Dự báo chênh lệch giới tính
trong độ tuổi
hôn phối giai đoạn 2009-2049*
.....TTTD....
Tóm tắt: Xuất phát từ thực trạng chênh lệch
giới tính khi sinh luôn ở mức cao trong hơn thập kỷ trở lại đây. Nghiên cứu sử
dụng phương pháp thành phần để dự báo chênh lệch giới tính trong độ tuổi hôn phối
dựa trên số liệu của tổng điều tra dân số và tình hình biến động cơ cấu dân số
theo giới tính và tuổi giai đoạn 1999-2009. Từ đó phân tích hệ quả của hiện tượng
xã hội bất thường này.
Từ khóa: Chênh lệch giới tính; Dân số; Độ tuổi
hôn phối; Tỷ số giới tính.
1.
Lời giới thiệu
Hôn nhân là một hiện tượng xã hội đặc thù đảm bảo cho sự phát
triển bình thường của xã hội, là nhu cầu thiết thực cần được đáp ứng đầy đủ của
những người trong độ tuổi hôn phối. Chênh lệch giới tính trong độ tuổi hôn phối
dẫn đến nguy cơ nhu cầu này không được thỏa mãn đầy đủ. Đối với một quốc gia
phương Đông, coi trọng yếu tố gia đình như Việt Nam thì không lập gia đình là
điều khó có thể chấp nhận.
Thực tế ở các quốc gia trong khu vực cho thấy hậu quả của hiện
tượng chênh lệch giới tính trong tuổi hôn phối đã gây nên nhiều hiện tượng xã hội
nổi cộm nhất là trong “thị trường hôn
nhân” và các vấn đề liên quan đến hôn nhân. Hiện tượng kết hôn với cô dâu
ngoại quốc, buôn bán phụ nữ vì mục đích hôn nhân ngày càng trở nên phổ biến.
Trong hơn thập kỷ trở lại đây, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt
Nam luôn tồn tại ở mức cao, nhất là từ năm 2007 vấn đề giới tính khi sinh đặc
biệt được báo giới quan tâm. Một trong những hệ quả mà nhiều tác giả nhắc đến
đó là nam gặp khó khăn về hôn nhân trong 20 năm nữa khi nhóm này đến tuổi kết
hôn. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chưa có tính toán cụ thể về giới tính
trong độ tuổi hôn phối cũng như mối liên hệ của tỷ số giới tính khi sinh hiện
nay và chênh lệch giới tính ở độ tuổi hôn phối trong tương lai.
Nghiên cứu thông qua phương pháp định lượng nhằm làm rõ xu hướng
biến đổi chênh lệch giới tính trong độ tuổi hôn phối hiện nay và sự chuyển biến
mô hình hôn phối trong 40 năm tới. Qua đó bước đầu phân tích hậu quả có thể về
mặt xã hội của của hiện tượng.
2. Một
số khái niệm
2.1 Chênh lệch giới tính
Khi
nói đến khái niệm giới tính tức là
đang muốn nói đến yếu tố tự nhiên sinh học của một cá thể ngay từ lúc được sinh
ra. Giới tính theo nghĩa này rõ ràng
là tự nhiên theo cấu tạo của cơ quan sinh dục. Thuật ngữ giới tính (sex) chỉ những khác biệt giữa nam và nữ về mặt sinh học
còn thuật ngữ giới (gender) chỉ những
khác biệt giữa nam và nữ về mặt xã hội. Giới
tính (sex) tự nhiên là cơ sở cho việc hình thành giới (gender) về mặt xã hội. Ngược lại giới tính (sex) phải phù hợp với giới (gender) và được xã hội thừa
nhận.
Chênh lệch có hai ý nghĩa được xét đến
khi nghiên cứu vấn đề này. Trước hết, chênh lệch dùng trong so sánh các đối tượng
với nhau, không bằng nhau thì được gọi là chênh lệch. Có 2 loại là chênh lệch
tuyệt đối và tỷ lệ chênh lệch. Thứ 2, Chênh lệch hiểu là biểu hiện khác so với
bình thường. Chênh lệch giới tính xuất hiện khi tỉ số giới tính khác so với
bình thường.
Một số tài liệu lại có
quan điểm đồng nhất khái niệm chênh lệch giới với hiện tượng SRB đạt từ 110 điểm
trở lên. Ở đây xem xét chênh lệch giới tính ở cả hai mặt, thấp hơn hoặc cao hơn
so với con số bình thường. Trong điều kiện hiện này thì chênh lệch giới tính chung
của toàn thế giới là bình thường tuy nhiên ở một số quốc gia phương Đông thì
chênh lệch giới tính có phần cao hơn, nhất là chênh lệch giới tính ở nhóm tuổi
thấp, đặc biệt là nhóm trẻ sơ sinh. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến con số này.
Các phân tích trong nghiên cứu này sẽ đánh giá trên hai chỉ tiêu
chính là chênh lệch tuyệt đối và tỉ lệ chênh lệch đặc trưng bởi tỷ số giới tính
tức số nam trên 100 nữ.
2.2 Độ tuổi hôn phối
Quan sát tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Việt Nam trong 20
năm qua cho thấy xu hướng tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam tăng từ 24,4
tuổi năm 1989 lên 26,2 năm 2009 trong khi tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ
giảm nhẹ từ 23,2 tuổi năm 1989 xuống còn 22,8 tuổi năm 2009. Điều này dẫn đến
xu hướng gia tăng khoảng cách tuổi kết hôn giữa nam và nữ. Năm 2009, khoảng
cách này là 3,4 tuổi.
Luật hôn nhân Việt Nam qui định tuổi được phép kết hôn đối với nữ
là 18, nam là 20 tuy nhiên tình trạng tảo hôn hiện nay là khá phổ biến. Nhóm độ
tuổi 15 đến 19 có tới 9% nữ và 2% nam đã kết hôn. Cho đến nhóm tuổi 40 đến 44
còn tới 5,7% nữ chưa kết hôn so với 3,3% nam chưa kết hôn. Tỷ trọng nữ chưa kết
hôn ít có sự thay đổi ở các nhóm tuổi sau 40-44 trong khi tỷ trọng nam chưa kết
hôn giảm chậm ở các nhóm tuổi từ 50-54 trở đi. Khung của độ tuổi kết hôn phổ biến
của nữ sớm hơn của nam một nhóm tuổi. (Phân tích số liệu thống kê về độ tuổi
hôn phối)
Vì thế, phân tích xác định độ tuổi hôn phối bao gồm nữ từ 15 đến
44 và nam từ 20 đến 49 tuổi.
3.
Phương pháp nghiên cứu
3.1.
Phương pháp dự báo
Trong nhiều phương pháp dự báo khác nhau như: theo cấp số nhân,
theo hàm số mũ…nghiên cứu sử dụng phương pháp thành phần hay phương pháp chuyển
tuổi với độ chính xác khá cao, cho phép tính toán chi tiết số dân và cơ cấu giới
tính trong nhóm tuổi theo chu kỳ 5 năm trong đó lựa chọn cơ cấu dân số theo tuổi
và giới năm 2009 của TCTK làm dân số gốc. Từ đó dự báo cơ cấu dân số theo tuổi
và giới tính trong độ tuổi hôn phối theo các giai đoạn 5 năm từ năm 2010 đến
năm 2049. Nghiên cứu quan tâm đến độ tuổi hôn phối nên dự báo chỉ đưa ra hệ thống
số liệu cơ cấu dân số theo tuổi và giới tính từ nhóm 15-19 đến nhóm 44-49.
3.1.1 Lựa chọn
mô hình dự báo
Lựa chọn dân số gốc: Dân số gốc được lựa chọn theo kết quả của tổng
điều tra dân số ngày 1/4/2009 mà TCTK đã cống bố. Dự báo áp dụng cho toàn bộ lãnh
thổ Việt Nam nên ở đây quan tâm đến gia tăng dân số tự nhiên và bỏ qua gia
tăng cơ học, coi di cư quốc tế bằng không.
Lựa chọn mô hình tử vong theo bảng sống của Việt Nam chia theo
giới tính, 2009[1]. Sử
dụng xác xuất chết, xác suất sống để tính toán số người sống được từ tuổi x đến
đúng tuổi x+n.
Lựa chọn mô hình sinh theo TFR (tổng tỷ suất sinh) và ASFR (tỷ
suất sinh đặc trưng theo tuổi). Mô hình sinh của Việt Nam là mô hình sinh sớm với
xu hướng chuyển sang mô hình sinh muộn. Ở mô hình sinh này, tỷ suất sinh đặc
trưng của nhóm 25-29 cao nhất. Trong đó lựa chọn TFR ở mức thấp và không thay đổi
trong quá trình dự báo.
Bảng 1: Tỉ suất sinh đặc trưng theo tuổi năm 2009 (ASFR)
Nhóm tuổi mẹ
|
15-19
|
20-24
|
25-29
|
30-34
|
35-39
|
40-44
|
45-49
|
Số con
|
24
|
121
|
133
|
81
|
37
|
10
|
1
|
Nguồn: TCTK, 2009 (Đơn
vị: Người)
3.1.2 Giả thuyết
về tỷ số giới tính khi sinh (SRB)
Trong 10 năm từ 1999 đến 2009 SRB cao và có nhiều biến đổi. Nhìn
chung tăng từ 107 nam/100nữ năm 1999 lên 110,5 nam/100nữ năm 2009, chênh lệch
tuyệt đối tăng hơn 3 lần từ 19,4 nghìn lên 74 nghìn người. Hầu hết các năm SRB
đều cao hơn mức bình thường (104 – 106 nam/100 nữ[2]),
trong thời gian này đạt hai cực trị vào năm 2000 (112,2 nam/100 nữ) và năm 2008
(112,1 nam/100 nữ) đây cũng là năm mà nhiều vùng SRB đạt cực trị trong 10 năm.
Từ năm 2006 đến nay, SRB luôn cao đạt trên 109 nam/100nữ. Quan sát SRB ở các
vùng kinh tế và các tỉnh cho thấy cực trị của SRB có thể đạt tới 130 năm/ nữ
(Hưng Yên) và có tới 9 tỉnh có SRB từ 115 điểm trở lên. Tuy nhiên, các tỉnh này
chỉ chiếm 14,2% dân số cả nước. Phân tích của nhiều tác giả đề cho rằng mô hình
tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ quá độ vì thế SRB
chỉ có thể giảm sau khi đạt một cực trị mới, có nhiều khả năng cực trị này có
thể lên tới 125nam/100 nữ vào năm 2020[3].
Dựa trên tình hình biến đổi tỷ số giới tính khi sinh trong 10
năm qua, nghiên cứu này lựa chọn 4 mô hình biến đổi tỷ số giới tính đưa vào
phân tích. Mô hình 1 (mô hình hiện tại), lựa chọn SRB như năm 2009 và không
thay đổi trong quá trình dự báo; Mô hình 2 (mô hình quá độ) trên cơ sở coi SRB
quá độ và đạt cực trị năm 2015 sau đó nhờ các chính sách dân số mà SRB giảm dần
đến năm 2024 đạt 106 điểm và giữ ở mức này đến hết thời kì dự báo; Mô hình 3 (mô
hình bi quan) xem SRB tăng đến 115 điểm và giữ như thế đến hết thời kì dự báo;
Mô hình 4 tham khảo mô hình SRB do TCTK đưa ra. Việc lựa chọn mô hình 1 và mô
hình 3 chủ yếu là để so sánh, phân tích thấy rõ hơn mức độ chênh lệch giới tính
khi sinh sẽ ảnh hưởng nhiều như thế nào khi dân số đến độ tuổi hôn phối.
Bảng 2: Mô hình tỷ số giới tính khi sinh
Giai đoạn
Phương
án
|
2010-2014
|
2015-2019
|
2020-2024
|
2025-2029
|
2030-2034
|
Mô hình 1
|
110,5
|
110,5
|
110,5
|
110,5
|
110,5
|
Mô hình 2
|
115,0
|
109,0
|
106,0
|
106,0
|
106,0
|
Mô hình 3
|
115,0
|
115,0
|
115,0
|
115,0
|
115,0
|
Mô hình 4
|
111,8
|
114,0
|
115,0
|
113,8
|
108,8
|
(Đơn vị: nam/100
nữ)
Nghiên cứu quan tâm đến chênh lệch giới tính trong độ tuổi hôn
phối đến 2049 nên việc lựa chọn mô hình tỷ số giới tính khi sinh chỉ quan tâm đến
năm 2034. Việc chuyển tuổi dân số của nhóm từ 15 tuổi đến 49 tuổi sau năm 2034
không bị ảnh hưởng bởi mô hình sinh.
3.2.
Tiến hành dự báo
Bước 1: Xác định số trẻ em sinh ra
trong 5 năm dự báo dựa vào cấu trúc dân số gốc và mô hình ASFR đã chọn.
4.
Kết quả nghiên cứu
4.1.
Kết quả dự báo
Kết quả dự báo chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2009 đến
2029 và giai đoạn 2 từ 2030 đến 2049 tùy theo mức độ ảnh hưởng bởi việc lựa chọn
mô hình tỷ số giới tính khi sinh đến kết quả dự báo.
4.1.1
Giai đoạn 2009-2024, kết quả biến đổi về dân số trong độ tuổi hôn phối của giai
đoạn này không phụ thuộc vào việc lựa chọn mô hình sinh và giới tính khi sinh dự
báo. Thực tế đây là kết quả của tình trạng gia tăng tự nhiên của dân số và
cơ cấu giới tính khi sinh trong 20 năm trước đây.
Bảng 3: Một số tiêu chí về dân số trong độ tuổi hôn phối giai
đoạn 2009-2024
Năm
|
Đơn vị
|
2009
|
2014
|
2019
|
2024
|
Tổng
|
Triệu người
|
41,71
|
43,81
|
44,46
|
44,60
|
Nam
(20 – 49)
|
Triệu người
|
20,06
|
21,69
|
22,35
|
22,50
|
Nữ
(15 – 44)
|
Triệu người
|
21,71
|
22,12
|
22,11
|
22,10
|
Chênh
lệch nam so với nữ
|
Triệu người
|
-1,65
|
-0,43
|
0,24
|
0,41
|
SR
|
Nam/100 nữ
|
92,40
|
98,02
|
101,09
|
101,86
|
Tỉ
lệ chênh lệch so với nữ
|
Phần trăm
|
7,60
|
1,94
|
1,09
|
1,86
|
Tỉ
lệ chênh lệch so với nam
|
Phầm trăm
|
8,23
|
1,98
|
1,07
|
1,82
|
(Kết quả nghiên cứu của tác giả,
riêng năm 2009 theo TCTK, 2009)
Thứ nhất: Về qui mô dân số trong độ
tuổi hôn phối có xu hướng tăng chậm. Trong đó nam trong độ tuổi hôn phối tăng
nhanh hơn nữ trong độ tuổi hôn phối.
Thứ hai: Chênh lệch giới tính trong
độ tuổi hôn phối có chuyển biến mang tính bước ngoặt chuyển từ mô hình thiếu
nam hôn phối sang thiếu nữ hôn phối. Giai đoạn chuyển tiếp nằm trong khoảng
2014 đến 2019. Năm 2009 có 7,6% nữ trong độ tuổi bị thừa do thiếu nam hôn phối.
Năm 2014 giảm xuống còn 1,94%, và cho đến năm 2019 thì mô hình chuyển sang có
1,07% nam trong độ tuổi bị thiếu người hôn phối.
Thứ ba: Tỷ số giới tính của dân số
trong độ tuổi tăng mạnh nhất là giai đoạn 2009-2014, sau đó vượt mức 100
nam/100 nữ và tăng chậm đến 2024.
4.1.2 Giai đoạn
2025-2049, cơ cấu giới tính nhóm dân số trong độ tuổi hôn phối hoàn toàn phụ
thuộc vào mô hình tỷ số giới tính khi sinh lựa chọn để dự báo.
Thứ nhất: Về sự thay đổi qui
mô dân số trong độ tuổi hôn phối
Nhìn chung, quy mô dân số trong độ tuổi hôn phối tiếp tục có xu
hướng giảm xuống nhưng ở mức độ rất chậm. Khác biệt giữa các mô hình là không
đáng kể dao động từ 1,17 đến 1,35 triệu người. Như vậy, trong khoảng 40 năm tới
dân số trong độ tuổi hôn phối ở nước ta ít có sự thay đổi, điều này cho thấy sự
ổn định trong mức sinh và xu hướng phát triển qui mô dân số có chiều hướng chững
lại.
Bảng 4: Dự báo dân số trong độ tuổi hôn phối 2029 - 2049
Năm
|
2029
|
2034
|
2039
|
2044
|
2049
|
Mô hình 1
|
44,5
|
44,08
|
43,4
|
43,02
|
43,2
|
Mô hình 2
|
44,44
|
44,03
|
43,44
|
43,10
|
43,27
|
Mô hình 3
|
44,50
|
44,06
|
43,30
|
42,94
|
43,20
|
Mô hình 4
|
44,50
|
44,05
|
43,34
|
42,95
|
43,15
|
(Kết quả nghiên cứu của tác giả) (Đơn vị: Triệu người)
Thứ hai: Về chênh lệch giới
tính trong độ tuổi hôn phối
Chênh lệch tương đối của nhóm dân số trong độ tuổi hôn phối thể
hiện qua SR trong độ tuổi hôn phối giai đoạn 2029 – 2049 cho thấy ở tất cả các
mô hình lựa chọn dự báo, SR[5]hp
đều tăng đạt cực đại sau năm 2039 sau đó tăng giảm tùy thuộc vào mức độ SRB của
mô hình dự báo. Phân tích SRhp của mô hình 2 cho thấy SRhp
tăng từ 92,4 điểm (năm 2009) lên 101,89 điểm (năm 2029) đạt cực đại là 110,06
điểm (năm 2039) và giảm dần. Dự báo về SRhp cho thấy chênh lệch giới
tính trong độ tuổi hôn phối ngày càng gia tăng.
Bảng 5: Tỷ số giới tính trong độ tuổi hôn phối giai đoạn
2029-2049
Năm
|
2029
|
2034
|
2039
|
2044
|
2049
|
Mô
hình 1
|
104,55
|
106,57
|
108,86
|
106,43
|
106,35
|
Mô
hình 2
|
104,89
|
107,64
|
110,06
|
108,83
|
106,1
|
Mô
hình 3
|
104,55
|
106,57
|
109,28
|
109,06
|
109,68
|
Mô
hình 4
|
106,61
|
107,00
|
110,36
|
107,99
|
108,35
|
(Đơn vị: nam/100 nữ)
Quan sát các chỉ số trong bảng 6 thấy rõ xu hướng thừa nam hôn
phối ngày càng gia tăng. Ngoài ra, tác giả cũng nhận thấy sự khác biệt giữa các
mô hình do giai đoạn này chênh lệch giới tính trong độ tuổi hôn phối hoàn toàn
phụ thuộc vào chênh lệch giới tính khi sinh của 20 năm trước, tức các mô hình tỷ
số giới tính lựa chọn phân tích. Phân tích mô hình 2 cho thấy mức chênh lệch
tuyệt đối đạt cực đại vào năm 2039, nam thừa lên tới 2,08 triệu sau đó giảm chậm
xuống còn 1,28 triệu nam. Quan sát mô hình 4 thì mức chênh lệch tuyệt đối cao
nhất, khoảng cách giữa 2 cực trị nhỏ. Năm 2039 mô hình trong độ tuổi hôn phối sẽ
dư 2,13 triệu nam chiếm 9,39% nam trong độ tuổi 20-49, và để kết hôn với số này
cần thêm 10,36% nữ trong tổng nữ của nhóm 15-44. Năm 2044 mức dư thừa nam giới
trong độ tuổi hôn phối là 1,65 triệu bằng với mức dư thừa nữ năm 2009.
Bảng 6: Chênh lệch giới tính tuyệt đối trong độ tuổi hôn phối
2009-2049
Năm
|
2029
|
2034
|
2039
|
2044
|
2049
|
Mô
hình 1
|
0,99
|
1,4
|
1,84
|
1,34
|
1,33
|
Mô
hình 2
|
1,06
|
1,62
|
2,08
|
1,84
|
1,28
|
Mô
hình 3
|
0,99
|
1,40
|
1,92
|
1,86
|
1,99
|
Mô
hình 4
|
1,41
|
1,49
|
2,13
|
1,65
|
1,73
|
(Đơn vị: Triệu người)
4.2.
Hệ quả xã hội
Thứ nhất: Tăng tuổi kết hôn trung bình lần đầu đối với nam và giảm
tuổi kết hôn trung bình lần đầu đối với
nữ.
Dư thừa nam trong tuổi trưởng thành khiến cho một bộ phận nam giới
buộc phải trì hoãn hôn nhân, tăng tuổi kết hôn trung bình lần đầu. Nhưng không
phải cứ trì hoãn hôn nhân, chờ đợi lứa trẻ tiếp theo nam sẽ kết hôn được mà thực
tế lứa trẻ tiếp theo cũng có tình trạng dư thừa nam giới. Tác động tích dồn
trong nhiều năm làm cho một lượng nam giới nhất định từ bỏ ý định kết hôn và sống
một mình hoặc kết hôn với cô dâu ngoại quốc. Không kết hôn đương nhiên với việc
không thể có con nối dõi tông đường. Hậu quả của sở thích có con trai để nối
dõi, nương tựa về già là nguy cơ không thể có nòi giống để lại cho dù mong muốn
lúc này chỉ đơn giản là có con, có cháu. Tư tưởng có con trai để nối dõi nếu vẫn
còn tiếp tục sẽ có thể bị tuyệt tự ngay ở đời thứ 2.
Biểu hiện của thừa nữ hôn phối có lẽ là “dòng cô dâu đi” trong giai đoạn hiện nay, khi nào thiếu nữ hôn phối
mô hình hôn nhân sẽ xuất hiện và phổ biến “dòng
cô dâu đến”. Theo quy luật có cung ắt có cầu, thị trường hôn nhân trong nước
thiếu nữ ngay lập tức được đáp ứng bởi cô dâu ngoại quốc. Tìm cô dâu ngoại quốc
là vấn đề không đơn giản, trong khu vực không chỉ nước ta mà các nước khác giàu
hơn cũng có nhu cầu này. Dòng cô dâu Việt Nam sang Đài Loan, Hàn Quốc và một số
nước khác trong khu vực là một minh chứng. “Việc
tìm vợ ngoại quốc một phần bắt nguồn từ khó khăn mà đàn ông gặp phải khi muốn lấy
vợ trong nước” (Daniale Belanger, 2010). So sánh mức thu nhập trung bình của
Việt Nam so với các nước khác trong khu vực cũng có hiện tượng chêch lệch giới
tính như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… thì chú rể của Việt Nam khó có thể cạnh
tranh được với các nước khác.
Thiếu phụ nữ hôn phối không làm cho nữ có được sự lựa chọn tốt
hơn trong hôn nhân mà chính họ sẽ chịu áp lực nặng nề hơn trong việc hôn nhân,
chăm sóc gia đình và con cái, hạn chế hơn trong việc tham gia hoạt động xã hội.
Áp lực trong hôn nhân cũng có thể dẫn tới việc giảm tuổi kết hôn trung bình lần
đầu của nữ.
Khi nữ ít hơn nam theo lối mòn tư duy phụ nữ sẽ được trân trọng
hơn và có tiếng nói hơn trong xã hội. Nhưng “Sự khan hiếm phụ nữ sẽ không tăng cường[6].
Thực tế nghiên cứu các vùng thừa nam của
Trung Quốc, Đài Loan và một số quốc gia Đông Á khác cho thấy điều này chỉ làm
tăng nguy cơ tăng bạo hành đối với nữ. Bạo hành thể hiện trong gia đình nhất là
đối với cô dâu nước ngoài có thể trở thành nô lệ tình dục, bị ép buộc sinh con,
mua dâm (Li et al., 1995; Hudson và Den Boer, 2004).
vị trí của họ trong xã hội, do sự gia
tăng đồng thời áp lực để kết hôn, nâng cao nguy cơ bạo lực giới, tăng nhu cầu việc làm và sự phát triển giới tính của
nạn buôn bán mạng”
Tệ nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ trẻ em gái có nguy cơ gia tăng
do nhu cầu của xã hội. Phân tích ở trên cho thấy không phải nam giới trong độ
tuổi kết hôn đều có thể dễ dàng có được người hôn phối. Điều này gia tăng tình
trạng buôn bán người mà chủ yếu là nữ giới. Thực tế ở Việt Nam tình trạng phụ nữ,
trẻ em gái bị bắt cóc sang bán sang biên giới các nước trong khu vực không phải
là ít. Giai đoạn 1999-2009 có tới 6926 nạn nhân bị lừa và bán ra nước ngoài,
riêng 5 năm gần đây có 4009 nạn nhân, trong đó trên 60% vụ mua bán sang Trung
Quốc, 11% vụ buôn bán sang Campuchia, số còn lại mua bán qua Lào để sang các nước
khác. Hà Giang (134 vụ); Lào Cai
(105 vụ); Lạng Sơn (95 vụ); Quảng Ninh (73 vụ), Hà Nội (66 vụ); Nghệ An (66 vụ);
Lai Châu (56 vụ); Bắc Giang (44 vụ). Hầu hết
nạn nhân các vụ buôn bán người là phụ nữ và trẻ em. Có hơn 3
nghìn phụ nữ và khoảng 500 trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài. (1) Hiện tượng bắt
cóc và buôn bán phụ nữ có thể chuyển từ kiểu “bắt đi” sang kiểu “bắt về”.
Quá dư thừa nam cũng có thể làm tăng khả năng chuyển giới tính,
quan hệ đồng giới trong xã hội, đến lúc đó kì thị quan hệ đồng giới sẽ dần bị
lu mờ, đây là một thực tế đã được quan sát ở Trung Quốc.
5.
Kết luận
Một là xu hướng biến đổi cơ cấu dân số theo giới tính trong độ
tuổi hôn phối chuyển từ thiếu nam hôn phối sang thừa nam hôn phối và tồn tại
tình trạng này có xu hướng gia tăng trong thời gian dài. Giai đoạn chuyển đổi
mô hình có tính bước ngoặt vào khoảng năm 2015 đến 2018.
Hai là trong điều kiện không có hiện tượng xã hội nào bất thường
tác động vào tỷ suất tử thì hiện tượng chênh lệch giới tính khi sinh cao là
nguyên nhân chênh lệch giới tính trong độ tuổi hôn phối.
Ba là hiện tượng thiếu nữ hôn phối gây nên tác động dây truyền
đến các vấn đề xã hội như: làm giảm tuổi kết hôn trung bình của nữ giới; tăng
tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam; xuất hiện và xu hướng ngày càng tăng
việc kết hôn với cô dâu ngoại quốc; ngoài ra cũng có thể làm gia tăng tội phạm
xã hội bắt cóc và buôn bán phụ nữ.
Bốn là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm nam nghèo ít có điều
kiện cạnh tranh trong cuộc đua tìm cô dâu.
Năm là giải quyết vấn đề thiếu nữ hôn phối cần phải giải quyết
tình trạng tỷ số giới tính khi sinh quá cao như hiện nay mà gốc rễ của nó là sở
thích sinh con trai ở nước ta. Giải giáp lâu dài là thực hiện bình đẳng giới
trong mọi mặt của xã hội nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Biện pháp hữu hiệu trước mắt là: an sinh xã hội cho người cao tuổi; quản lý chặt
chẽ việc cung cấp thông tin dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; giám sát việc
thi hành pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đã được
quy định trong pháp lệnh dân số.
Sáu là việc lựa chọn mô hình dự báo phần nhiều còn mang tính chủ
quan và các phân tích về hệ quả xã hội của vấn đề thay đổi mô hình trong độ tuổi
hôn phối còn chưa rõ nét nhưng có ý nghĩa tham khảo hoạch định chính sách. Nghiên
cứu này cũng mở ra hướng nghiên cứu tiếp theo về bình đẳng giới trong hôn nhân.
Tài liệu tham khảo
1.
Chính phủ-ban chỉ đạo 130/CP (2009), “Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống
buôn bán phụ nữ, trẻ em (2004-2009)”, Hà Nội.
2.
Trịnh Thị Tuyết Dung (2010), Nghiên cứu cơ cấu dân số theo giới tính ở Việt Nam giai đoạn 1999-2009,
Luận văn thạc sỹ khoa học địa lý, ĐHSP Hà Nội, Hà Nội.
3.
Tống Văn Đường (2007), Giáo
trình dân số và phát triển, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
4.
Trần Chí Liêm (2009), Dân
số học sách đào tạo hệ bác sỹ y học dự phòng, Nxb Y học, Hà Nội.
5.
Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2009), Những biến đổi gần đây về tỷ số giới tính
khi sinh, Hà Nội.
6.
Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2007), Thực trạng dân số Việt Nam 2006, Hà Nội.
7.
Tổng cục dân số kế hoạch hoá gia đình (2009), Mất cân bằng giới tính khi sinh thực trạng
và giải pháp, Hà Nội.
8.
Tổng cục thống kê (1999), Tổng
điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 1999, Nxb Thống kê, Hà Nội.
9.
Tổng cục thống kê (2010), Dự
báo dân số 2009-2049, Nxb Thống Kê, Hà Nội.
10. Tổng cục thống kê (2010), Tổng
điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Nxb Thống kê, Hà Nội.
11. “Trung Quốc và và chính sách một con” http//tuoitre.vn/thegioi
..........................................................................................................................................................
*: Bài viết được trích 1 phần từ luận văn Ths Khoa học. Bản nháp này được gửi cho Tạp chí cộng sản và được yêu cầu chỉnh sửa 70% trước khi được xuất bản với tên "Chênh lệch giới tính trong độ tuổi kết hôn, mong manh tính bền vững gia đình"
[1]
Trang 71, Tổng cục thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009
các kết quả chủ yếu, Hà Nội, 2010.
[2]
UNDP, Thực trạng dân số Việt Nam 2006
[3] Dự
báo này cho rằng SRB đạt 115 vào năm 2010, UNPA, Hà Nội, 2009
[4] Phần
sau chỉ tính toán cho bé gái, bé trai được tính tương tự công thức này.
[5] :
Tỷ số giới tính trong độ tuổi hôn phối
[6]
Theo “Trung Quốc và chính sách một con”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét