mời cơm. Riêng con trai trong gia đình không được cắt tóc[15].Đối với người Tày mặc dù có nhiều điểm giống với Nùng, nhưng trong nghi lễ tang ma vai trò của con trai trưởng thể hiện mờ nhạt hơn, có sự tham gia nhiều của con dâu và rể. Khi trong nhà có người chết thì con dâu con rể phải túc trực bên quan tài[16], mặc áo tang trắng nhưngcó phân biệt về cách mặc, còn con trai phải chống gậy và đeo dạo nhọn[17]. Đối với người Mường, con trai cả thường là chủ tang lễ và thực hiện một số nghi lễ quan trọng như: mời người chết về ăn cơm, chống gậy, lấp 3 xẻng đất đầu tiên xuống quan. Con trai người Hmông chịu trách nhiệm lo liệu các việc quan trọng trong đám tang bao gồm: tổ chức gọi người về chịu tang, thay quần áo cho người chết, bón cơm, trông coi người chết hàng ngày, các nghi lễ đỡ chõng, hạ huyệt,  lấp 3 xẻng đất đầu tiên xuống huyệt. Người Hmông có tâm lý lo sợ rằng nếu không có con trai thực hiện nghi lễ chôn cất thì sau khi thành ma họ sẽ không nhận được mặt con, bị lạc đường không trở về nhà phù hộ cho cháu được.
Trong các nghi lễ tang ma của các dân tộc ít người như Tày, Nùng, Mường, Tháivai trò của con rể được thể hiện rõ nét hơn so với con rể người Kinh. Ở người Tày, vai trò của con rể người Tày được thể hiện như một thành viên thực sự trong gia đình, là người tiến hành các nghi lễ quan trọng trong đám tang người Tày. Ví dụ trong lễ cúng gà, con rể cũng là người chịu trách nhiệm làm gà; con rể (hoặc cháu rể) tắm cho người chết; túc trực bên quan tài. Đối với người Nùng, con rể cần phải thực hiện nhiều nghi lễ hơn như: cầm dao xua đuổi ma dữ, “cõng” quan tài về huyệt. Phong tục người Thái thì con rể cũng phải mặc áo tang như con cái trong nhà, khác hoàn toàn với phong tục người Kinh.
Trong nghi lễ thờ cúng và lập bàn thờ ở các dân tộc cũng như dân tộc Kinh đều coi nơi thờ cúng là nơi tiến hành các nghi lễ quan trọng đối với tổ tiên, thường nó được để ở vị trí trang trọng hay trung tâm trong nhà. Tuy nhiên, có sự xác định rõ ràng về vai trò của con trai hay con gái trong việc thực hiện các nghi lễ. Hầu hết chỉ có chủ gia đình là người chồng hoặc con trai trưởng người đảm nhận các nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Ở một số dân tộc có một số kiêng kỵ đối về giớinhư: phụ nữ Nùng không được đi ngang qua phía trước bàn thờ, không được ngồi quay lưng vào bàn thờ; con gái và con dâu người Hmông không được phép đi lại tự do trước gian thờ[18]. Trong khi đó người Hmông quy định chặt chẽ đến mức không chấp nhận việc con gái lập bàn thờ cha mẹ vì quan niệm con gái lấy chồng là ma nhà khác thì không được phép thờ cha mẹ mình[19]. Quan niệm này khiến cho cặp vợ chồng người Hmông nhất thiết phải sinh được con trai cho gia đình, dòng họ.
