THÁCH THỨC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NÔNG NGHIỆP
NÔNG THÔN VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP
Trịnh Thị Tuyết Dung[1]
Tóm tắt
Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu, nó lôi cuốn các quốc
gia trên thế giới vào quá trình này ngày càng mạnh mẽ mà hội nhập kinh tế là vấn
đề mấu chốt. Tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam đạt được những
thành tựu nhất định trong tăng trưởng kinh tế và ngoại thương xong còn quá nhiều
vấn đề trong ngành kinh tế nói chung cũng như trong ngành nông nghiệp nói
riêng, nhất là đối với đích phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn.
Ở Việt Nam sau hơn 20 năm tỷ lệ dân nông thôn giảm được 10%
đến năm 2010 vẫn còn 69,8% dân số. Lao động ở nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong lực
lượng lao động, năm 2010 là 72,0%. Trong cơ cấu lao động phân theo ngành kinh kế
có đến 48,7% là lao động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp.Trong cơ cấu GDP,
ngành nông nghiệp chiếm 20,8%[2].
Đối với Việt Nam phát triển nông nghiệp nông thôn là vấn đề quan trọng đặc biệt
là vấn đề phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn.
Nông nghiệp nông thôn đang phải chịu sức ép lớn từ xã hội.
Trước hết đó là giảm diện tích và chất lượng đất nông nghiệp; giảm lực lượng
lao động (già hóa lao động nông nghiệp); gia tăng áp lực dân số; cạnh tranh từ
nông nghiệp của các quốc gia khác. Trong khi đó, vì mục tiêu phát triển bền vững
nông nghiệp nông thôn cần sản xuất nông nghiệp ít gây hại cho môi trường, bảm bảo
năng suất chất lượng. Vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững nông nghiệp
nông thôn: Yêu cầu tính chuyên môn hóa trong sản xuất. và làm thế nào để chuyển
từ kiểu sản xuất manh mún sang kiểu sản xuất hàng hóa; Quy trình sản xuất thân
thiện với môi trường nhưng vẫn đảm bảo năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Giải pháp và khuyến nghị cho vấn đề trước hết về cấp độ quản
lý vĩ mô tạo liên kết chặt chẽ giữa các nhà trong quá trình sản xuất bao gồm
nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông. Ngoài ra cũng cần phải có chế tài
kiểm soát xã hội, dư luận xã hội đủ mạnh thay đổi lối sản xuất nông nghiệp ở
nông thôn hiện nay.
I.
Đặt vấn
đề
Trong thời đại hiện nay khi mà công nghệ thông tin, quân sự
phát triển, chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang tung hoành mạnh mẽ đe dọa lớn đến ổn
định kinh tế xã hội, các vấn đề môi trường đặt vấn đề hợp tác chung trên toàn cầu.
Vì vậy, hội nhập quốc tế là một tất yếu khách quan của quá trình phát triển, mà
quan trọng nhất là hội nhập về kinh tế. Mọi “đường đi nước bước” của mỗi quốc
gia suy cho cùng cũng chứa đựng đằng sau đó một mục tiêu nhất định về mặt kinh
tế. Vì vậy, bất kể quốc gia nào nếu không muốn chạy sau thế giới và bị loạt trừ
khỏi nền kinh tế toàn cầu sân chơi chung đều tự nguyện tham gia. Năm 1995, Việt
Nam gia nhập ASEAN và năm 2007 chính thức trở thành thành viên của WTO là hai dấu
mốc hội nhập quan trọng. Sau thời gian hội nhập và tiến trình mở cửa, Việt Nam
đạt được một số thành tựu nhất định tuy nhiên cái gọi là tham gia thực sự vào
sân chơi của thế giới còn nhiều vấn đề phải bàn. Tham gia hội nhập trong tất cả
các lĩnh vực nhưng riêng với kinh tế, nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều
nhất từ việc mở cửa thị trường.
