Bình luận cuốn sách thảm họa khí hậu – Chúng ta đã có gì và chúng ta phải làm gì để ứng phó của Bill Gates.
1. Tóm tắt
Biến đổi khí hậu là một chủ đề nóng và thu hút được sự
quan tâm của tất cả các bên liên quan từ nhà nghiên cứu, nhà chính khách, nhà
kinh tế và cộng đồng dân cư. Có nhiều loại xuất bản phẩm được xuất bản viết về
chủ đề này từ các báo cáo đánh giá mang tính kỹ thuật của IPCC, bài nghiên cứu
của các nhà khoa học, các báo cáo nghiên cứu trường hợp điển hình đến các loại
sách khoa học thưởng thức. Chủ đề này đã được sự quan tâm của tỷ phú Bill Gates – một doanh nhân nổi tiếng
thế giới và được ông chuyển thể các nội dung khô khan thành một quyển sách khoa
học thưởng thức nhiều màu sắc phù hợp với đông đảo công chúng và những người có mối quan tâm về vấn đề môi
trường. Bài viết này sẽ giới thiệu và bình luận về nội
dung quyển sách “thảm họa khí hậu – Chúng ta đã có gì và chúng ta phải làm gì để ứng phó” để thấy rõ những phần đã làm được và phần có
thể được nâng cấp tiếp để có một bức tranh tổng quát về các vấn đề liên quan đến
giải pháp cho kịch bản xấu của khí
hậu.
2. Nội dung
a. Dịch tên cuốn sách và sự phù hợp của nội dung cuốn sách
Tên cuốn sách là “How to avoid a climate disarter”
có nghĩa tiếng Việt là “cách tránh một thảm họa khí hậu” và được đặt tên sách ở
bản tiếng Việt là “thảm họa khí hậu-chúng ta đã có gì và chúng ta phải làm gì để
ứng phó”. Cách đặt tên sách sách ở tiếng Việt mà không dịch nguyên nghĩa đã khiến
cho hình dung ban đầu khi đọc tên quyển sách bị sai đi so với tên sách nguyên bản
bằng tiếng Anh. Nếu như tên cuốn sách bằng tiếng Anh khiến người đọc tò mò ngay
lập tức về cách thức để có thể tránh đi một thảm họa về khí hậu. Trong khi đó
tên tiếng Việt chỉ khiến người đọc hình dung về thảm họa khí hậu đó là gì? Như
thế nào? Và ác giải pháp ứng phó
là gì. Tuy nhiên, trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu
cũng như trong các văn bản có tính
pháp lý tại Việt Nam thì “ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của
con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu” (Bộ Tài nguyên và
Môi trường, 2008). Cụ thể, hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu là các
hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính. Còn hoạt động thích ứng
với biến đổi khí hậu là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với
hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương
do dao động và biến đối khí hậu hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng các cơ hội
do nó mang lại (Bộ Tài nguyên và
Môi trường, 2008). Nội dung về thích ứng hoàn toàn mờ nhạt trong
cuốn sách của Bill Gates, mà phần lớn các giải pháp của
Bill Gates là tập trung vào giảm CO2 tức là giải pháp giảm thiểu, không phải giải
pháp thích ứng. Như vậy, tên cuốn sách dịch sang tiếng Việt chưa thực sự phù hợp với tên cuốn
sách bằng tiếng Anh. Hay nói cách khác, dịch nghĩa sang tiếng Việt đã khiến nội
dung cuốn sách chỉ phản ánh được 1 phần của tên cuốn sách.
b. Sự sắp xếp cấu trúc các chương trong cuốn sách
Cách bố trí, sắp xếp nội dung
cuốn sách phù hợp, dễ đọc và có tính kích thích sự tò mò, khám phá của người đọc.
Sách được cấu trúc thành 14 phần nội dung chính là phần mở
đầu, 12 chương chính và phần lời bạt. Phần mở đầu đã giới thiệu chung, khái
quát và đưa ra mối liên kết giữa phát thải khí nhà kính nói chung và biến đổi
khí hậu thông qua phân tích con số 51 tỉ tấn, từ đó nêu ra các giải pháp cơ bản
là công nghệ và sử dụng năng lượng sạch. Mười hai chương tiếp theo của sách lần
lượt giải quyết các vấn đề mà phần lời mở đầu đã nêu ra. Cụ thể chương một có
tiêu đề tại sao lại là 0? Nội dung đi từ nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi
khí hậu, giải thích mối quan hệ giữa các hiện tượng biến đổi khí hậu và lý do cần
giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Chương 2 tiếp theo tác giả
bình luận về những thách thức, khó khăn mà loài người phải đối mặt trong nỗ lực
giảm phát thải. Nội dung chương 3 trình bày và diễn giải các chỉ số liên quan đến
biến đổi khí hậu. Các chương từ chương 4 đến chương 8 tập trung phân tích công
nghệ, ý tưởng đổi mới đã và đang được thực hiện tại các công ty, tập toàn trên
thế giới như những bằng chứng về giải pháp giảm phát thải trong các nhóm ngành
năng lượng, xây dựng, nông nghiệp, giao thông và vấn đề thích ứng với nóng lên
toàn cầu. Chương 10 -11 phân tích giải pháp ở cấp độ chính quyền quốc gia;
chương 12 đưa ra các bước mà mỗi cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp có thể thực hiện.
Phần nội dung cuối là lời bạt tóm tắt lại các vấn đề và đặt vấn đề trong các bối
cảnh của Covid19 và một lần nữa nhấn mạnh hành động tập trung vào công nghệ. Nhìn
chung, cách đặt vấn đề, cấu trúc các chương là đễ hiểu, dễ đọc, có thể phù hợp
với nhiều đối tượng người đọc ngay cả đối với người đọc chưa có nhiều hiểu biết
về vấn đề biến đổi khí hậu cũng có thể nạp và hấp thụ được các thông tin cơ bản
mà tác giả trình bày trong cuốn sách. Phần trình bày đã bao hàm đủ các nội dung
từ đặt vấn đề đến giải quyết vấn đề: Thảm họa khí hậu là gì? (nội dung chương 1);
Làm thế nào để tránh thảm họa khí hậu? (chương 2); Những khó khăn trong cắt giảm
phát thải khí nhà kính về bằng 0 (chương 3); Thực trạng, giải pháp cụ thể cho từng
nhóm ngành trong nền kinh tế (chương 4-9); Vai trò cụ thể của các bên liên quan
từ chính khách đến doanh nghiệp và người dân (chương 10-12). Sau
mỗi chương, tác giả đưa ra gợi ý hay các mẹo nhỏ giúp người đọc củng cố lại các
nội dung cốt lõi cần tập trung và cách thức suy nghĩ về vấn đề hiện tại và sự
liên quan đến vấn đề của biến đổi khí hậu.
c. Nguyên nhân của biến đổi khí hậu
Nội dung lý giải một số điều cơ bản về nguyên nhân của
việc gia tăng nhiệt độ trái đất là do việc tăng lên các khí nhà kính trong khí
quyển tập trung vào vấn đề của cacbondioxit trong khí quyển. Nguyên nhân chính
là sự tồn tại lâu dài của các khí này trong khí quyển và tốc độ gia tăng trong
thời gian ngắn. Tác giả đưa ra minh chứng để lý giải việc gia tăng carbon do sự phát triển của
cuộc cách mạng công nghiệp. Bằng chứng được dẫn ra ở mối liên hệ của việc tăng
nhiệt độ cùng với tăng lên của carbon của cách mạng công nghiệp.
Tuy nhiên, tác giả chưa cân nhắc hoặc có góc độ nhìn
nhận rõ hơn về những diễn biến có thể xảy ra theo chiều ngược lại của giảm phát
thải và việc quay lùi lại sự gia tăng nhiệt độ trên trái đất. Thay đổi nhiệt độ
và độ ẩm là vấn đề mang tính toàn cầu do vòng tuần hoàn của chu trình nhiệt ẩm
toàn cầu. Do đó, việc tiến tới phát thải âm nhằm đưa nhiệt độ giảm trở lại thời
kỳ tiền công nghiệp có thể đồng nghĩa với việc có thể tránh thảm họa khí hậu ở cấp độ toàn cầu mà
không xảy ra những biến đổi khí hậu mang tính cục bộ ở một vùng đất nào đó. Lấy
dẫn chứng, do hiện tượng biến đổi khí hậu đã khiến cho toàn bộ vùng biển Bantich bị thu hẹp, kéo
theo toàn bộ lưu vực sông, đồng bằng thu hẹp. Điều này cũng khiến cho người dân
có xu hướng dịch chuyển nơi cư trú ra gần hơn với lòng biển. Ngoài ra, các hoạt
động sinh kế cũng vì thế mà được từ từ thay đổi, thích ứng với điều kiện khô hạn.