Nghi lễ tiến hành sau tang ma của người Hmông phức tạp và nặng nề hơn so với người Kinh, trong khi đó ở các dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng các nghi lễ này đơn giản hơn nhiều. Người Tày chỉ cúng người chết vào lễ “thày puộc”(100 ngày) sau 3 tháng 10 ngày[20]. Người Thái chỉ tiến hành nghi lễ đến chôn cất mà không cúng giỗ sau đó[21], họ chỉ thờ cúng tổ tiên, cúng trời đất và bản mường[22].Người Mường cúng tổ tiên trong phạm vi bốn đời, nhưng chỉ cúng vào năm mới và ngày lễ trọng nào đó mà không cúng vào các ngày giỗ giống người Kinh. Sau 3 tháng người Mường làm lễ nhuộm áo tang, sau 3 năm là hết tang. Người Nùng để tang 2 năm cho cha và 3 năm cho mẹ và chỉ áp dụng cho các con trai trong gia đình.  Trong khi đó người Hmông còn phải làm lễ ma bò với ý nghĩa tạ ơn cha mẹ. Các dân tộc càng phức tạp vấn đề nghi lễ tiến hành tang ma và thực hiện nghi lễ cúng giỗ càng có xu hướng ưa thích con trai do con trai là người chủ yếu tiến hành các nghi lễ này. Với các dân tộc có xu hướng giảm nhẹ các nghi thức, ưa thích con trai nhẹ nhành hơn và tỷ số giới tính sinh thấp hơn so với các dân tộc khác.
2.2.   Một số khác biệt
Mặc dù  có một số điểm chung như vừa kể trên nhưng do đặc thù tộc người của từng dân tộc, cơ hội và khả năng tiếp xúc với thế giới bên ngoài…. Nên cũng có sự khác biệt liên quan đến  việc lựa chọn và quyết định giới tính của con cái giữa các tộc người. Cụ thể như sau:
Thứ nhất:Vai trò của họ ngoại được coi trọng trong một số nghi lễ ở dân tộc Thái,Tày, Dao, Nùng. Đề cao vai trò của bên ngoại của cô dâu có thể coi như yếu tố tăng cường vị thế của người vợ, và làm giảm sự ưa thích con trai ở các dân tộc này.
Người Thái quan niệm dòng họ theo họ cha (nhinh xao) nhưng quan niệm về nòi lại theo họ mẹ (túng la). Theo truyền thống tâm linh họ cho rằng con cháu của nhinh xao là “nòi” của túng ta. Trong các nghi lễ của họ như làm nhà, trao giống, đặt tên con, cưới hỏi, ma chay họ ngoại đặc biệt được coi trọng đối với mỗi cặp đôi. Ví dụ khi: làm nhà, cầu chúc cầu phúc, túng la thực hiện một số nghi lễ cho nhinh xao biểu trưng cho việc trao giống má và vật thiêng: túng la bỏ vật thiêng xuống hố trước khi nhinh xao chôn cột dựng nhà mới, buộc gói thóc, bông lên cột tượng trưng cho việc trao nòi giống để nhinh xao tiếp tục phát đạt[23]. Ở các dân tộc Tày, Dao, Nùng vai trò của họ ngoại cũng được thể hiện rõ trong hệ thống nghi lễ của đám cưới cũng như đám ma:ở lễ hỏi chỉ khi bên túng la đồng ý thì hôn nhân mới được chấp thuận;ở lễ cưới, chỗ trang trọng nhất dành cho họ ngoại (quan trọng nhất là ông cậu), mâm cỗ phải chuẩn bị cho họ ngoại dùng trước, họ trai phải phục dịch họ ngoại trong lễ rước dâu. Ở người Tày, tên của con cả là do bên ngoại đặt, sau đó đến lượt bện nội đặt tên.
Thứ hai: Tục thờ cả bên nội và bên ngoại trong nhà người Mường do quan niệm tổ tiên gồm cả bên họ nội và họ ngoại[24]. Vì thế nhà Mường có hai bàn thờ, một đặt gần vóng trên (cửa sổ phía trên) thờ ông bà tổ tiên bên nội, còn bàn thờ thứ hai đặt ở gần cửa vóng phía trong để thờ cúng bên ngoại[25]. Tuy cũng có sự phân biệt “bàn thờ bên nội để vóng trên, bàn thờ bên ngoại để vóng dưới” nhưng rõ ràng việc quan niệm thờ cúng cha mẹ như thế sẽ không đặt gánh nặng cần phải có con trai để thờ cúng như quan niệm của các dân tộc khác. Phong tục này có tác động tích cực làm giảm áp lực cần phải có con trai để thờ cúng đối với các cặp gia đình.
Thứ ba: Vai trò của con rể đời trong việc thay cha làm chủ gia đình. Con rể đời được coi trọng ở một số dân tộc thể hiện khá rõ trong việc thực hiện một số nghi lễ tang ma cũng như giữ vai trò chủ đạo trong gia đình. Quan niệm này có xu hướng giảm nhẹ áp lực cần thiết phải có con trai cho các gia đình. Ví dụ trong trường hợp ở rể đời người Mường, con rể được xem như con trai trong nhà[26], lo liệu công việc trong gia đình, được thừa kế toàn bộ tài sản. Mường quan niệm “Chăng có con tựa phải lấy con chạu về trồng cấy” (Không có con trai phải lấy con rể về trồng cấy)[27]. Nhìn chung, ở xã hội Mường vai trò của con rể được đề cao và xem trọng. Khi gia đình có công to việc lớn, tất cả sẽ ủy quyền cho chàng rể quán xuyến mọi công việc của gia đình như một người con trai thực thụ.[28]Điều này khác với dân tộc Kinh, Hmông các nghi lễ này thường không chấp nhận vai trò của con rể, mà chỉ chấp nhận vai trò của người chồng, con trai, cháu trai. Quy định khắt khe về giới tính của người thực hiện các nghi lễ góp phần làm gia tăng xu hướng cần có giới tính con cái như ý để tiến hành nghi lễ, xong việc chấp nhận con rể đời (hay việc nhận con nuôi ở người Dao) như là một giải pháp cho các cặp vợ chồng chỉ sinh con gái.
        
Thứ tư: Lễ cưới và của hồi môn lớn ở một số dân tộc ít không làm giảm nhẹ sự ưa thích con trai. Ở các dân tộc Hmông, Tày, Mường thách cưới đặt gánh nặng lớn lên gia đình nhà trai. Ví dụ, ở dân tộc Mường hôn nhân trước kia mang tính gả bán và quan niệm lấy vợ cho con trai là lấy sức lao động. Việc thách cưới quá cao của nhà gái khiến cô dâu khi về nhà chồng đã biến người phụ nữ thành thứ hàng hóa trao đổi, phụ thuộc vào chồng[29]. Tuy nhiên, ở dân tộc Tày việc thách cưới của nhà gái do nhà trai lo liệu nhưng gần như chuyển sang của hồi môn cô dâu mang về nhà chồng. Đứng dưới góc độ của hồi môn có nhiều điểm khác với Ấn Độ, gánh nặng trong của hồi môn của con gái khi lấy chồng được xem như một trong những lý do của sự ưa thích con trai ở Ấn Độ. Trong khi đó, tục thách cưới cao của người Mường không trở thành lý do giảm bớt sự ưa thích con trai trong cộng đồng này. Việc phải trả quá nhiều đồ thách cưới thì cô dâu trở thành lao động kiếm tiền cho nhà trai. Ngoài ra, các cô dâu Mường, Thái, Tày, cũng phải mang sang nhà chồng của hồi môn thường là: 2 chăn, 2 đệm, 2 tựa và rất nhiều gối nhỏ để biếu bố mẹ chồng,gia đình nhà chồng[30].
3.      Tiểu kết
Mỗi dân tộc có một nét văn hóa truyền thống khác nhau, và ngay trong cùng một dân tộc, cũng tồn tại nhiều nhóm khác nhau có những nét khác biệt trong văn hóa. Các nghi lễ trong vòng đời của các dân tộc thể hiện rõ vai trò con trai trong quan niệm của bản thân dân tộc đó. Hầu hết các quan niệm chung của các dân tộc có xu hướng tạo nên sự ưa thích con trai vốn được xem là nguồn gốc của việc lựa chọn giới tính khi sinh như: chế độ phụ hệ, loại hình cư trú đằng nội sau hôn nhân, vai trò con trai trong việc thực hiện các nghi lễ tang ma và thờ cúng, ưu tiên con trai trong thừa kế tài sản.
Một số quan niệm khác biệt ở các dân tộc có xu hướng tạo nên sự bình hòa ưa thích con trai và con gái: tục ở rể đời ở  Mường, Tày, Nùng; thờ cả bên nội và bên ngoại ở người Mường; quan niệm nòi theo quan hệ huyết thống về bên ngoại ở người Thái.
Phân tích các quan niệm về giá trị con trai trong gia đình và cộng đồng cho thấy mức độ về ưa thích con trai được đề cao hơn cả ở Hmông, Mường, trong khi nhóm Tày Nùng ưa thích con trai rõ rệt hơn so với người Thái nhưng không nặng nề như người Hmông, Mường.
Nguy cơ phổ biến mất cân bằng giới tính khi sinh ở một số dân tộc thiểu số rất rõ ràng. Mặc dù chênh lệch giới tính khi sinh chưa quan sát thấy ở dân tộc Hmông, Tày, nhưng việc siết chặt thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình và tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản có thể tạo điều kiện cho việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dẫn đến hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vì vậy, cần kiểm soát thực hiện chính sách giảm sinh và vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh cần phải có những giải pháp tác động vào gốc rễ của nhu cầu có con trai trong tộc người. Biện pháp lâu dài là thực hiện chính sách bình đẳng giới trong mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Biện pháp hữu hiệu trước mắt là: giám sát việc thi hành pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; quản lý dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; xây dựng chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.            Trần Văn Bính(2004), Văn hóa các dân tộc Tây Bắc thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2.            Khổng Diễn(2001), Dân số kế hoạch hóa gia đình các dân tộc ở Hòa Bình, Nxb Khoa học xã hội.
3.            Lê Như Hoa(2002), Văn hóa ứng xử các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
4.            Hội văn nghệ dân gian Việt Nam(2012), Phong tục cổ truyền các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
5.            Dương Quốc Huy(2010), Văn hóa của người Tày ở huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên, Luận văn thạc sỹ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Đại học sư phạm Thái Nguyên,Thái Nguyên.
6.            Vũ Ngọc Kỳ (2004), Văn hóa người Mông ở Hà Giang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trongTrần Văn Bính, 2004, Văn hóa các dân tộc Tây Bắc thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
7.            Tẩn Kim Phu(2011), Nghi lễ trong việc cưới – việc tang của người Dao Khâu, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
8.            Vương Duy Quang(2005), Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam truyền thống và hiện tại, Nxb Văn hóa- Thông tin & Viện Văn hóa, Hà Nội.
9.            Kiều Trung Sơn(2011), Cồng chiêng Mường, Nxb Lao động, Hà Nội.
10.        Lý Hành Sơn(2003), Các nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ đời người của nhóm Dao tiền ở Ba bể, Bắc Kạn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
11.        Trần Hữu Sơn(2011), Đám cưới của người Dao Tuyển, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
12.        Thông tấn xã Việt Nam(2006), Việt Nam hình ảnh cộng đồng 54 dân tộc, Nxb Thông Tấn, Hà Nội.
13.        Nguyễn Ngọc Thanh(2005), Gia đình và hôn nhân của dân tộc Mường ở tỉnh Phú Thọ, Nxb Khoa học xã hội.
14.        Hà Đình Thành(2010), Văn hóa dân gian Tày – Nùng ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
15.        Tổng cục thống kê(2010), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 Kết quả toàn bộ, Hà Nội.
16.        Tổng cục thống kê(2012), Điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình 2011 Các kết quả chủ yếu, Nxb Thống kê, Hà Nội.
17.        Cầm Trọng (2005),Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.
18.        Nguyễn Thị Thanh Nga (2007), Văn hóa truyền thống một số tộc người ở Hòa Bình, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
19.        Lò Vũ Vân(2010), Văn hóa dân gian người Thái vùng Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên tỉnh Sơn La, Hà Nội
20.        Lê Thị Thanh Vân(2012), Tập tục tang ma của người Nùng huyện Đồng Hủy tỉnh Thái Nguyên, Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Số 63(1), tr 8 -12





[1] Được tính bằng số trẻ sơ sinh trai trên 100 trẻ sơ sinh gái.
[2] Tổng cục thống kê, 2012, điều tra biến động dân số 01/04/2012
[3] Dùng để thay thế cho đơn vị của các chỉ số mà nó biểu hiện.
[4] Dừa, 2012, tr. 184 trong Phong tục cổ truyền các dân tộc Thái, Tày, Nùng, nxb Văn hóa dân tộc, 2012
[5] Nguyễn Ngọc Thanh, 2004 dẫn theo Trần Văn Bính, 2004, tr. 186
[6] Nguyễn Ngọc Thanh, 2004 dẫn trong Bính 2004, tr. 194; Nguyễn Ngọc Thanh, 2005
[7] Vương Duy Quang, 2005, tr. 133
[8] Nguyễn Ngọc Thanh, 2004 dẫn trong Trần Văn Bính, 2004, tr. 183
[9] Trần Hữu Sơn dẫn trong Trần Văn Bính, 2004, tr. 286
[10] Khổng Diễn, 2001, tr. 135
[11] Nguyễn Ngọc Thanh, 2004 dẫn theo Trần Văn Bính, 2004, tr. 186
[12]  Vương Đắc Hùng, 1988, Giao tiếp ở Mường Bi, trong cuốn “Người Mường với văn hóa cổ truyền Mường Bi”, UBND huyện Tân Lạc, Sở VHTT Hà Sơn Bình, tr 266. Dẫn theo Khổng Diễn, 2001
[14] Hà Đình Thành, 2010, tr. 51
[16] Khổng Diễn, 2001, tr. 138
[17] Dương Quốc Huy, 2010, tr.63
[18] Khổng Diễn, 2004, tr. 142; Vương Duy Quang, 2005
[19] Khổng Diễn, 2004, tr. 142
[20] Khổng Diễn, 2001, tr. 138
[21] Tư liệu điền dã Dân tộc học do Hà Văn Nhâm, Mai Hạ, Mai Châu, cung cấp tháng  năm 1997. Dẫn từ Khổng Diễn, 2001, tr. 136
[22] Thông tấn xã Việt Nam, 2005, tr. 180
[23] Cầm Trọng, 2005, tr. 166
[24] Nguyễn Thị Thanh Nga, 2007, tr. 93-94
[25] Nguyễn Hữu Thức, Tín ngưỡng dân gian, tục thờ và lễ hội, trong cuốn. “Người Mường với văn hóa cổ truyển Mường Bi” tr 136-137 Dẫn theo Khổng Diễn, 2001.
[26] Thức, dẫn theo Lê Như Hoa, 2002, tr. 272; Nguyễn Ngọc Thanh, 2004 dẫn theo Trần Văn Bính, 2004, tr. 190
[27] Nguyễn Ngọc Thanh, 2004 dẫn theo Trần Văn Bính, 2004, tr. 195 - 199
[28] Thức, dẫn theo Lê Như Hoa, 2002, tr. 272
[29] Nguyễn Ngọc Thanh, 2004 dẫn theo Trần Văn Bính, 2004, tr. 186
[30]Nguyễn HữuThức, dẫn theo Lê Như Hoa, 2002, tr. 272; Wikipedia

...................................................................................................................................................
* Tên bài đăng Tạp chí. Xem bản gốc ở Tạp chí dân tộc học số 5(183) năm 2013
*** Phần tóm tắt của Tạp chí.