Việt Nam thuộc Đông Nam Á một trong các trung tâm phát sinh
cây trồng trên thế giới, có nền nông
nghiệp lúa nước lâu đời hiện vẫn là một nước nông nghiệp đang trong quá trình
công nghiệp hóa hiện đại hóa. Trong cơ cấu lao động, lao động nông nghiệp vẫn
chiếm một tỉ trọng lớn năm 2010 là 48,7%, lao động nông thôn vẫn chiếm 72% lực
lượng lao động cả nước. Nông nghiệp là ngành sản xuất xuất hiện sớm và giữ vai
trò quan trọng trong cung cấp lương thực thực phẩm cho con người; giải quyết vấn
đề lao động việc làm; có mối quan hệ 2 chiều trong cung cấp đầu vào và tiêu thụ
đầu ra với các ngành kinh tế khác nhất là công nghiệp. Ngành nông nghiệp còn giữ
vị trí hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tham gia
trực tiếp vào giữ gìn hệ sinh thái và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Tất cả vấn đề của ngành nông nghiệp khiến phát triển nông
nghiệp bền vững mà trọng tâm là ở khu vực nông thôn trở nên rất quan trọng
trong quá trình hội nhập. Một mặt để khắc phục những yếu kém của nền sản xuất
nông nghiệp nhỏ lẻ chạy theo lợi nhuận, không đảm bảo chất lượng; mặt khác khai
thác tối đa lợi thế so sánh có sẵn, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát
triển để nông sản Việt Nam đứng vững trong thị trường nông nghiệp toàn cầu; đảm
bảo được vai trò trong môi trường tự nhiên và các vấn đề xã hội khác nhất là
lao động nông nghiệp nông thôn. Bài viết thông qua thực trạng và vai trò của
nông nghiệp nông thôn Việt Nam trong thời kì hội nhập đưa ra những thách thức
trước yêu cầu phát triển bền vững. Từ đó, đưa ra một số kiến nghị và giải pháp
nhằm phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam.
II. Một số khái niệm
1. Nông
nghiệp, nông thôn, nông dân
Nông nghiệp là một khái niệm được sử dụng rộng rãi hàm ý diễn
tả một loại hình tổ chức sản xuất, theo nghĩa hẹp nó bao gồm trồng trọt và chăn
nuôi, theo nghĩa rộng nó bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Nó bao
gồm các hoạt động sản xuất mà đối tượng lao động là cây trồng và vật nuôi trong
hệ sinh thái, tư liệu sản xuất là đất đai. Con người tác động và tạo ra những sản
phẩm có ích. Chính vì thế mà nông nghiệp là hoạt động sản xuất mang tính thời vụ
và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Nông nghiệp là hoạt động kinh tế phổ
biến ở khu vực nông thôn.
Nông thôn khái niệm diễn tả về loại hình cư trú, có những đặc
điểm khác biệt để phân biệt với loại hình cư trú đô thị. Nông thôn có những điểm
đặc trưng mang tính khác biệt. i, về kinh tế, hoạt động sản xuất nông nghiệp là
hoạt động chính. ii, về quần cư, các điểm dân cư nhỏ lẻ mang tính phân tán theo
không gian, điều này có liên quan tới hoạt động sản xuất. iii, về xã hội, nông
thôn có những đặc trưng của xã hội nông thôn thể hiện ở: lối sống, tính cố kết
cộng đồng, văn hóa ứng xử mang nhiều tính luật tục… “Nông thôn không hẳn là một
khu vực có ranh giới trùng với địa giới hành chính” (Ngoạn, 2008) phân chia
hành chính chỉ mang tính ước lệ khi soi xét đến khái niệm đô thị và nông thôn.
Bởi thực tế luôn tồn tại những vùng đô thị hóa và vùng ven đô được xem là nơi
chuyển tiếp giữa loại hình đô thị và nông thôn.
Nông nghiệp không chỉ là hoạt động kinh tế ở nông thôn mà xuất
hiện cả ở khu vực đô thị nhưng tất nhiên phân bố hoạt động nông nghiệp tập
trung ở khu vực nông thôn. Hầu hết hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra ở khu
vực nông thôn chính vì thế mà giá trị sản xuất, GPD ngành nông nghiệp, đóng góp
của khu vực nông thôn là quan trọng nhất. Như vậy, nông nghiệp nông thôn chỉ
quan tâm đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực chủ đạo - nông thôn –
và nhấn mạnh đến vị trí của nông thôn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Trong mối quan hệ này không thể không nhắc đến vai trò của nông dân trong hoạt
động sản xuất mang tính đặc trưng.
2. Phát
triển bền vững nông nghiệp nông thôn
Khái niệm phát triển bền vững bắt đầu được tiếp cận từ đầu
những năm 80 của thế kỷ XX. Nó được xác định là quá trình phát triển hài hòa của
phát triển bền vững kinh tế, phát triển bền vững xã hội và bảo vệ môi trường (Hội
nghị Thượng đỉnh Thế Giới, Nam Phi 2002). Yêu cầu đáp ứng được “nhu cầu” của
con người trong giới hạn cho phép và đảm bảo được tính công bằng về cả mặt thời
gian (giữa các thế hệ) và không gian (giữa các vùng). Nhu cầu hay sự thỏa mãn của
con người cần phải được đáp ứng trên cả ba phương diện phát triển kinh tế, đảm
bảo công bằng xã hội và môi trường trong sạch. Việc giải quyết điểm chung thỏa
mãn cả ba khía cạnh của phát triển bền vững không phải là vấn đề đơn giản. Cuộc
đấu tranh không nhượng bộ của các khía cạnh này làm cho trong mỗi giai đoạn nhất
định ưu tiên một khía cạnh nào đó và tất yếu phải “lấy đà” từ các khía cạnh còn
lại. Như vậy, phát triển bền vững nông
nghiệp đặt ra yêu cầu của một nền sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng và
thân thiện với môi trường. Sử dụng đất đai với vai trò là tư liệu sản xuất
trong nông nghiệp một cách hiệu quả, đảm bảo cho việc tái sử dụng đất cho các
thế hệ tương lai. Tác động vào cây trồng vật nuôi vì năng suất chất lượng nhưng
vẫn đảm bảo được đa dạng nguồn gen cho bảo tồn đa dạng sinh học.
III.
Vai trò của nông nghiệp nông thôn với Việt Nam
1. Về
kinh tế
Nông nghiệp chiếm tỷ
trọng cao trong cơ cấu GDP của cả nước, cho đến nay con số này luôn giữ ở mức
trên 20%. Trong khoảng 10 năm gần đây từ 2000 đến 2010 tỷ trọng ngành giảm
chậm (3,9%) từ 24,5% xuống còn 20,6%. Về quy mô, GDP nông nghiệp tăng lên 3,7 lần
trong cùng khoảng thời gian này trong khi đó công nghiệp tăng 4,7 lần về quy
mô.
Sản phẩm nông nghiệp
là sản phẩm xuất khẩu chính thu ngoại tệ. Nếu trong tổng giá trị hàng hóa
xuất khẩu, mặt hàng thô là chủ yếu chiếm 34,9% cơ cấu hàng xuất khẩu (2010) thì
sản phẩm lương thực thực phẩm và hàng sống là nhóm hàng xuất khẩu chính năm chiếm
53,3% tổng giá trị hàng thô (2010). Có 26% giá trị xuất khẩu là các mặt hàng
nông nghiệp trong đó xuất khẩu thủy sản, lâm sản là nhóm chiếm ưu thế nhất,
nhóm này lần lượt chiếm 26,8% và 18,4% trong các mặt hàng nông nghiệp. Rõ ràng
tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến không nhiều, chủ yếu vẫn là nông
sản sơ chế, hàng thô. Thực tế, có đến 21,6% mặt hàng này thuộc nhóm nông lâm thủy
sản[3]
chưa qua tinh, hoặc mới quan sơ chế. Trong khi đó, nông sản đã qua công nghiệp
chế biến, tức được tăng về mặt giá trị hàng hóa lại chiếm tỷ trọng khá thấp.
Đây là hạn chế nổi bật trong phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, nó cũng biểu
hiện tính liên kết yếu trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam giữa
nông dân và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sau thu hoạch và công nghiệp chế
biến thực phẩm. Vấn đề đặt ra đó là phát triển dịch vụ nông nghiệp nhằm sử dụng
hiệu quả lao động nông nghiệp, gia tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp.
2. Về xã
hội
Nông nghiệp giải quyết
vấn đề việc làm cho một bộ phận lớn những người trong độ tuổi lao động. Năm
2010, trong tổng số 49,05 triệu lao động đang làm việc có đến 49,5% là lao động
trong nông lâm nghiệp và thủy sản. So với năm 2000, con số này là 65,1% thì tỷ
trọng lao động giảm 3,2 triệu tương ứng với 15,6% số lao động đang làm việc. Mức
chuyển dịch lao động như trên đang còn chậm so với yêu cầu công nghiệp hóa và
hiện đại hóa, do hạn chế về trình độ lao động, mức độ phát triển của các ngành
công nghiệp và dịch vụ còn chậm. Về cơ cấu lao động thành thị nông thôn trong số
lao động đang làm việc, có 70,68% là lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là
lao động nông lâm thủy sản. Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nông thôn giải quyết
việc làm cho 24,3 triệu tương đương khoảng 68,5% lao động.
Dưới một góc độ khác, trong mối liên kết kinh tế và xã hội,
đảm bảo tổ chức các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn là điều kiện để lưu
giữ lối sống nông thôn với những đặc trưng về tính cố kết cộng đồng và làng xã.
3.3. Môi trường
và hệ sinh thái
Hoạt động nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự
nhiên, đất đai nhưng ngược lại những hoạt động sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng
không nhỏ đến tài nguyên và cảnh quan. Phát triển nông nghiệp cụ thể là trồng
trọt, chăn nuôi giúp sử dụng hiệu quả diện tích bề mặt, đem lại lợi ích về kinh
tế, và môi trường. Hiện diện tích đất chưa sử dụng của Việt Nam đang còn tới
10% tổng diện tích, trong đó đất đồi núi và đồng bằng chưa sử dụng là 2,9 triệu
ha. Diện tích đất đồi núi chưa được sử dụng chiếm 48,9% tổng diện tích đất chưa
sử dụng của cả nước. Ở các tỉnh vùng trung du, miền núi tỷ trọng đất thoái hóa
và chưa sử dụng chiếm trường chiếm trên 50% diện tích của vùng. Cải tạo và sử dụng
diện tích đất này trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề
môi trường.
Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp đều thuộc khu vực nông
thôn, phát triển lâm nghiệp gắn với nghề rừng vừa khai thác hiệu quả lâm sản, tạo
thêm việc làm cho lao động nông nghiệp cũng như đóng góp vào khía cạnh môi trường
trong phát triển bền vững. Đảm bảo chất lượng, diện tích rừng nhất là rừng đầu
nguồn có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo đa dạng sinh hoạt, điều hòa nguồn nước
và khí hậu, nó có mối quan hệ khăng khít với đồng bằng trù mật nới hạ lưu, nới
các hoạt động sản xuất nông nghiệp hết sức quan trọng. Như vậy, lâm nghiệp giữ
vị trí hết sức quan trọng trong phát triển bền vững nông nghiệp nghiệp nông ở
Việt Nam. Vấn đề cấp thiết đặt ra là chuyển đổi đưa vào sử dụng diện tích đất
chưa sử dụng trong nông nghiệp.
IV.
Thực trạng kinh tế nông thôn ở Việt Nam
1. Quy
mô lớn, tăng trưởng đều
Nông nghiệp chiếm tỷ
trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tốc gia gia tăng chậm. Giá trị sản xuất
nông nghiệp giai đoạn 2000 – 2010 tăng 167,8% từ 112,1 tỷ năm 2000 lên 170,2 tỷ
năm 2010, tốc độ tăng trưởng đều giữa các năm. Đến năm 2010 tổng giá trị sản xuất
đạt 234,6 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp tăng 142,2%,
năm 2010 đạt 90,6 tỷ đồng chiếm 20,6% GDP cả nước. Nông nghiệp tăng trưởng liên
tục, nhưng vẫn còn chậm, giai đoạn trước 2007 tăng trưởng giữa các năm khá đều ở
mức 3 – 4%/năm thấp hơn nhiều so với tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như
so với công nghiệp và dịch vụ. Năm 2008, do ảnh hưởng của thiên tai tăng trưởng
GDP nông nghiệp tăng giảm chỉ còn ở mức 1 – 2%/năm. Trong đó tăng trưởng của
ngành thủy sản cao nhất, trung bình ở mức 110%/năm có nhiều biến động, tuy
nhiên ngành chỉ chiếm khoảng 15% tỷ trọng. Tăng trưởng của lâm nghiệp chỉ ở mức
1%/năm. Từ năm 2008 tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp và thủy sản giảm mạnh
làm cho tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp giảm so với giai đoạn trước đó.
2. Cơ cấu
ngành lệch
Cơ cấu ngành nông nghiệp
lệch, thể hiện nhiều yếu kém, chưa sử dụng hiệu quả tiềm năng có sẵn của ngành.
Trong cơ cấu nông nghiệp theo nghĩa rộng, nông nghiệp là ngành sản xuất chính
năm 2010 chiếm 75,9% giá trị sản xuất toàn ngành, chuyển dịch cơ cấu chậm theo
hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thủy sản. Tuy nhiên, từ sau 2008
xu hướng chuyển dịch chậm lại do sự chững lại đột ngột của ngành thủy sản.
Trong cơ cấu ngành nông nghiệp theo nghĩa hẹp chưa cân xứng giữa trồng trọt và chăn nuôi, trồng
trọt chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp dao động trên 70%. Chuyển dịch
cơ cấu sang chăn nuôi còn rất chậm, trong 10 năm 2000 đến 2010 tỷ trọng trồng
trọt chỉ giảm được gần 5%. Chăn nuôi chiếm 25,1% năm 2010, còn lại tỷ trọng dịch
vụ nông nghiệp rất khiêm tốn chiếm 1,5% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Đối với ngành lâm nghiệp cũng gặp tình trạng cơ cấu kinh tế
chênh lệch mạnh tương tự như nông nghiệp. Điều này, biểu hiện những yếu kém của
sản xuất lâm nghiệp, là mối lo trong phát triển nghề rừng. Trong cơ cấu giá trị
sản xuất thì 77% là của ngành khai thác gỗ và lâm sản. Giá trị sản xuất ngành
trồng và chăm sóc rừng có xu hướng giảm tỷ trọng đến năm 2010 chỉ còn 12,4% tổng
giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp. Ngành thu nhặt sản phẩm rừng và các lâm
sản khác, dịch vụ lâm nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ chỉ ở mức 4 – 5%. Cơ cấu ngành
lâm nghiệp thể hiện rõ tính không bền vững trong phát triển ngành lâm nghiệp
nói riêng cũng như ngành nông nghiệp nói chung. Trong thời gian tới phải chuyển
dịch cơ cấu kinh tế ngành lâm nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành trồng và
chăm sóc rừng giảm tỷ trọng ngành khai thác gỗ và lâm sản. Đối với lâm nghiệp
việc thực hiện dự án REDD và PRES trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện
để tăng giá trị sản xuất của ngành trồng và chăm sóc rừng. Tuy nhiên, dự án bước
đầu mới chỉ được thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh trên cả nước. Để thực sự phát
huy và phát triển được lĩnh vực này thì cần sự phối hợp giữa các cấp chính quyền
để có thể thực hiện cả dự án ngay cả khi nguồn hỗ trợ thí điểm không còn. Việc
thúc đẩy phát triển REDD mang lại nhiều ý nghĩa về mặt môi trường, góp phần
phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn cũng như góp phần vào mục tiêu phát
triển bền vững.
V.
Một số vấn đề đặt ra trong quá trình hội nhập
1. Xuất phát từ bản thân nền nông nghiệp
Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn trong quá trình hội
nhập đang gặp phải nhiều vấn đề xuất phát từ chính bản thân nền nông nghiệp. Thể
hiện ở suy giảm đất nông nghiệp; lao động trong nông nghiệp; chuyên môn hóa thấp
và liên kết yếu trong sản xuất nông nghiệp; quy trình sản xuất không đảm bảo về
mặt chất lượng.
Thứ nhất: Diện tích đất
nông nghiệp suy giảm cả ở lượng (bình quân đất nông nghiệp) và chất (chất lượng
đất nông nghiệp). Bình quân đất nông nghiệp ở Việt Nam thấp và ngày càng có
xu hướng đi xuống. Theo thống kê tổng diện tích đất nông nghiệp năm 2011 là
26.226,4 nghìn ha, chiếm 28,4% diện tích
đất của cả nước. Tuy nhiên, bình quân diện tích đất canh tác chỉ là 0,11ha/người
, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới, xếp ở vị trí 167 (năm
2007) về bình quân diện tích đất nông nghiệp trên người. Tại các đồng bằng lớn,
trung bình diện tích đất canh tác trên đầu người còn thấp hơn nhiều. Trong khi
đó quỹ đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm do quá trình chuyển dịch cơ cấu
sử dụng đất mà chủ yếu là sang đất chuyên dùng. Phần lớn diện tích đất bị thu hồi
chuyển sang đất chuyên dùng đều là đất sản xuất nông nghiệp, trong đó tỷ lệ lớn
là các vùng đất phù sa canh tác lúa và hoa màu. Theo Hội Khoa học đất Việt Nam
(2009) chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong thời gian 2003 – 2008, tính trung
bình mỗi hộ bị thu hồi đất nông nghiệp có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không
có việc làm, và mỗi ha nông nghiệp bị thu hồi sẽ lấy đi cơ hội làm việc của 13
lao động ở nông thôn (Hội khoa học đất Việt Nam, 2003 – Bộ tài nguyên môi trường,
2010). Ở một số tỉnh đồng bằng cũng thuộc vùng kinh tế trọng điểm nơi tốc độ đô
thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, diện tích mất đất nông nghiệp,
đất lúa suy giảm nhanh chóng. Ví dụ ở Hưng Yên giảm 943ha/năm, Hà Nội giảm
1067ha/năm, Tây Ninh giảm 2764ha/năm, An Giang giảm 2697ha/năm (Bộ nông nghiệp
và phát triển nông thôn, 2010).
Về chất lượng đất nông nghiệp cũng bị suy giảm do gia tăng ô
nhiễm đất. Mức độ suy giảm chất lượng đất nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến
năng suất và chất lượng của nông sản. Ô nhiễm đất xuất phát chính từ việc sử dụng
không hiệu quả hóa chất bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp; từ
rác thải công nghiệp – xây dựng, y tế; từ các bãi rác thải sinh hoạt chôn lấp. Rác
thải trong quá trình sản xuất bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và từ hoạt động
dân sinh và dịch vụ khác nhất là y tế làm thay đổi thành phần, tính chất và cấu
tượng của đất. Ô nhiễm các loại hóa chất, vi sinh ảnh hưởng đến quy trình sản
xuất nông nghiệp sạch. Ở mức độ nặng hơn, rác thải xây dựng làm thay đổi thành
đất, làm giảm khả năng canh tác trên đất.
Thứ hai:Đối với lao động nông nghiệp vấn đề đặt ra đó là chất lượng lao
động nông nghiệp, già hóa lao động nông nghiệp nông thôn, và nâng cao trình độ
lao động nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang các
ngành khác là một xu thế tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại
hóa. Tuy nhiên, đi kèm với nó là già hóa độ tuổi trung vị của lao động nông
nghiệp, điều này là một khó khăn trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học cũng
như nâng cao trình độ người lao động trong sản xuất. Trong khi đó thực trạng
lao động hiện nay cho thấy, thừa lao động giản đơn, thiếu lao động có kỹ thuật,
có trình độ. Hầu hết lao động nông nghiệp trong các hộ gia đình là lao động đơn
giản, lao động chưa qua đào tạo, chỉ một số cán bộ nông nghiệp kỹ thuật là có
trình đô tuy nhiên số này rất ít. Như vậy, vấn đề đặt ra là nâng cao trình độ
lao động nông nghiệp thông qua chương trình khuyến nông, hoạt động của hợp tác
xã.
Thứ ba: Tính chuyên
môn hóa sản suất thấp, vẫn còn phổ biến tình trạng sản xuất nhỏ lẻ manh mún
theo lối tiểu nông. Thể hiện trước hết ở bình quân diện tích đất nông nghiệp
thấp (0,11ha/người) cao nhất ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên
thì cũng chỉ đạt 1,3 – 1,4 ha/người thấp hơn nhiều so với trung bình diện tích
đất nông nghiệp trên thế giới. Ngay cả ở đồng bằng sông Cửu Long nơi diện tích
thửa ruộng lớn thì diện tích bình quân đất nông nghiệp trên đầu người chỉ đạt mức
0,6ha/người[4].
Diện tích nhỏ hẹp gây khó khăn trong việc cơ giới hóa hoạt động sản xuất nông
nghiệp. Tính manh mún còn thể hiện trong hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp,
phổ biến là các mô hình nhỏ. Các hình thức tổ chức sản xuất theo quy mô lớn như
hợp trang trại nông nghiệp là không nhiều, hình thức chủ yếu vẫn là kinh tế hộ
gia đình. Hình thức hợp tác xã với vai trò cung cấp dịch vụ cho hỗ trợ phần lớn
cho các hộ nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, phần nhiều trên số đó chỉ có
danh nghĩa, thiếu nhân lực có trình độ.
Thứ tư: Liên kết yếu
trong nhiều mặt. Thể hiện ở liên kết giữa nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp
chế biến; liên kết giữa nghiên cứu của nhà khoa học với quá trính sản xuất của
người dân và khâu tiêu thụ, chế biến nông sản của doanh nghiệp. Liên kết yếu
cũng là một trong những biếu hiện của tính chuyên môn hóa, hợp tác hóa trong
quá trình sản xuất. Điều này đặt ra vấn đề tạo ra những liên kết vững chắc giữa
các nhóm, gắn với lợi ích của các nhóm. (Hình 1)
Thứ năm: Quy trình sản
xuất lạc hậu, không được kiểm định chặt chẽ, không đảm bảo về chất lượng nông sản.
Sản xuất nông sản ở nhiều vùng vẫn là kiểu sản xuất theo thói quen, theo kinh
nghiệm, cha truyền con nối. Ngay từ khâu cung cấp giống cây trồng vật nuôi đã
không được kiểm định chặt chẽ, chủ yếu theo lối tự phát. Trong quá trình sản xuất,
việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, không theo hướng dẫn rất
phổ biến. Nghiêm trọng hơn, sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu chạy theo số
lượng, sản lượng mà bỏ qua tiêu chuẩn quan trọng về mặt chất lượng. Mâu thuẫn
hoàn toàn với vai trò của nông nghiệp trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho con người.
Dịch vụ sau thu hoạch và công nghiệp sơ chế, chế biến sau thu hoạch không được
kiểm định chặt chẽ, gia tăng các cơ sở vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực
phẩm. Sản suất thiếu quy trình chặt chẽ, thiếu tính chuyên môn hóa ngay từ khâu
đầu là nguyên nhân khiến giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam thấp, nhiều
chuyến hàng bị trả lại do hàng rào phi thuế về tiêu chuẩn chất lượng nhằm bảo hộ
nông sản trong nước của một số thị trường cao như Nhật, EU. Thay đổi lối sản xuất
nông nghiệp này là việc ngay trước mắt nhưng không phải có thể giải quyết ngay
trước mắt. Nguyên nhân chính là chế tài kiểm soát chưa thật hiệu quả, trong khi
đó dư luận xã hội chưa đủ mạnh và dường như vẫn chấp thuận với lối sản xuất
phân biệt sản phẩm “hàng hóa” và sản phẩm “tự túc” ngày trên một thửa đất của người
nông dân.
2. Nhân tố bên ngoài
Hội nhập vào thị trường nông sản thế giới, nông sản Việt Nam
một mặt có nhiều cơ hội gia nhập vào thị trường các nước phương Tây, mặt khác
chịu sự cạnh tranh từ nông sản nước ngoài do việc áp dụng các chính sách bảo hộ
nông sản,và lộ trình cắt giảm thuế. Sau khi kí kết lộ trình cắt giảm thuế và mở
cửa đối với thị trường nông sản, tốc độ giảm thuế nhập khẩu hàng nông sản nhanh
hơn so với cam kết ban đầu khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, lại thiếu áp dụng các
biện pháp phi thuế quan để bảo trợ nông sản trong nước khiến người sản xuất gặp
nhiều khó khăn. Một số trường hợp thực hiện trợ cấp nông sản trong nước lại tỏ
ra kém hiệu quả, người dân và doanh nghiệp sản xuất trì trệ, giá nông sản trong
nước cao hơn so với giá nông sản thế giới. Trong khi đó một số nước khác, nhất
là các quốc gia phát triển, có khoản hỗ trợ rất lớn cho sản xuất nông nghiệp.
Chính những trợ cấp này khiến cho xuất khẩu nông sản của các quốc gia đang phát
triển bị thiệt hại nhiều về mặt kinh tế, do không cạnh tranh được về giá cả.
Bên cạnh đó là các công cụ phi thuế quan, nhất là hệ thống tiêu chuẩn chất lượng
là hàng rào thực sự lớn đối với nông sản Việt Nam trong việc mở rộng thị trường
tiêu thụ.
Như vậy, thị trường nông sản nước ngoài vừa tạo sức ép lớn đến
nông sản trong nước vừa tạo lực đẩy khiến nông sản Việt Nam khó có thể xâm nhập
thị trường.
VI.
Kết luận
Nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn là ngành sản xuất có tính
chuyên môn hóa chưa cao. Nhiều vùng nông nghiệp còn sản xuất theo lối tiểu
nông, manh mún và nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Việc sản xuất hiện chưa đảm bảo được
quy trình sản xuất và vệ sinh an toàn thực phẩm từ các khâu: chọn giống, kiểm
soát giống, hóa chất bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản và sơ chế nông sản.
Xuất khẩu nông sản chủ yếu là sản phẩm thô sản phẩm mới qua sơ chế giá trị xuất
khẩu thấp, các sản phẩm chế biến chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu mặt hàng xuất
khẩu. Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn đặt ra yêu cầu phát triển theo
chiều sâu, chuyển dịch nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu
suất lao động và chất lượng, giá trị nông sản xuất khẩu.
Dưới góc độ quản lý vĩ mô nền kinh tế nói chung, cần thiết tạo
được mối liên kết chặt chẽ trong trong quá trình sản xuất nông nghiệp từ đầu
vào cho đến đầu ra của sản phẩm với sự góp mặt của Nhà nước trong điều tiết,
nhà khoa học trong nghiên cứu giống, hóa chất bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh
tác; nhà doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ cung cấp giống, phân bón, thuốc
trừ sâu, thu mua, vận tải, chế biến nông sản; nhà nông nghiệp với vai trò chủ đạo
trong quá trình sản xuất.
Việc đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch đảm bảo
năng suất và chất lượng trước hết yêu cầu chế tài kiểm soát xã hội hiệu quả bao
gồm hệ thống luật pháp và việc giám sát thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp
nữa đó là dư luận xã hội đủ mạnh lên lối sản xuất thiếu tính nhân văn, chạy đua
theo sản lượng nông phẩm của người nông dân. Phải chăng chính từ kiểu sản xuất
manh mún, kém hiệu quả mà ngay trên thửa đất, cùng một loại nông sản có sự phân
biệt giữa những hai loại nông sản theo hướng sản xuất hàng hóa và nông sản theo
hướng tự cấp tự túc. Áp lực của dư luận xã hội đủ mạnh là hết sức cần thiết để
cho người nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường sinh
thái chính từ hoạt động nông nghiệp nhằm hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
Challenge to develop sustainable agricultural rural during integration in Viet Nam*
Nowadays,international integration and globalzation are inevitable trend, in the knowledge economy. This process of history attracts every country on the world. Day by day it becomes wider and deeper in terms of politics, culture, education, sciences, environment. In all most economic intergration is the first crucial problem. VietNam attends this process and had some targets such as: economic growth, overseas trade. However, it exists some problems in economic industry is general and agriculture development is particular, special rural agricultural development goals.
After 20 renovation years in Viet Nam, the percent age of people in rural areas is 10 lower, in 2010 it is 69.9 percent. Labourforce in rural areas account is a large number in labourforce. It is 72 percent in 2010. On labour structure, 48.7 percent is farmer. However, on GDP structure, agriculture is 20.8[1]percent. Rural agricultural development is important special sustainable rural agricultural development. it ensures agricultural labour and food sercurity.
Attending into integration world economy with general playground of institution, applying agricultural integration of route, Viet Nam truck rather difficult. Objectively, foreign` product put pressure under domestic agricultural product; subjectivity, agricultural product process has not gained international standard of quality. Competition ability of agricultural have not been high. Rural agricultural is under big pressure in sociability. The first, square and quality of soil is lower, decreasing labour in agricultural sector (agricultural rural labour becomes older), population pressure is increasing; competition with other countries. Mean while, product must be less harmful to environment, ensuring quality productivity harvest for sustainable rural agricultural development goals. So it has some problems in order to develop sustainable consist of production specialization, reforming small product model to goods product model, process is friendly with environment, ensuring quality agricultural goods.
Solution and recommendation for this field, macroscopic management level creates linkage among the businesses, the scicence, the farmer in the product process. Besides, it needs social control, public opinion is healthy enough to reform agriculture product in rural areas now.
.................................................
*: abstract for ICVNS 2012
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1.
Nguyễn Sinh Cúc,
2003, Nông nghiệp nông thôn Việt Nam thời
kỳ đổi mới, Nxb Thống kê, Hà Nội.
2.
Bùi Quang Dũng,
2007, Xã hội học nông thôn, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội.
3.
Marsh S.P, T.G.
Mauaulay và Phạm Văn Hùng (biên tập), 2007, Phát
triển nông nghiệp và chính sách đất đai ở Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu
nông nghiệp Ôx-trây-lia, Ôx-trây-lia . http://aciar.gov.au/system/files/node/768/MN126_VN.pdf
4.
Trần Ngọc Ngoạn,
2008, Phát triển nông thôn bền vững những
vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5.
Vũ Văn Liệt, Giáo trình quỹ gen và bảo tồn quỹ gen, Bộ giáo dục và đào tạo trường đại học nông
nghiệp Hà Nội http://www.scribd.com/doc/51161547/14/H%E1%BB%8Dc-thuy%E1%BA%BFt-Trung-tam-%C4%91a-d%E1%BA%A1ng-di-truy%E1%BB%81n-Trung-tam-phat-sinh-cay-tr%E1%BB%93ng
6.
Nguyễn Danh Sơn,
2010, Nông nghiệp nông thôn nông dân Việt
Nam trong quá trình phát triển đất nước theo hướng hiện đại, Nxb Khoa học
xã hội Việt Nam.
7.
Nguyễn Vĩnh
Thanh, Lê Sỹ Thọ, 2010, Nông nghiệp Việt
Nam sau khi gia nhập WTO thời cơ và thách thức, Nxb Lao động – xã hội, Hà Nội.
8.
Nguyễn Minh Tuệ
(chủ biên), 2005, Địa lí kinh tế xã hội đại
cương, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
10.
VCCI, Cam kết WTO đối với nhóm lương thực – rau qủa,
http://chongbanphagia.vn/files/Cam%20ket%20WTO%20doi%20voi%20nhom%20Luong%20thuc%20-%20Rau%20qua.pdf
11.
VCCI, Cam kết chung về mở cửa thị trường nông sản,
http://chongbanphagia.vn/files/Cam%20ket%20chung%20ve%20mo%20cua%20thi%20truong%20nong%20san.pdf
12.
VCCI, Trợ cấp nông nghiệp các biện pháp bảo hộ
nông nghiệp phi thuế quan, http://chongbanphagia.vn/files/Cac%20bien%20phap%20bao%20ho%20nong%20nghiep%20phi%20thue_0.pdf
14.
VCCI, Trợ cấp và thuế chống trợ cấp, http://chongbanphagia.vn/files/tro%20cap%20va%20thue%20chong%20tro%20cap.pdf
[1]
Ths. (IRSD. VASS)
[2]
Các số liệu được lấy từ kết quả sơ bộ năm 2010. Tổng cục thống kê http://www.gso.gov.vn
[3]
Phân loại theo cách này bao gồm: nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản; hàng
công nghiệp nhệ và tiểu thủ công nghiệp; nhóm hàng nông lâm thủy sản; vàng phi
tiền tệ. Như thế cách phân chia này đã loại bỏ nông sản đã qua chế biến sang
nhóm hàng công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm thuộc nhóm công nghiệp nhẹ.
[4]
Con số này chưa thực sự chính xác để xem xét vì thực tế không phải tất cả số
dân ở vùng này đều tham gia sản xuất nông nghiệp, phần nhỏ vẫn tham gia hoạt động
công nghiệp hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, đây là con số khả quan để so sánh tính
manh mún trong diện tích đất nông nghiệp.