Nếu chúng là kéo cho lịch sử thời gian đi ngược lại, kích bản khí hậu có thể là các vùng đất vốn quen với
cây trông khô hạn, người dân đã vốn quen thời khô hạn và thiếu nước, lại xuất
hiện lượng ẩm cao hơn, nhiệt độ thấp hơn. Do đó các phương án thích ứng sẽ
không được sử dụng, phương thức và cách thức lại dần thay đổi như xưa kia.
Nhưng vấn đề ở đây là các diễn biễn này mất đến nửa đời người đến 1 đời người do đó các kinh
nghiệm, kỹ năng hay tri thức bản địa không nhanh chóng thích ứng được.
d. Các biểu hiện của biến đổi khí hậu
Tác giả đề cập đến một số vấn đề về biểu hiện của biến
đổi khí hậu gồm: sự gia tăng nhiệt độ, biểu hiện tăng tình trạng quá nóng hoặc
quá ẩm ướt. Đây là những đặc trưng
nổi bật của địa bàn các quốc gia Châu Âu. Trong khi đó bỏ
qua tình trạng quá lạnh (rét đậm, rét hạn), bão mạnh hơn, cháy rừng, mực nước
biển dâng và băng tan.
Khi phân
tích, Bill Gates chỉ nhắc đến các vùng như Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc.
Mặc dù không nhắc đến khu vực Đông Nam Á, nhưng các hiện tượng bất thường về
bão của khu vực Bắc Mỹ cũng đã phần nào đại diện được cho tính bất thường về
bão của vùng Đông Nam Á. Diễn biến về bão cũng vùng Đông Nam Á sẽ khác hơn nhiều
so với diễn biến của vùng Bắc Mỹ nhưng về cơ bản vẫn là tăng lên về tuổi thọ mỗi
cơn bão, phạm vi hoạt động của cơn bão và thời gian xuất hiện của cơn bão trong
năm như báo cáo của IPCC đã đề cập.
Tuy nhiên, khi mô tả các biểu hiện của biến đổi khí hậu,
tác giả không bỏ qua một số các hiện tượng như hạ thấp nhiệt độ, tình trạng hạn
hán. Sự thay đổi về cường độ, tần suất suất hiện của các hiện tượng thời tiết cực
đoan bao gồm cả các hiện tượng giông lốc không được nhắc đến trong sách. Trong
khí đó đây là hiện tượng phổ biến và đặc trưng của vùng Bắc Mỹ tương tự như hiện
tượng xoáy thuận nhiệt đới và các cơn bão.
e. Thỏa thuận và hợp tác toàn cầu trong vấn đề về biến đổi khí hậu
Bill Gates đánh giá cao nỗ lực hợp tác toàn cầu của
các quốc gia trong ký thỏa thuận Pari. Bản thân tác giả cũng xác định rõ việc đạt
được thỏa thuận này là bước khởi đầu trong nỗ lực hợp tác toàn cầu có tính khả
thi. Bên cạnh đó cũng một lần nữa nhấn mạnh cần phải xây dựng được một sự đồng
thuận chưa từng tồn tại để thúc đẩy quá trình chuyển đổi (G. Bill, 2021). Tuy
nhiên, tác giả chỉ sử dụng một dung lượng khiêm tốn cho phần nội dung này. Bao
gồm một phần nhỏ ở nội dung chương 2 và thông điệp đưa ra từ lời mở đầu và lời
bạt. Có thể nói tác giả ít tập trung vào vấn đề chính trị - một vấn đề nhạy cảm mặc dù chính trị là rào cản
lớn đối với tiến bộ về biến đổi khí hậu (Stocks, 2021) cũng như
nỗ lực toàn cầu. Không chỉ thế, trong bối cảnh hiện tại, các căng thẳng chính
trị đang đẩy an ninh năng lượng trở thành vấn đề nóng bỏng, tác động xấu đến nền
kinh tế của nhiều quốc gia. Căng thẳng chính trị hiện tại có thể so sánh với bất
ổn trong y tế mà dịch bệnh Covid-19 đã gây ra. Nó hoàn toàn có khả năng chuyển
dịch sự quan tâm, sự tập trung của các bên liên quan sang chủ đề trước mắt là
an ninh năng lượng, suy thoái kinh tế. Những luận điểm về giảm phát thải cacbon
từ nguồn nguyên liệu hóa thạch bị thách thức lớn trước căng thẳng chính trị giữa
các quốc gia trên thế giới.
f. Chi phí xanh
Thông qua phân tích một số chỉ số liên quan đến biến đổi
khí hậu, một số lầm tưởng và bản chất của vấn đề, tác giả hướng dẫn người đọc
cách tư duy và suy nghĩ để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa vấn đề năng lượng,
phát thải, sự đóng góp của nó trong vấn đề phát thải chung toàn cầu. Đáng kể nhất
là phần nội dung liên quan đến Chi phí xanh (Green Premiums) mà tác giả đề cập.
Chi phí xanh được tính là khoản tăng thêm khi lựa chọn năng lượng sạch. Thông
thường chi phí xanh là dương nhưng ở một số trường hợp nó âm. Chi phí xanh sẽ
giúp người tiêu dùng khi đo lường sự khác biệt khi sử dụng nguồn nguyên liệu
truyền thống và công nghệ mới. Mặc dù, tác giả cho rằng có thể được sử dụng như
một thước đo về tiến bộ trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu nhưng việc tính
toán Chi phí xanh đúng nghĩa và sát thực lại rất khó thực hiện. Nó không phải
là một phép đo thông thường mà là một chuỗi tính toán phức tạp của bài toán về
chi phí lợi ích. Ở cấp độ cá nhân, đơn cử tính toán Chi phí xanh của việc lựa
chọn thủy điện nhỏ hay điện mặt trời. Giả sử chi phí tăng thêm của việc dùng điện
mặt trời so với thủy điện nhỏ là x. Nhưng các chi phí khác đi kèm sản phẩm điện
mặt trời là chi phí phát thải từ sản xuất pin, chi phí phát thải từ vận chuyển
pin.. có được tính đến khi tính toán Chi phí xanh hay không? Nếu tính toán chi
tiết, Chi phí xanh trong trường hợp này có thể không phải là x mà là một giá trị
y=(x+- n). Nếu không được tính toán chi tiết thì Chi phí xanh chỉ là Chi phí biểu
tượng, không phản ánh được bản chất của vấn đề về mặt tài chính hay về mặt phát
thải CO2.
g. Các giải pháp cắt giảm khí nhà kính
Các giải pháp về tránh một thảm họa về biến đổi khí hậu
bao gồm tổng hợp rất nhiều nhóm giải pháp khác nhau để cắt giảm khí nhà kính. Về
mặt kỹ thuật sẽ là các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, và giải pháp tăng
cường hấp thụ khí nhà kính. Tác giả Bill Gates đã đề cập đến cả 2 nhóm giải
pháp này. Do tác giả có cách tiếp cận công nghệ làm trung tâm (Jenn Goddu, 2021) nên dành
một dung lượng lớn của cuốn sách trình bày về các giải pháp công nghệ. Hơn nữa,
tác giả tập trung hơn vào các giải pháp mang tầm vĩ mô, cách nhìn từ 1 nhà quản
lý, kinh doanh hơn là cách nhìn từ 1 người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng giải pháp mà Bill Gates
đưa ra vẫn là giải pháp về công nghệ như thay thế thiết bị điện. Tác giả có thể
hiểu nhưng lại quên mất cách thức sử dụng các thiết bị, phương tiện là rất quan
trọng trong việc giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng. Chính
vì vậy, do đó, các giải pháp lối sống, hành vi tiêu dùng cấp cá
nhân rất mờ nhạt trong nội dung cuốn sách.
h. Vấn đề phát triển năng lượng tái tạo
Khi thảo luận về vấn đề liên quan đến năng lượng mặt
trời. Quan điểm của Bill Gates hồ nghi về tốc độ giảm giá của pin năng lượng mặt
trời. Tuy nhiên trong thực tế tốc độ giảm phí của điện mặt trời và điện gió nhanh hơn nhiều so với những
gì mà Bill Gates đã đưa ra trong cuốn sách (McKibben, 2021). Khi mới được sản xuất, vào năm 1977, giá pin năng lượng mặt trời là 76
USD/w (Sitaula, 2018), cho đến nay, giá giảm 99% về giá. Bên cạnh giảm nhu cầu
năng lượng chung là xu hướng tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu
điện tổng thể. Điều này củng cố thêm nhận định của tác giả cuốn
sách về tính khả quan trong tăng tỷ trọng sử dụng điện tái tạo. Về hiệu quả sử
dụng năng tái tạo phân tích nguồn số liệu từ IRENA về công suất phát điện của năng lượng
tái tạo cho thấy, con số này tăng lên hơn 200% trong 9 năm từ 2009-2018
(IRENA, 2019). Tỷ trọng
điện tái tạo cũng tăng lên theo số liệu của IEA cho thấy, năm 2020, tỷ trọng sản xuất năng lượng
tái tạo trong sản xuất điện toàn cầu tăng lên 28% so với quý 1 năm 2019. Sản lượng
điện mặt trời và gió tăng 8% so với quý 1 năm 2019 (Renewables –
Global Energy Review 2020 – Analysis, 2020). Mặc dù giai đoạn Covid-19, tốc độ
lắp đặt điện tái tạo có bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế. Cụ thể Ở cấp độ vi mô, do các
biện pháp khóa cửa, hoạt động lắp đặt pin năng lượng mặt trời áp mái đã chậm lại
đáng ở nhiều quốc gia. Ví dụ Hoa Kỳ giảm 37% (tương đương với 288000 mái nhà), Ấn
Độ giảm 36,7% so với dự kiến ngay trong quý 1 (IFC, 2020).
Một trong những giải pháp mà Bill Gates đưa ra đó là một
cách thức nào đó để phổ biến hơn nữa xe điện. Điều này đang thực sự xảy ra và
có sự chuyển biến mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới nhất là Hoa Kỳ, Châu
Âu khi mà những căng thẳng về chính trị khiến giá dầu thế giới tăng lên nhanh
chóng tạo cú hích trong chuyển dịch sang thị trường xe điện.
3. Tiểu kết
Cuốn sách của Bill Gates về cách thức tránh một thảm họa
khí hậu cung cấp một bức tranh về những chủ đề liên quan mật thiết tới phát thải
khí nhà kính, thảm họa khí hậu, mà nổi bật là giải pháp công nghệ giúp giảm
phát thải khí nhà kính. Đây là một cuốn sách hay cho nhiều chủ thể khác nhau từ
nhà lập chính sách, nhà hoạt động môi trường, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đến
người dân thông thường. Mỗi một chủ thể sẽ hấp thụ nội dung cuốn sách ở mức độ
khác nhau nhưng với cách trình bày và chốt vấn đề của Bill Gates thì những phần
cốt lõi của cuốn sách vẫn được lưu
lại trong tâm trí người đọc.
Cuốn sách cũng phản ánh cách
nhìn, cách tiếp cận cá nhân của Bill Gates cũng như dịch giả khi dịch thuật
sang tiếng Việt. Dịch thuật tiếng việt chưa sát nghĩa
tên tiếng Anh nên rộng hơn phạm vi mà cuốn sách đưa ra. Mô tả bức tranh thay đổi
khí hậu thiên lệch về địa bàn và thiên lệch về các hiện tượng, biểu hiện của biến
đổi khí hậu, và giải pháp về công
nghệ.
Một số nội dung tác giả ít nhấn mạnh mà có thể giải
quyết trong các tác phẩm tiếp theo về biến đổi khí hậu như: cách mỗi cá nhân tham
gia vào đạt mục tiêu giảm phát thải CO2; giải pháp về thể chế, cơ chế
về tài chính để đạt được đồng thuận và nỗ lực toàn cầu một cách mạnh mẽ trước bất
ổn chính trị; hướng dẫn chi tiết cho Chi phí xanh và bài toàn chi phí lợi ích. Cuối
cùng, do hạn chế về mặt tài liệu, thời gian, và nguồn nhân lực nên trong phạm
vi của bài viết này chưa bàn luận đến một nội dung quan trọng và có độ nhạy cảm chính trị là tính khả thi của mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tài liệu tham khảo
Bill, G. (2021). Thảm họa khí hậu
chúng ta đã làm gì và chúng ta phải làm gì để ứng phó? (GreenID). Công ty cổ
phần sách Omega Việt Nam.
Bộ Tài
nguyên và Môi trường. (2008). Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến
đổi khí hậu.
IFC.
(2020). The impacst of covid-19 on the power sector.
IRENA.
(2019). Renewable energy statistics 2019 (p. 389). The International
Renewable Energy Agency.
Jenn
Goddu. (2021). Book Review: “How to Avoid a Climate Disaster” by Bill Gates.
https://airpurifiers.com/tag/jenn-goddu/
McKibben,
B. (2021). Book Review: ‘How to Avoid a Climate Disaster,’ by Bill Gates—The
New York Times. https://www.nytimes.com/2021/02/15/books/review/bill-gates-how-to-avoid-a-climate-disaster.html
Renewables
– Global Energy Review 2020 – Analysis.
(2020). IEA. https://www.iea.org/reports/global-energy-review-2020/renewables
Sitaula,
S. (2018). Techno-economic analysis of solar PV system for Tampere
University of Applied Sciences.
Stocks,
L. C. (2021). Bill Gates and the problem with climate solutionism.
Technologyreview.
https://www.technologyreview.com/2021/02/16/1017832/gates-robinson-kolbert-review-climate-disaster-solutionism/