17 thg 10, 2012

Tăng trưởng và phát triển vùng kinh tế & phân vùng kinh tế ở vIệt Nam



TỔNG QUAN LÝ THUYẾT TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ, CÁC PHƯƠNG ÁN PHÂN VÙNG KINH TẾ Ở VIỆT NAM*
                                                                        
1.      Giới thiệu
Phân vùng kinh tế ở Việt Nam ảnh hưởng từ tổ chức lãnh thổ kinh tế xã hội ở Liên Xô cũ cũng như từ các lý thuyết kinh tế ở phương Tây. Theo đó các vùng kinh tế hiện nay là sản phẩm của quá trình tổ chức lãnh thổ kinh tế xã hội trong nhiều giai đoạn. Quá trình này đòi hỏi xem xét đến nhiều lý thuyết kinh tế[1]. Bài viết chỉ tổng quan một số lý thuyết cơ bản được ứng dụng trong tổ chức lãnh thổ vùng kinh tế. Ngoài ra, nội dung cũng chỉ ra những thay đổi trong các phương án phân vùng kinh tế ở Việt Nam từ những năm giữa của thế kỷ XX, và mô hình hóa sự khác nhau trong các phương án phân vùng hiện tại.
2.      Một số khái niệm
2.1.  Tăng trưởng và phát triển kinh tế
Tăng trưởng kinh tế là khái niệm sử dụng trong kinh tế học nhằm diễn tả sự gia tăng của lượng hàng hóa và dịch vụ (GDP) trong một thời gian nhất định, bao hàm cả gia tăng về tổng lượng (theo chiều rộng) và lượng bình quân đầu người (chiều sâu). Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc và các yếu tố đầu vào (nguồn lực) chính như: vốn, nhân lực, công nghệ, tài nguyên, cơ chế. Một khái niệm nữa thường được nhắc đến khi bàn về tăng trưởng kinh tế đó là chất lượng tăng trường, được đánh giá từ hiệu quả việc sử dụng nguồn lực vào tăng trưởng kinh tế, cũng như đóng góp của nguồn lực vào gia tăng tăng trưởng kinh tế theo thời gian.
Phát triển trên quan điểm biện chứng là “dùng để chỉ quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện”,“ kết quả của quá trình biến đổi dần dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất[2], là xu thế tất yếu của quá trình vận động của sự vật hiện tượng trong một phạm vi không gian và thời gian nhất định. Quá trình phát triển phụ thuộc trước hết ở mâu thuẫn nội tại của bản thân nó, thứ hai phụ thuộc vào các tác nhân bên ngoài tác động vào quá trình này.
Sự phát triển đôi khi được đồng nghĩa với phát triển kinh tế (thể hiện rõ sự thay đổi về lượng), nhưng thực ra trong đó là thể hiện về công bằng, tiến bộ xã hội. Thực tiễn cho thấy nhận thức về sự phát triển đã trải qua nhiều giai đoạn ngày càng hoàn thiện hơn. Theo đó sự phát triển đã đi theo con đường từ phát triển đồng bộ, phát triển cân đối đến phát triển bền vững (Vịnh, 2005, tr.12-20). Trong quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế có một ý nghĩa to lớn đặc biết đối với các quốc gia đi sau (Tùng, 2002, tr.29). So với khái niệm tăng trưởng kinh tế muốn nhấn mạnh đến mặt định lượng thì khái niệm phát triển quan sát rõ hơn về các mặt chất lượng. Xem xét đến phát triển bền vững, đề cập đến việc phát triển trên cả 3 khía cạnh môi trường, kinh tế, xã hội và đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ thì tăng trưởng kinh tế chỉ là một phần trong mục tiêu kinh tế[3]. Nếu nhấn mạnh tăng trưởng, cần phải tạo đà trên các yếu tố khác, việc này có thể làm giảm đáng kể nguồn tài nguyên, tăng cường phát thải vào môi trường, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, hạn chế khả năng tiếp cận của nhóm nghèo tiền ẩn bất ổn định và xung đột chính trị.
2.2.  Vùng kinh tế
   Có nhiều quan niệm về vùng, dưới góc độ lãnh thổ, “vùng là một lãnh thổ tương đối đồng nhất bao gồm các bộ phận cấu thành có mối liên hệ chặt chẽ với nhau đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của bản thân lãnh thổ đó cũng như giữa nó và các lãnh thổ khác” (Thông, 2006, tr.5). Vùng có thể có nhiều loại khác nhau theo tùy theo mục đích phân vùng. Có các loại vùng như vùng kinh tế, vùng tự nhiên, vùng sinh thái.
           Dưới góc độ kinh tế, vùng là một bộ phận lãnh thổ của nền kinh tế kinh quốc dân, có cơ cấu khá phức tạp và tổng hợp, có thể hoạt động một cách độc lập (tuy rằng tất nhiên trong hầu hết các trường hợp thực tế, các vùng luôn có mối quan hệ chặt chẽ và hữu cơ với các vùng còn lại của nền kinh tế) (Hoa, 2007, tr.10). 
          Theo từ điển Bách khoa Xô Viết năm 1988 “Vùng kinh tế được đặc trưng bởi các điều kiện tự nhiên, kinh tế và chuyên môn hóa sản xuất trên cơ sở phân công lao động địa lý cũng như bởi các mối liên hệ kinh tế nội vùng ổn định. Vùng kinh tế là một khâu cơ bản trong việc tổ chức lãnh thổ nền sản xuất xã hội, là đối tượng chủ yếu của chính sách vùng và kế hoạch hóa lãnh thổ” (Thông, 2006, tr.9). Ở Ba Lan với xu hướng thay đổi để hội nhập tiếp cận “vùng kinh tế là một lĩnh vực xã hội tổng thể được tạo bởi các công ty, các thể chế cũng như các bản sắc và các tác nhân trong vùng”. Trong khi đó, ở Canadda vùng kinh tế đơn giản là nhóm các đơn vị dân cư nguyên vẹn để tạo thành một đơn vị hành chính địa lý chuẩn mực phục vụ cho việc phân tích và hoạt động kinh tế vùng”. (Nga, 2012)
          Trong phát triển kinh tế xã hội việc quy hoạch phát triển lãnh thổ là vấn đề mấu chốt. Nó được hiểu là “việc sắp xếp và phối hợp các đối tượng trong mối liên hệ liên ngành, liên vùng nhằm sử dụng một cách hợp lý các tiềm năng tự nhiên, lao động, vị trí địa lý kinh tế, chính trị và cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội và nâng cao mức sống dân cư, đảm bảo sự phát triển bền vững” (Vịnh, 2005, tr.366). Từ góc độ này phân cấp không gian kinh tế xã hội thành các vùng lớn, tiểu vùng thuận tiện cho quá trình hoạch định chính sách.
          Như vậy, ở đây, vùng kinh tế với tư cách là một hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế xã hội được định hình dựa vào các đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và dân cư của bản thân lãnh thổ đó đặt trong mối liên hệ về không gian với các lãnh thổ khác. Việc kiến thiết lãnh thổ không nằm ngoài mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn lực nội vùng, liên kết với tiềm lực ngoại vùng đạt hiệu quả  cao nhất về kinh tế, và tính bền vững.
          Việc hình thành các vùng khác nhau là do các nhóm nhân tố tạo vùng bao gồm: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội. Trong đó, các nhân tố vị trí địa lý được xem như nhân tố cá biệt hóa; các nhân tố tự nhiên tạo tiền đề vật chất cho sự phát triển vùng; dân số là nhân tố quan trọng; công nghệ được xem như có vai trò quyết định đến sự phát triển của vùng. Song song với nó các nhân tố bên ngoài cũng có tác động mạnh đến quá trình này thông qua các mối liên kết. Phân công lao động theo lãnh thổ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nội vùng cũng như tạo nên các mối liên kết với bên ngoài. Ban đầu khi lực lượng sản xuất chưa phát triển, sản xuất mang tính tự cấp tự túc, mối liên kết với bên ngoài con yếu, dần dần quá trình này chuyển sang nền sản xuất hàng hóa gắn với chuyên môn hóa, hợp tác hóa trong sản xuất. Phân công lao động ở mức độ cao tăng tính phụ thuộc lẫn nhau trong nội vùng và với vùng khác. Như vậy,các vùng chuyên môn hóa càng cao thì mức độ liên kết càng sâu rộng, điều này thể hiện cả trong nội và ngoại vùng.
3.      Các lý thuyết sử dụng trong phân vùng kinh tế
3.1.  Vành đai nông nghiệp của Von Thunen (1883)
Mô hình phát triển theo vành đai nông nghiệp của Thunen nhằm sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp của nông dân, coi địa tô chênh lệch là một nhân tố quan trọng dẫn đến sự phân chia lãnh thổ sản xuất nông nghiệp. Mô hình này coi các thành phố, trung tâm có sức hút với các hoạt động nông nghiệp xung quanh. Tính toán khoảng cách phân bổ của các sản phẩm nông nghiệp với trung tâm theo một tỷ lệ nhất định nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Theo đó ông xây dựng các vành đai sản xuất nông nghiệp xung quanh đô thị trung tâm từ nhân ra bao gồm: vành đai thực phẩm; vành đai lương thực thực phẩm; vành đai cây ăn quả, lương thực; vành đai lương thực chăn nuôi; vành đai lâm nghiệp. Các vành đai nông nghiệp không tròn đều, có ranh giới ước lệ phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.
   Lý thuyết này cũng gặp nhiều ý kiến phê bình, nó có thể bị phá vỡ bởi sự phát triển của công nghiêp hóa và tính chuyên môn hóa trong hoạt động sản xuất. Trong khi đó mô hình cũng không tính đến sự khác nhau về phương tiện vận tại, “không xem xét ảnh hưởng chi phí của các thiết bị vận chuyển (như máy cày) đến nơi sản xuất” (Carl, 1920, tr.xx). Điều này được cho là thiếu sót so với thuyết định vị công nghiệp của Weber, nhưng tất nhiên, hai lý thuyết này trả lời câu hỏi về các vấn đề hoàn toàn khác nhau. Một hạn chế khác của Thunen trong lý thuyết của ông đó là áp dụng cho nhóm sản phẩm nông nghiệp (Carl, 1992 tr.xxi). Tuy nhiên, do tính phổ quát cao mà nó vẫn được tính đến trong phân vùng nông nghiệp.
3.2.  Thuyết định vị công nghiệp của Alfred Weber (1909)
Giống như Thunen, Weber coi thành phố là các trung tâm tạo lực hút cho lãnh thổ. Sự phân bố của các khu vực sản xuất xung quanh đều phục vụ cho nhu cầu của trung tâm.
Weber xem xét đến chi phí lao động, và trong khi Thunen trả lời câu hỏi kiểu sản xuất nào sẽ là tốt nhất tại những nơi nhất định thì Weber đi tìm điều gì làm cho một ngành công nghiệp di chuyển địa điểm. (Cral, 1920, tr.xxi)
Lý thuyết định vị của A.Weber xét đến 3 yếu tố trong khi tìm vị trí của một ngành công nghiệp đề giảm chi phí vận tải và lao động: địa điểm vận chuyển tối ưu giảm chi phí vận tải; thuận lợi về nguồn lao động giá rẻ có thể đực ưu tiên hơn so với khoảng cách vận chuyển xa hơn; tích tụ và tập trung công nghiệp (tạo dựng các liên hợp sản xuất trên lãnh thổ).  Trên cơ sở xác định nguyên tắc "cực tiểu hoá chi phí, cực đại hoá lợi nhuận" A.Weber đưa ra mô hình không gian về phân bố công nghiệp.
3.3.  Phát triển cực trung tâm của Walter Chirstaller (1933)
Cũng giống như Thunen và Weber, Christaller cho rằng nông thôn chịu sức hút mạnh từ các thành phố, đô thị trung tâm.  Trong lý thuyết của mình Christaller đi tìm câu hỏi về sự cần thiết trong việc quy định kích thước, số lượng và sự phân bố của các thị trấn. Ông đưa ra mô hình lý thuyết về các điểm trung tâm kết hợp với các nút và liên kết trong một giả thuyết lý tưởng. Mô hình này dựa trên tiền đề là tất cả hàng hóa và dịch vụ được mua bởi người tiêu dùng từ điểm trung tâm gần nhất, và như vậy cần giải quyết vẫn đề của điểm trung tâm. Ông đề xuất mô hình khu định cư đô thị theo thứ bậc với mô hình sắp xếp lục giác, theo đó các trung tâm cấp cao sẽ tạo ra lực hút mạnh nhất tới tiêu thụ của dân cư hơn là các trung tâm cấp thấp hơn.
Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra khái niện liên quan đến trung tâm, ngưỡng, phạm vi, tính trung tâm. Theo đó sức hút của trung tâm có ngưỡng và có phạm vi, việc tiêu thụ và cung ứng dịch vụ ngoài bán kính tiêu thụ là không có lợi ích kinh tế. Christaller đưa ra 3 nguyên tắc trong phân cấp và bố trí khu định cư đô thị hợp lý là: tiếp thị; giao thông vận tải; hành chính.
Sau đó mô hình của Christaller đã được Kosch (nhà kinh tế người Đức) phát triển và xây dựng mô hình theo cấu trúc hành chính và nền sản xuất ngược với Christaller theo kiểu hình nêm. Thuyết này chứng tỏ rằng mỗi khu định cư đô thị được tổ chức tại chỗ trong một hệ thống các thành phố và bất kỳ thay đổi nào được xác định ở một vị trí nào đó diễn ra trong hệ thống (Heibrun, 1987). Cũng có ý kiến chỉ trích mô hình của Christaller mang tính tĩnh, không có tính động.
3.4.  Phát triển cực của Francoi Perroux (1949)
F.Perroux quan tâm đến những thay đổi trong phạm vi lãnh thổ dẫn đến sự phân hóa và phát sinh cực tăng trưởng. Ông quan niệm sự phát triển vùng không thể đồng đều trên toàn bộ lãnh thổ mà trong quá trình phát triển sẽ có xu hướng phân hóa, một số mới với điều kiện thuận lợi sẽ phát triển hơn các nơi khác, thậm chí có nơi trì trệ, kém phát triển.
Thông qua nghiên cứu chuỗi đô thị của Pháp ông quan niệm các đô thị là các cực. Các cực tạo thành một hệ thống có sức lan tỏa với các vùng lân cận và có sự tương tác với nhau. Trong hệ thống đó có các đô thị đã phát triển gọi là cực phát triển, có các đô thị đang trong quá trình phát triển gọi là các cực tăng trưởng. Như vậy, các cực phát triển là các cực tương đối hoàn thiện và khá ổn định về chức năng và quy mô, trong khi đó các cực tăng trưởng đang trong quá trình hoàn thiện về chức năng cũng như ổn định về quy mô. Các cực tăng trưởng này bị ảnh hưởng nhiều bởi các cực phát triển. Căn cứ vào đặc điểm của các cực này mà người ta tiến hành kiến thiết lãnh thổ để tạo sự phát triển hài hòa nhất bằng việc đặt thêm một đô thị mới trong hệ thống. Các cực phát triển có vai trò quan trọng trong tạo lực hút về lao động, sản xuất hàng hóa và dịch vụ, nói cách khác, các cực phát triển như những động lực kéo theo sự phát triển của các cực tăng trưởng.
Sau này các học giả Mỹ phát triển rộng hơn khái niệm cực tăng trưởng thành cực trung tâm. Hirschmann đưa ra khái niệm tăng trưởng bất công bằng, theo đó đầu tư tốt nhất là vào các trung tâm tăng trưởng chứ không phải là phân tán ra xung quanh bằng một quan niệm mơ hồ về “cân bằng” hoặc “bình đẳng”. (Hirschmann, 1958[4])
3.5.  Một số mô hình tăng trưởng
Mô hình tăng trưởng dựa vào nội lực
Mô hình phát triển dựa vào nội lực chú trọng đến các nguồn lực bên trong của lãnh thổ bao gồm tài nguyên thiên nhiên, con người, vốn, khoa học công nghệ để phát triển vùng. Các đại biểu có nó là C. Clark (1940) và G.B. Fisher (1939), hai ông bàn về sự thay đổi cơ cấu kinh tế theo ngành trong quá trình phát triển vùng liên quan đến sự thay đổi của lực lượng lao động.
Mô hình tăng trưởng dựa vào ngoại lực
Ngược lại với mô hình trên, mô hình tăng trưởng dựa vào ngoại lực đề cao ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài vào quá trình phát triển của bản thân vùng. Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu (ELG) đi kèm với chiến lược thay thế hàng nhập khẩu (ISI), hướng vào khai thác các lợi thế của vùng so với vùng khác, coi xuất khẩu thu ngoại tệ là vấn đề cốt lõi để tăng trưởng. Mô hình này bắt đầu được áp dụng ở một số nước đang phát triển từ giữa những năm 60.
Trong quá trình tổ chức lãnh thổ kinh tế xã hội, hay quy hoạch các vùng người ta thường hay áp dụng lý thuyết của Christaller và Perroux để nghiên cứu và phát triển các đô thị mới trong hệ thống hành chính đã có sẵn; hoàn thiện các chùm, chuỗi đô thị hình thành các trung tâm phát triển quan trọng của lãnh thổ. Ngoài ra, người ta cũng tính  đến các mô hình phát triển: mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, mô hình phát triển phi cân đối, mô hình phát triển dựa vào nội lực.
4.      Các phương án phân vùng kinh tế ở Việt Nam
Việt Nam bắt đầu tiến hành phân vùng từ thời kháng chiến chống Pháp với phương án: 3 kỳ từ trước cách mạng tháng 8; sau đó chia làm 3 bộ;  9 khu hành chính – kháng chiến (1946-1954) tuy nhiên đây chủ yếu là phân giới hành chính phục vụ cho mục đích quân sự. Từ sau những năm 60 của thế kỷ XX Việt Nam bắt đầu có vùng kinh tế với nhiều phương án các cấp phân vị khác nhau. Ở đây chú ý đến sự phân vùng kinh tế theo 2 nghĩa: vùng kinh tế xã hội tổng hợp, vùng kinh tế ngành.
Vùng kinh tế xã hội tổng hợp: vùng này được phân chia trên quan điểm quan sát tổng hợp tất cả các yếu tố tham gia, được coi như hệ thống kinh tế xã hội theo lãnh thổ có cơ cấu ngành kinh tế đa dạng, phức tạp. Vùng kinh tế trọng điểm với tư cách là các địa bàn chiến lược, với nhiều lợi thế so sánh, có khả năng phát triển nhanh, tạo động lực cho các vùng khác phát triển.
Vùng kinh tế ngành bao gồm: dựa trên các yếu tố đầu vào của mỗi ngành mà có các vùng kinh tế ngành khác nhau: vùng nông nghiệp (hay còn gọi là vùng sinh thái nông nghiệp); vùng công nghiệp, vùng du lịch.
Sau đây lược sử một số phương án phân vùng ở Việt Nam
-            Năm 1960, GS Trần Đình Gián đưa ra phương án 2 vùng với mục đích phân vùng hành chính tỉnh bao gồm: Miền Bắc (Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ); Miền Nam
-            Năm 1964, Ủy ban kế hoạch nhà nước (Bộ nông nghiệp) đưa ra phương án 4 vùng nông nghiệp: Tây Bắc; Đông Bắc; Đồng bằng sông Hồng ; khu bốn cũ (từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh)
-            Năm 1976, ở Hội nghị lần 25 Ban chấp hành TW Đảng, Viện phân vùng quy hoạch Trung ương đưa ra phương án 8 vùng kinh tế tổng hợp: Đồng bằng và trung du Bắc Bộ; Quảng Ninh; Tây Bắc Bắc Bộ; Cao bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái; Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên; Tây Nguyên; Duyên hải miền Trung; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long
-            Năm 1977, Ban chỉ đạo phân vùng Nông nghiệp đưa ra phương án 7 vùng nông lâm nghiệp Trung du miền núi phía Bắc (1); Đồng bằng sông Hồng (2); Khu bốn cũ (Bắc Trung Bộ) (3); Duyên hải Nam Trung Bộ (4); Tây Nguyên (5); Đông Nam Bộ (6); Đồng bằng sông Cửu Long (7). (Xem hình 1)
-            Sau 1980 đến năm 1986 có nhiều phương án phân vùng được đưa ra:
o    Đại học sư phạm đưa ra phương án 2 vùng: Bắc Bộ và Nam Bộ
o    Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra phương án 4 vùng kinh tế tổng hợp: Vùng Bắc Bộ; Vùng Thanh Nghệ Tĩnh; Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắc Lắk, Phú Khánh; Thuận Hải, Lâm Đồng, Sông Bé trở vào Nam
o    Ban Địa lý - Ủy ban Khoa học xã hội đưa ra phương án 5 vùng: Bắc Bộ; Bắc Trung Bộ; Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên; Nam Tây Nguyên; Nam Trung Bộ và Nam Bộ
o    Tác giả Nguyễn Xuân Ngọc (Ủy ban phân vùng kinh tế Trung ương) đưa ra phương án 4 vùng: Bắc Bộ (Trung du miền núi phía Bắc , Đồng Bằng sông Hồng); Bắc Trung Bộ; Nam Trung Bộ (Tây Nguyên, duyên hải khu 5); Nam Bộ (Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long)
-            Sau năm 1986 Bộ kế hoạch và đầu tư đưa ra phương án 6 vùng kinh tế tổng hợp[5]: Đông Bắc (cả Quảng Ninh)(1); Đồng bằng sông Hồng (3); Tây Bắc (2); Bắc Trung Bộ (4); Duyên hải Nam Trung Bộ (5); Tây Nguyên (6); Đông Nam Bộ (cả Ninh Thuận và Bình Thuận) (7); Đồng bằng sông Cửu Long (8) (xem hình 2)
-            Năm 1995 phương án vùng Du lịch[6] với 3 vùng Bắc Bộ (4 tiểu vùng: trung tâm, duyên hải Đông Bắc, Miền núi Đông Bắc, Miền núi Tây Bắc); Bắc Trung Bộ; Nam Trung Bộ và Nam Bộ (4 tiểu vùng: Nam Trung Bộ, Duyên hải, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ) (xem hình 1)
-            Năm 1997, để phát triển kinh tế theo các địa bàn động lực có phương án 3 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ[7]; Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam[8]; Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung[9] (Hình 3). Cho đến năm 2004 ranh giới các vùng này được mở rộng.
-            Năm 2006, viện nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp đưa ra phương án 6 vùng công nghiệp: Trung du miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; ven biển Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long
 Như vậy: Trong lịch sử phát triển, Việt Nam có nhiều phương án phân vùng khác nhau tùy theo mục đích bao gồm vùng kinh tế tổng hợp và vùng kinh tế ngành. Do đặc điểm kinh tế xã hội mà các vùng nông nghiệp được chú trọng nhiều hơn, sớm hơn việc phân vùng kinh tế tổng hợp. Các vùng công nghiệp, vùng du lịch mới được chú trọng đi liền với công nghiệp hóa đất nước từ những năm 90 trở lại đây. Các vùng kinh tế trọng điểm có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển lãnh thổ.
Theo đó ranh giới các vùng có sự thay đổi do sự phát triển tất yếu khách quan mà chủ yếu là sự phân công lao động và chuyên môn hóa trong sản xuất. Lực hút của trung tâm với ngoại vi cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thay đổi của ranh giới vùng cũng như do chiến lược phát triển của quốc gia. Ví dụ như những bất đồng xung quanh việc xếp Thanh Hóa vào phân vùng nào giữa đồng bằng sông Hồng và Duyên hải miền Trung. Các ý kiến trái chiều cho rằng, Thanh Hóa chịu lực hút mạnh hơn từ trung Tâm Hà Nội, và tam giác tăng trưởng có thể kéo xuống cảng Nghi Sơn của Thanh Hóa chứ không chỉ là Quảng Ninh- Hà Nội- Hải Phòng (Vịnh[10], 2009).
            Các phương án phân vùng dựa trên đánh giá hiện trạng và dự báo phát triển của vùng phù hợp với phân công lao động theo lãnh thổ, đặc điểm nguồn nhân lực, mức độ chuyên môn hóa sản xuất theo trình độ khoa học công nghệ.  

Phân vùng sinh thái nông nghiệp ưu tiên đến các ranh giới tự nhiên nguyên nhân của phân kiểu khí hậu. Phân vùng du lịch ưu tiên đến số lượng chất lượng và sự phân bố của các tài nguyên du lịch nhân văn và tự  nhiên trên lãnh thổ. Ranh giới nhìn chung thay đổi không nhiều, đáng chú ý là phương án phân vùng công nghiệp giống với phương án vùng kinh tế tổng hợp.




5.      Kết Luận
            Quan niệm vùng kinh tế ở Việt Nam gắn với tổ chức lãnh thổ kinh tế xã hội, trên cơ sở chủ quan hóa các yếu tố khách quan về tự nhiên, con người, khoa học công nghệ.
Sự tăng trưởng và phát triển vùng cũng như sự phân vùng gắn với một số lý thuyết kinh tế. Tùy theo điều kiện của vùng mà có thể lựa chọn phương án phát triển dựa vào nội lực, hay tăng trưởng dựa vào ngoại lực. Tuy nhiên, sự phát triển của bản thân vùng kinh tế bao giờ cũng có các động lực thúc đẩy và các vùng bị ảnh hưởng. Tạo mối liên kết nội vùng và ngoại vùng gắn liền với quá trình chuyên môn hóa và hợp tác hóa trong sản xuất cũng như quá trình phân công lao động theo ngành và theo lãnh thổ.
Lịch sử phân vùng kinh tế ở Việt Nam thể hiện tính đa phương án và tính chủ quan. Ranh giới các vùng thay đổi tùy thuộc vào sự phát triển của nội vùng cũng như các liên kết ngoài vùng. Trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định cần xây dựng phương án tối ưu sử dụng hiệu quả nguồn lực đảm bảo sự phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Pragya Agarwal, 2011, Walter Christaller hierarchical patterns of urbanization, 2011, Center for Spatially Intergrated social science, University of California, http://www.csiss.org/classics/content/67/
2.      Carl Joachim Friendrich, (1920) Alfred Weber`s theory of the location of industries, The university of Chicago press Chicago, Ilinois. USA.
3.      David Darwent, 1969, Growth poles and growth centers in regional planning – a review, Environment and Planning, vol. 1 (1969), pp.5-32 http://www.sjsu.edu/faculty/watkins/poles.htm
4.      David Fearon, 2011, Alfred Weber Theory of the Location of Industries 1909,  Center for Spatially Intergrated social science, University of California
6.      Phạm Xuân Hậu, 2002, Giáo trình Địa lý kinh tế xã hội Việt Nam, Đại học sự phạm TP Hồ Chí Minh http://kmacle.duytan.edu.vn/Upload/file/giao%20trinh%20dia%20kinh%20te%20VN.pdf
7.      Lê Thu Hoa, 2007, Kinh tế vùng ở Việt Nam, từ lý luận đến thực tiễn, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội.
8.      Hà Hữu Nga, 2012,  Khoa học vùng là lý thuyết vùng kinh tế, http://kattigara-echo.blogspot.com/2012/09/khoa-hoc-vung-va-ly-thuyet-vung-kinh-te_9865.html
9.      Đặng Văn Phan, 2006, Địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ hội nhập, Nxb Giáo dục, Hà Nội
10. Lê Thông, 2006, Địa lý ba vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam, Nxb Giáo Dục, Hà Nội
11. Trần Văn Tùng (chủ biên) Nguyễn Trọng Hậu 2002, Mô hình tăng trưởng kinh tế, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
12. Ngô Doãn Vịnh, 2005, Bàn về phát triển kinh tế nghiên cứu con đường dẫn tới giầu sang, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
13. Ngô Doãn Vịnh, 2009, Tổ chức lãnh thổ kinh tế xã hội một số vấn đề lý thuyết và ứng dụng, (Tài liệu phục vụ nghiên cứu cho các ứng viên dự thi nghiên cứu sinh và thực hiện luận án tiến sỹ chuyên ngành Địa lý học)
14. Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, 2006, Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
15. Johann Heinrich Von Thunen
16. Tổng quan về quá trình hình thành vùng kinh tế trọng điểm http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungvungkinhtetrongdiemquocgia?articleId=10000721




[1] Nổi tiếng là lý thuyết tăng trưởng kinh tế cố điển của Adam Smith, David Ricardo; lý thuyết tăng trưởng kinh tế hiện đại của Maynard Keynes, Simon Kuzets, Eward Emision.
[2] Giáo trình Triết học Mac Lê nin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
[3] Phát triển bền vững về mặt kinh tế cần đảm bảo ba mặt bao gồm quy mô, tăng trưởng và cơ cấu theo ngành và theo lãnh thổ. Phát triển kinh tế ổn định, cơ cấu kinh tế hợp lý giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, tăng trưởng kinh tế có chất lượng.

[4] Xem thêm trong: Hà Hữu Nga, Khoa học vùng và lý thuyết vùng kinh tế, http://kattigara-echo.blogspot.com/2012/09/khoa-hoc-vung-va-ly-thuyet-vung-kinh-te_9865.html (Trích đề tài khoa học cấp bộ Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế, 2009)
[5] Ranh giới các vùng được thay đổi năm 2006 theo 92/NĐ-CP/07/09/2006
[6] Xem thêm ở Địa lý ba vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam, Lê Thông, 2006, tr.19
[7] Năm 2003 có bổ sung các tỉnh theo thông báo số 108/TB-VPCP ngày 30/07/2003
[8] Năm 2003 có bổ sung các tỉnh theo  thông báo số 99/TB-VPCP ngày 02/7/2003

[9] Năm 2004 có bổ sung các tỉnh theo các Quyết định số145, 146, 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/08/2004
[10] Tài liệu của PGS.TS Ngô Doãn Vịnh, Viện Chiến lược và phát triển

Bài hội thảo "Liên kết vùng trong bối cảnh hội nhập và phát triển" Đoàn TNCS HCM - VASS

Tên bài viết so với nội dung bài viết đã được nhận xét là "Tác giả đặt ra một số vấn đề và lĩnh vực rất lớn không chỉ đối với Việt Nam và cả Thế giới nữa, vì vậy cần có một thời gian dài, với nhiều nguồn lực thì mới mong giải quyết phần nào các vấn đề/lĩnh vực đặt ra trong bài viết."