Tồn tại mâu thuẫn rất rõ giữa nhận thức và
hành vi ủng hộ biến đổi khí hậu. Mặc dù nhiều người được hỏi đồng ý với quan
điểm có mối liên hệ giữa hành động cá nhân và BĐKH nhưng không phải tất cả đều
cảm giác có lỗi với hành vi của bản thân và sẵn sàng thay đổi. Trên thực tế,
người tiêu dùng ở những nước có dấu chân sinh thái lớn ít có có cảm giác có lỗi
với hành vi của họ hơn (Echegaray và cộng sự, 2008). Nói cách khác, cảm thấy có
lỗi là đặc tính của các nước đang phát triển hơn là ở các nước phát triển. Trong
khi đáng nhẽ người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển và cũng là quốc gia có
dấu chân sinh thái lớn phải có cảm giác có lỗi (guilt) nhiều hơn đối với môi
trường do những hoạt động của họ gây ra đổi với môi trường và vấn đề biến đổi
khí hậu. Tuy nhiên, khái niệm cảm thấy có lỗi và trách nhiệm của Echegaeray đưa
ra mang tính rất tương đối. Bởi trách nhiệm và cảm giác có lỗi của cá nhân còn
phụ thuộc vào so sánh tương quan giữa các nhóm với nhau. Ví dụ, người Mỹ có dấu
chân sinh thái đứng thứ 2 trên thế giới[1]
cao hơn nhiều so với dấu chân sinh thái của người Trung Quốc nhưng người Mỹ ít
có cảm giác có lỗi hơn so với người Trung Quốc. Điều tra của nhóm Echegaray cho
thấy số người được hỏi cảm thấy có lỗi ở Trung Quốc là 60% trong khi con số này
ở Mỹ là 42%. Bởi vì người Mỹ có trách nhiệm về hành vi cá nhân đối với các vấn
đề về môi trường hơn so với người Trung Quốc vì họ biết rằng người Trung Quốc
không bảo tồn và tái chế nhiều như họ. Cụ thể, tỷ lệ số người không có hành
động gì cho vấn đề môi trường ở Trung Quốc là 42% trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là
20%. (Echegaray và cộng sự, 2008). Theo lý thuyết về hành vi, nhận thức là yếu tố đầu tiên cần thiết để thay đổi hành
vi. Lý thuyết về sự bất hòa nhận thức (Festinger, 1975) cá nhân có xu hướng tìm
kiếm sự thống nhất giữa niềm tin, hành vi và và thái độ có nhiều khả năng thay
đổi hành vi để thích ứng với môi trường. Việc người tiêu dùng đồng ý với quan
điểm cho rằng hành vi của lối sống cá nhân có ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu,
có cảm giác có lỗi và cảm giác cần phải có trách nhiệm đối với hành vi cá nhân là
tiền để thay đổi hành vi. Nhưng khi nào khi cảm giác có lỗi của cá nhân có thể
chuyển thành sự thay đổi trong hành vi của bản thân họ.
Trên thực tế hành động
không phải lúc nào cũng nhất quan với nhận thức của họ mà luôn tồn tại khoảng
cách nhất định. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đều cho thấy phần lớn người
dân cho rằng lối sống cá nhân có mối liên hệ với BĐKH và sự thay đổi của lối sống
cá nhân là cần thiết cho vấn đề môi trường và BĐKH. Trong nghiên cứu Ipsos Mori[2]-
trình bày với RSA, 74% người cảm thấy rằng
“chúng ta đang đi hướng về thảm họa môi
trường nếu chúng ta không nhanh chóng thay đổi thói quen của chúng ta” ,
nhưng chỉ có 59% nói rằng họ đang có hành động về điều đó (Prescott, 2008). Đây
chỉ là một nghiên cứu thực nghiệm trong nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy người
tiêu dùng có nhận thức nhưng không sẵn sàng thay đổi và không có hành động thiết
thực để thay đổi lối sống cá nhân. Điều này phụ thuộc vào sự thỏa mãn nhu cầu
cá nhân và những tiện ích trong lối tiêu dùng. Để thay đổi lối tiêu dùng theo
hướng có lợi cho môi trường và vấn đề BĐKH thì nhận thức của cá nhân và mối
quan tâm của họ đến BĐKH là điều kiện tiên quyết cho lối sống bền vững, ít có hại
cho môi trường nhưng không đồng nghĩa với
việc dẫn đến sự thay đổi lối sống (Manfred
Lenzen, 2001). Nhận thức và tầm quan trọng của nhận thức về vấn đề môi
trường không phải lúc nào chuyển thành hành động để thay đổi hành vi (Lorenzon
and Langford, 2001). Luôn tồn tại một cái gọi là khoảng cách của hành động
mà theo Blake “khoảng cách hành động đề cập
đến những vấn đề mà những người theo giá trị môi trường không phải lúc nào cũng
hành động phù hợp” (Blake, 1999) còn theo Defra đó là có nhận thức nhưng
không có hành động còn gọi là khoảng giá trị của hành động (Defra, 2013). Ở cấp
độ vĩ mô đó là khảng cách giữa các bằng chứng về mặt khoa học và các biện pháp ứng
phó về mặt chính trị của chính phủ (UNDP, 2008). Nhiều quốc gia bất chấp bằng
chứng khoa học vẫn không thực hiện các cam kết về cắt giảm nhu cầu năng lượng
và giảm phát thải. Về cấp độ cá nhân đó là khoảng cách giữa nhận thức vấn đề của
cá nhân và thay đổi lối sống cho dù một nghiên cứu cho thấy 80% số người được hỏi
cho rằng “giải pháp cuối cùng cho mỗi vấn đề phụ thuộc vào những thay đổi mạnh
mẽ trong phong cách sống của chúng ta” (Worsley và Skrzypiec, 1998).
Tại sao sự nhận thức của
cá nhân không trở thành hành vi cụ thể. Theo Guilmoto (2007), việc thực hiện một
hành vi nào đó phải đảm bảo các yếu tố. Trước hết hành vi đó có ý thức; thứ 2
hành vi đó có tính khả thi tức có thể thực hiện được, có phương pháp và có khả
năng; thứ 3 hành vi đó đem lại lợi ích cho cá nhân. Rõ rằng việc thay đổi lối sống
cá nhân được nhận thức là cần thiết, bản thân họ có ý thức cho hành vi, hành vi
này được xã hội ủng hộ, tuy nhiên hành vi này mang lại lợi ích lâu dài chứ
không phải là lợi ích trước mắt. Cái trước mắt đó là sự tiện lợi cá nhân và thỏa
mãn nhu cầu cá nhân của thời điểm hiện tại. Rất khó để có thể xác định được
ranh giới giữa một cái là nhu cầu cá nhân và tiết kiệm cho tương lai. Cũng như
việc khó để xác định điểm dừng của lối sống bền vững. Cái gọi là tiêu dùng bền
vững cũng chỉ là một khoảng định tính không có thang đo định lượng rõ
ràng. Trong khi đó những hành vi được
coi là không phù hợp với lối sống bền vững, lối sống tiết kiệm tài nguyên và
năng lượng vẫn được xã hội chấp nhận, hay nói cách khác chuẩn mực xã hội và cảm
giác tội lỗi của cá nhân về về lối sống tiết kiệm vẫn chưa đủ mạnh để họ thay đổi
hành vi.
Cuối cùng đâu là những
nguyên nhân của lối sống không phù hợp, không tiết kiệm và có hại với môi trường.
Theo quan điểm nghiên cứu của xã hội học văn hóa, mỗi cá nhân hay nhóm cộng đồng
có những hệ giá trị riêng chi phối hành vi của mỗi cá nhân, mỗi nhóm. Giá trị
này nằm trong nhận thức của cá nhân hay của nhóm, tác động đến hành vi giúp cho
cá nhân này hòa hợp với cộng đồng (Mai Văn Hai, 2005). Mỗi cá nhân hay mỗi nhóm
lại có những hệ giá trị riêng trong đó có thứ tự ưu tiên khác nhau cho mỗi đối
tượng. Trong nhóm giá trị này, môi trường
có thể được đặt lên hàng đầu nhưng trong nhóm khác các giá trị về kinh tế lại
được ưu tiên cao nhất. Thứ tự ưu tiên trong bậc thang giá trị thường gắn liền với
lợi ích gần của cá nhân hay nhóm, những lợi ích xa hơn sẽ được tính toán đến
sau đó. Nghiên cứu thực nghiệm của Defra cho thấy có đến 25% số người được hỏi
không đồng ý rằng lối sống của họ góp phần làm biến đổi khí hậu; họ cho rằng biến
đổi khí hậu chỉ là sự lo xa và ưu tiên về môi trường thấp hơn so với các ưu tiên
khác trong cuộc sống của họ (Defra, 2013). Lối sống lành mạch có ích trực tiếp
và thường xuyên đến cá nhân hơn là các hành vi ủng hộ môi trường thường không
có bất kì lợi thế ngay lập tức nào. Một số hành vi ủng hộ môi trường có thể tiết
kiệm tiền (tiết kiệm năng lượng), hoặc tăng địa vị xã hội của họ (sử dụng pin mặt
trời trên mái nhà) nhưng một số hành vi khác lại giảm sự thoải mái và tiện lợi
(sự ấm áp, tiện lợi của xe) hay gia tăng chi phí (sử dụng thực phẩm hữu cơ, giá
điện tái tạo như phong năng, nhiệt năng …) trong khi đó những lợi ích môi trường
không nhìn thấy được và tác động đến họ ở một tương lai xa, điều này không khiến
cho cá nhân tham gia vào các hành vi ủng hộ môi trường ngay lập tức (Milena Buchs
và cộng sự, 2009).
Như vậy, xem nhẹ giá trị về môi trường là nguyên nhân khiến
cho cá nhân và nhóm không hoặc ít thay đổi lối sống theo hướng có lợi cho môi
trường do những lợi ích về mặt kinh tế và tiện ích cá nhân ngay trước mặt. Vấn
đề đặt ra là làm thế nào để thay đổi hành vi cá nhân, nâng giá trị về môi trường
cao hơn trong bậc thang giá trị để đạt được lối sống tiết kiệm năng lượng, sử dụng
hiệu quả tài nguyên và bền vững.
Ngoài ra, còn tồn tại
tâm ý ỷ lại, đổ lỗi trách nhiệm sang người khác, coi hành động của bản thân họ
chỉ là thứ yếu, hành động của người khác là chủ yếu. Sự đổ lỗi trách nhiệm lên
người khác bao gồm các doanh nghiệp và chính phủ (Defra, 2013) hay người tiêu dùng khác. Để giải quyết vấn đề BĐKH,
nhiều ý kiến cho rằng: ngoài việc thay đổi công nghệ, “thay đổi lối sống và
cách thức tiêu dùng” có tầm quan trọng rất quan trọng (Duchin 1998; OECD, 1998;
Lundgren, 1999; IPCC, 2007a, and
Spratt D, Sutton P, 2008). Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm của Echegaray,
Defra … đều cho thấy rằng cá nhân mặc dù nhận thức được ảnh hưởng của hành vi
cá nhân nhưng không phải lúc nào cũng chuyển nó thành hành động cụ thể. Một mặt
do khoảng cách giữa nhận thức và hành động cá nhân, mặt khác do phần lớn họ -
những người tiêu dùng sẽ tìm cách đổ lỗi trách nhiệm cho bên khác và yêu cầu sự
thay đổi từ bên ngoài chứ không phải từ chính họ.
Người tiêu dùng sẽ cố
gắng vượt qua trách nhiệm cá nhân đối với BĐKH, đổ lỗi cho doanh nghiệp, chính
phủ và hi vọng nhiều hơn vào sự thay đổi của các doanh nghiệp cũng như những
thay đổi trong công nghệ hơn là thay đổi lối sống của họ (Echegaray và cộn sự,
2008). Trong nghiên cứu thực nghiệm, có 58% đồng ý với ý kiến biến đổi khí hậu
có thể được giải quyết bởi công nghệ và một chút thay đổi từ lối sống cá nhân,
tỷ lệ này cao hơn ở các quốc gia đang phát triển (Echegaray và cộng sự, 2008). Ở
một nghiên cứu khác của Leiserowitz, có 31% số người[3] được
hỏi cho rằng “Các công nghệ mới có
thể giải quyết nóng lên toàn cầu mà không có cá nhân phải thực hiện lớn thay
đổi cuộc sống của họ” (Leiserowitz, 2008). Bên cạnh đó người
tiêu dùng mong đợi vào những hành động của chính phủ về việc tạo ra một cơ chế
cho việc thực hiện hoặc việc thực thi những cam kết của chính phủ về biến đổi
khí hậu. Như vậy, để thay đổi lối sống đòi hỏi sự nỗ lực và ủng hộ ở các cấp
khác nhau bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Trong khi đó các doanh
nghiệp cũng trông đợi nhiều vào người tiêu dùng trong việc giảm phát thải (ADBI,
2012). Yêu cầu từ việc thực hành lối sống tiết kiệm năng lượng, tăng cường tái
chế, giảm rác thải. Thực hành lối sống này ảnh hưởng đến sự phát triển của
doanh nghiệp do có thể giảm lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Về mặt chính phủ việc thực hiện các cam kết
liên quan đến vấn đề môi trường , giảm phát thải ảnh hưởng đến tốc độ phát
triển của nền kinh tế. Các ưu tiên về kinh tế vẫn được ưu tiên hơn trong bậc
thang giá trị. Thay bằng việc thực hiện các cam kết giảm phát thải CO2
nhiều quốc gia phát triển và cũng là các quốc gia có dấu chân sinh thái lớn lựa
chọn thuế môi trường với hình thức mua CO2, đầu tư vào ngành trồng
rừng và thực hiện chiến dịch này ở các nước đang phát triển. Thực chất là kiểu
đẩy trách nhiệm giảm phát thải sang các quốc gia khác. UNDP cũng đặt ra vấn đề
cần phải xem xét lại mối quan hệ trong trách nhiệm về mặt đạo đức, trách nhiệm
cần phải suy ngẫm và thay đổi các chính sách năng lượng để không làm ảnh hưởng
tới các thế hệ mai sau nhất là đối với chính phủ của các quốc gia, mặt dù đặt
mục tiêu cho chính sách năng lượng nhưng lại không có hành động cụ thể (UNDP,
2008)
Rõ ràng BĐKH không loại
trừ một đối tượng nào trong môi trường toàn cầu, vì thế giải quyết vấn đề này cần
có sự phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các bên trong một quốc gia hay giữa
các quốc gia. Đó cũng là trách nhiệm chung cho các bên bao gồm: Chính phủ, doanh
nghiệp và người dân. Trên thực tế, gia tăng phát thải dẫn đến BĐKH liên quan liên
quan tới một hệ thống vì thế nó cần được giải quyết bằng cả hệ thống (SNicolas Stern). Yêu cầu phối hợp hành động và mệnh lệch bắt
buộc chứ không còn là một phương án (UNDP, 2008). Vấn đề nảy sinh đó là nghĩa vụ của các
bên như thế nào trong việc giải quyết vấn đề (Echegaray và cộng sự,
2008; Lorenzon and Langford,
2001).
Biến đổi khí hậu là vấn
đề toàn cầu do sự thống nhất của lớp vỏ địa lý. Trách nhiệm trong việc làm gia
tăng của BĐKH là khác nhau nhưng các hoạt động ứng phó cần sự tham gia của tất
cả các khu vực trên thế giới. Thực tế không có giải pháp duy nhất mà cần có sự
phối hợp hoạt động giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong việc thực
hành lối sống bền vững (Defra, 2013). Mỗi bên vừa thực hiện trách nhiệm hành động
của mình, vừa thực hiện trách nhiệm giám sát, hoạt động của các bên khác tạo ra
thống nhất hành động chung giảm BĐKH.
Chính phủ có trách nhiệm
tạo ra một cơ chế chính sách (ADBI, 2012), tạo ra môi trường thay đổi lối sống
một cách mạnh mẽ, khuyến khích thực thi
sử dụng các công cụ pháp luật thích hợp. Doanh nghiệp sử dụng các chiến lược và
thay đổi mô hình kinh doanh, sử dụng công nghệ và sản phẩm tạo thuận lợi cho
hành vi tiêu dùng bền vững (ADBI, 2012). Trước hết cần khuyến khích người dân
thực hành lối sống bền vững, tạo sự liên kết giữa các nhóm và xa hơn đó là mối
quan tâm giữa môi trường và lối sống (Defra, 2013) mỗi cá nhân sẽ phải xem xét
lại lối sống riêng của mình về mô hình tiêu thụ sử dụng (ADBI, 2012).
Trong mối quan hệ này,
trước hết chính phủ cần tạo ra một cơ chế chính sách thực hiện việc giám sát hoạt
động của doanh nghiệp cũng như người dân theo các cam kết giải quyết vấn đề về
môi trường. Cơ chế này giúp giám sát ở hai vấn đề giảm phát thải khí nhà kính
thông qua lối sản xuất kinh doanh và lối tiêu dùng tiết kiệm năng lượng, tăng
cường tái chế trong quá trình sản xuất và đời sống. Việc giám sát có thể được
thực hiện thông qua các chế tài kiểm soát xã hội. Chế tài này là công cụ để điều
chỉnh hành vi của người dân và doanh nghiệp theo những chuẩn mực của xã hội các
bon thấp. Như vậy, cả người dân và doanh nghiệp đều chịu cơ chế giám sát từ
chính phủ, mặt khác 2 bên này còn thực hiện cơ chế giám sát lẫn nhau thông qua
chiến lược sản phẩm và lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. Người dân giám sát hoạt động
của doanh nghiệp thông qua việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa tiêu dùng theo các
tiêu chí về sản phẩm xanh (tức sản phẩm ít có hại cho môi trường, có khả năng
tái chế cao, công ty sản xuất ra sản phẩm đó thực hiện các quy trình xử lý rác
thải chất thải, có những cam kết về việc giảm phát thải và mua CO2,
…). Về phía doanh nghiệp, mọi chiến lược sản phẩm cuối cùng cũng để đáp ứng lại
nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Thông qua khảo sát thị hiếu người tiêu
dùng, doanh nghiệp thực hiện chiến lược sảm phẩm xanh, sử dụng công nghệ cao tạo
điều kiện cho lối sống bền vững. Mục tiêu cuối cùng trong trách nhiệm của 3 bên
đó là giảm phát thải, tăng tái chế giúp giảm những tác nhân gây nên BĐKH.
Thực hiện một nghiên cứu trên 100 thẻ mua sắm tại BP để
ghi lại mức độ nhiên liệu mà mỗi người đã mua lại. Thông qua đó, xác định mức
độ CO2 bị thải ra môi trường.
Sau đó các TS Bristow sử dụng máy tính để hỗ trợ kiểm tra hành vi để phát
hiện ra những giá trị tương đối của thuế CO2, như một hình thức
giao dịch bắt buộc cho mọi cá nhân, từ đó gây áp lực đến sự lựa chọn của họ.
Vấn đề đặt ra đó là việc áp dụng mức giá phù hợp để tìm các biện pháp hiệu
quả mang lại lợi ích về kinh tế, thay
đổi hành vi cá nhân mà không gây ra tác động kinh tế thụt lùi trong
tương lai (Matt Prescott,2008)
|
Nhận thức là yếu tố
quan trọng đầu tiên để hình thành hành vi thay đổi lối sống của cá nhân, nhưng
điều này không phải là điều kiện duy nhất. Nhận thức đầy đủ về mối liên hệ giữa
lối sống cá nhân và biến đổi khí hậu khiến cho con người thay đổi phần nào lối
sống của họ như một việc làm ủng hộ môi trường. Cũng có thể đưa ra giả thuyết về
sự nhận thức không đầy đủ về ảnh hưởng của lối sống đến biến đổi khí hậu. Tuy
nhiên, vấn đề ở đây là tâm lý ỷ lại và đổ
lỗi trách nhiệm của người dân. Đạo đức môi trường vẫn là một cái gì đó xa trong
tâm trí mọi người. Cần thiết nhấn mạnh giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận
thức vì đây là cơ sở đầu tiên của việc hình thành hành vi. Quan trọng là việc
nâng cao nhận thức sẽ đạt đến một mức độ nhất định, qua điểm tới hạn này, việc
nâng cao nhận thức sẽ không đạt được thay đổi nào đáng kể trong hànhvi. Ngoài
ra, để đạt được sự thay đổi lối sống cần thiết phải sử dụng chế tài kiểm soát
xã hội đủ mạnh kết hợp với những thay đổi công nghệ từ phía doanh nghiệp và sự
hợp tác chủ động của người dân.Về đối tượng, nên tập trung vào thanh niên,
những người làm chủ thực sự trong tương lai và cũng là những người sẽ phải nhận
những ảnh hưởng của các hiện tượng biến đổi khí hậu. Việc nhấn mạnh vai trò của
thanh niên trong thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là rất hữu ích, chính họ là
người sẽ tạo ra sự thay đổi cho tương lai bằng việc có trách nhiệm trong lối sống,
trong việc nghiên cứu nguồn năng lượng sạch, sử dụng công nghệ cao trong sản xuất
và đưa ra thị trường sản phẩm sạch thân thiện với môi trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét