16 thg 9, 2012

Chênh lệch giới tính trong độ tuổi kết hôn


Chênh lệch giới tính trong độ tuổi kết hôn:  Mong manh tính bền vững gia đình*


          Gia đình có một vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đang cuốn hút mọi người vào guồng công việc hối hả, làm cho người ta ít có thời gian dành cho gia đình hơn, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, vì thế, cũng như trở nên lỏng lẻo hơn, các giá trị gia đình truyền thống có nguy cơ bị xâm hại, bào mòn. Thêm vào đó, tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh ở mức báo động đang góp thêm một mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững của gia đình. “Một tương lai không vợ” của nhiều thanh niên nam và “khủng hoảng hôn nhân sẽ tác động to lớn tới kết cấu gia đình, đạo đức xã hội và phát triển kinh tế’’… là những hệ lụy được cảnh báo do sự chênh lêch này.
       
“Khát” con trai – nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính 
Dấu hiệu đáng lo ngại về chênh lệch giới tính khi sinh xuất hiện khi tỷ lệ này ở mức 106/100, và được nâng lên đến mức báo động khi đạt 110/100. Ở nước ta hiện nay, tỉ lệ trẻ sinh ra trung bình là 110 trẻ trai/100 trẻ gái và vẫn có xu hướng tăng. Mức độ mất cân bằng giới tính có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng, miền trong cả nước. Ở nông thôn, mức chênh lệch thấp hơn thành thị. Báo cáo về "Mất cân bằng giới tính khi sinh" của Bộ Y tế năm 2008 cho thấy, sự mất cần bằng này thấp nhất ở vùng ven biển Nam Trung Bộ với tỷ lệ 108,5/100 và đồng bằng sông Cửu Long với độ chênh 109,2/100 và đạt mức cao nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 113,1/100 và Bắc Trung Bộ là 111,2/100. Theo kết quả của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy sự mất cần bằng này thấp nhất ở Tây Nguyên với tỷ lệ 105,6/100 và Trung du và miền núi phía Bắc 108,5/100 và đạt mức cao nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 115,3/100. Các vùng khác ở mức xấp xỉ 110/100. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ nay đến năm 2024, tỷ lệ giới tính của dân số nước ta trong độ tuổi kết hôn[1] có xu hướng tăng mạnh, từ khoảng 93 nam/100 nữ năm 2009 lên khoảng 102 nam/100 nữ. Với độ chênh này, tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn là khá rõ.
  Mất cân đối giới tính – vấn đề đang “nóng” trong xã hội nước ta hiện nay, bắt nguồn từ tư tưởng, định kiến "trọng nam, khinh nữ" ăn sâu, bén rễ hàng nghìn năm. Lễ giáo phương Đông coi trọng việc thờ tự tổ tiên, nối dõi tông đường, và đây được cho là công việc của con trai nên mong muốn có để hương khói, coi con trai có giá trị đặc biệt hơn so với con gái. Bên cạnh đó, do nhu cầu lao động, nên tại một số vùng duyên hải, sức lao động của nam giới được coi như một loại tài sản kinh tế cần được đầu tư cho hoạt động kinh tế hộ gia đình. Mặt khác, do hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển, người già có tâm lý trông chờ vào con cái với quan niệm con trai (trai cả) là người sẽ sống cùng cha mẹ, thừa hưởng gia tài cha mẹ để lại, nên chịu trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ.
  Trong xã hội hoa học, kỹ thuật phát triển hiện nay, khát vọng có con trai nối dõi lại có điều kiện thuận lợi để trở thành hiện thực. Những thành tựu đạt được trong y học hiện đại nhằm phục vụ việc chăm sóc sức khoẻ, vô hình trung, lại trở thành công cụ đắc lực trong xác định giới tính thai nhi, giúp nhiều cặp vợ chồng điều chỉnh hành vi sinh sản của mình nhằm thực hiện ý định có con như ý muốn. Hỗ trợ thêm cho nhu cầu muốn con trai còn có các dịch vụ tư vấn “chui”, hoạt động ngoài vòng kiểm soát của pháp luật, phổ biến các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với giá rẻ... .Và quan trọng nhất là việc phổ biết các kỹ thuật này với giá rẻ.
Chênh lệch giới tính cảnh báo “một tương lai không vợ”
Dư thừa nam trong tuổi trưởng thành dẫn đến tình trạng tranh giành hôn nhân, một bộ phận nam giới buộc phải trì hoãn hôn nhân… làm gia tăng tuổi kết hôn trung bình lần đầu. Năm 2009, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam ở nước ta tăng 1,8 tuổi so với năm 1989, đạt 26,2 tuổi. Tác động tích dồn trong nhiều năm làm cho một số lượng nam giới nhất định không thể kết hôn do khó, hoặc không thể tìm được người bạn đời, từ bỏ ý định kết hôn, sống độc thân... tăng lên. Không kết hôn gần như đồng nghĩa với việc không có con. Như vậy, hậu quả của khát vọng có con trai để nối dõi, là nơi nương tựa lúc về già lại gây nên nguy cơ có thể bị tuyệt tự ngay ở đời thứ hai, bởi không thể tiếp tục duy trì nòi giống với nghĩa đơn giản nhất là có con, có cháu.  
Tình trạng thừa nam kết hôn sẽ nặng nề hơn khi trong giai đoạn hiện nay “dòng cô dâu đi” đang có xu hướng gia tăng. Tất nhiên, khi thiếu phụ nữ để kết hôn, sẽ xuất hiện “dòng cô dâu đến”, theo quy luật có cung ắt có cầu. Một nghiên cứu cho thấy, việc tìm vợ ngoại quốc, một phần, bắt nguồn từ khó khăn khi đàn ông có ý định lấy vợ trong nước. Thế nhưng, liệu các chú rể Việt Nam có cạnh tranh được với các chú rể Hàn Quốc, Đài Loan - những nơi cũng đang trong cảnh thừa nam, thiếu nữ và lại có mức thu nhập cao hơn nước ta? Ở Trung Quốc, do sinh bé trai nhiều hơn bé gái nên các nhà khoa học dự đoán rằng, trong vài thập niên tới, có khoảng 40 triệu nam giới Trung Quốc sẽ không lấy được vợ trong nước. Chỉ trong 10 năm (1995 - 2004), Đài Loan đã cấp 84.479 vi-sa cho các cô dâu Việt Nam và hàng chục nghìn vi-sa cho cô dâu các nước Đông Nam Á khác.
Đó là mới chỉ dừng lại ở việc kết hôn, chứ chưa bàn sâu hơn đến các khía cạnh khác như, liệu gia đình được hình thành từ những cuộc hôn nhân đó có hạnh phúc không, có bền vững không? Liệu những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống có được bảo tồn, lưu giữ? Và, những đưa trẻ được sinh ra sẽ như thế nào?
Không chỉ nam giới chịu thiệt thòi
Thiếu phụ nữ ở tuổi kết hôn không có nghĩa là mang lại cho phụ nữ nhiều cơ hội để có được sự lựa chọn tốt hơn, được trân trọng hơn và có tiếng nói hơn trong xã hội. Ngược lại, chính họ sẽ chịu áp lực nặng nề hơn trong hôn nhân, trong chăm sóc gia đình và con cái, hạn chế hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội. “Sự khan hiếm phụ nữ sẽ không tăng cườngtheir position in society, due to the simultaneous increase in pressure to marry, higher risk of vị trí của họ trong xã hội, do sự gia tăng đồng thời áp lực để kết hôn, nâng cao nguy cơ gender-based violence, rising demand for sex work and the development of trafbạo lực giới”([2]). Thực tế ở một số nước trong khu vực cho thấy, sự khan hiếm này còn làm gia tăng nguy cơ bạo hành đối với phụ nữ, bạo lực gia đình, nhất là đối với cô dâu nước ngoài. Họ dễ có nguy cơ bị trở thành nô lệ tình dục, bị ép buộc sinh thêm con. Cùng với đó là sự gia tăng tội phạm xã hội như lừa đảo, bắt cóc, buôn bán trẻ em gái và phụ nữ, tệ nạn mại dâm... tình trạng bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái gia tăng. Cùng với hiện tượng phụ nữ bị bắt cóc theo kiểu bị“bắt đi”, sẽ có thêm kiểu “bắt về”.
Một vấn đề nữa là, dư thừa nam trong độ tuổi kết hôn cũng có thể làm tăng khả năng chuyển giới tính, tăng quan hệ đồng giới trong xã hội.
Một số giải pháp
Một là, phát triển kinh tế tạo điều kiện cho tăng cường mục tiêu chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, từng bước giảm và xóa bỏ tâm lý chỉ muốn sinh con trai. Bảo đảm ổn định, phát triển kinh tế là điều kiện quan trọng để thực hiện các chương trình và chính sách dân số sâu, rộng, tạo cơ sở cho việc thay đổi tâm lý xã hội vốn đã tồn tại từ lâu đời.
Hai là, hoàn thiện pháp luật, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Có thể xem xét việc đưa tỷ số giới tính khi sinh như là một chỉ số trong giám sát thực hiện luật bình đẳng giới cấp địa phương. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), mất cân bằng giới tính được coi là một chỉ số về bất bình đẳng giới. Xây dựng thí điểm mô hình an sinh xã hội, như khen thưởng cho hộ gia đình sinh có con một bề là con gái và cam kết không sinh con thứ ba, hỗ trợ xã hội khi họ hết tuổi lao động với mức trợ cấp phù hợp có thể thực hiện được.
Ba là, tăng cường giám sát thực thi pháp luật theo Pháp lệnh dân số 2003, Nghị định Chính phủ số 114/2006/NĐ-CP. Đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý những hành vi dẫn tới mất cân bằng giới tính, tiến tới chấm dứt thực trạng người dân biết nhưng cố tình làm ngơ. Nghiêm cấm việc lưu hành, phổ biến xuất bản phẩm có nội dung liên quan đến hướng dẫn có thai như ý muốn. Trong một số trường hợp khi nghiên cứu khoa học, đào tạo bác sỹ y khoa cần phải được sự cho phép của các bộ, ban, ngành liên quan.
Quản lý chặt chẽ hệ thống các cơ sở y tế thông qua các biện pháp cụ thể như: tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở y tế công và tư trong việc thông báo giới tính thai nhi và phá thai lựa chọn giới tính.
Bốn là, phát huy tiềm năng, nâng cao vị thế, giải phóng phụ nữ khỏi nhiều ràng buộc truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh bình đẳng giới trong mọi mặt của đời sống. Là một nước phương Đông chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo coi trọng con trai, nên việc thay đổi tâm lý đã ăn sâu bám rễ từ ngàn đời đòi hỏi phải có thời gian và những nỗ lực đặc biệt.
Năm là, tăng cường tuyên truyền giáo dục rộng rãi, phổ biến nội dung chính sách dân số, giáo dục y đức, nâng cao nhận thức cho người dân, toàn xã hội về vai trò địa vị của phụ nữ, bình đẳng giới và hệ thống an sinh cho người già.
Phát triển đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, phổ biến thông tin, kiến thức, hậu quả dây truyền của việc lựa chọn giới tính thai nhi, mất cân bằng giới tính khi sinh trước hết là cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; nam, nữ trong độ tuổi kết hôn; các nhân viên y tế, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai và cho mọi đối tượng người dân. Tích hợp nội dung giáo dục bình đẳng giới trong giảng dạy ở nhà trường.   
Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, từ trong tiềm thức, thay đổi quan niệm về giá trị của con trai và con gái. Tình cảm gắn bó, trách nhiệm, chia sẻ của các thành viên trong gia đình mới là những giá trị thực sự quan trọng cần được trân trọng, gìn giữ.
Sáu là, tăng cường trong nghiên cứu khoa học để có được đánh giá cụ thể hơn nhưng hậu quả của chênh lệch giới tính trong độ tuổi kết hôn và mối quan hệ với tính bền vững của gia đình. Lường trước mối quan hệ giữa thừa nam hôn phối và cấu trúc gia đình, xã hội là hết sức cần thiết để có những giải pháp cụ thể, kịp thời, thiết thực nhằm đạt được sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Box: Theo nghiên cứu của Trung tâm dân số thuộc trường Đại học kinh tế quốc dân, mất cân đối giới tính khi sinh trong 5 năm tại 6 tỉnh với 2.304 người,   20% các bà mẹ biết cách sinh con trai, trong đó 58% số người được hỏi là do đọc sách báo, 40% do trao đổi kinh nghiệm, 33% tính toán thời điểm sinh con; 32% do thực hiện ăn kiêng.

       Box: Theo một nghiên cứu, với mô hình SRB([3]) của bà mẹ chưa có con trai là 111 nam/100 nữ thì 8% số phụ nữ lựa chọn phương pháp phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, còn lại 92% là do hoặc không biết về giới tính thai nhi hoặc có biết nhưng không phá thai (Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Những biến đổi gần đây về tỷ số giới tính khi sinh, Hà Nội, 2009)


[1] Độ tuổi được xác định từ 15 tuổi đến 44 tuổi đối với nữ, và, từ 20 tuổi đến 49 tuổi đối với nam


([2])  “Trung Quốc và chính sách một con ngày, 24-09-2008, 11:01 (GMT+7) //tuoitre.vn/thegioi


([3]) Tỷ số giới tính khi sinh  là quan hệ tỷ lệ giữa số trẻ em trai được sinh ra còn sống trong năm trên 100 trẻ em gái được sinh ra và còn sống trong năm đó. Tính bằng số nam trên 100 nữ.
 * : Bài đăng tạp chí cộng sản số 56(8) 2012, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=12767&print=true



Ảnh trong: Lv Ths "Nghiên cứu cơ cấu dân số theo giới tính ở việt nam giai đoạn 1999-2009:" Em bé này cười tươi quá. hồn nhiên quá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét