16 thg 9, 2012

Tặng thầy ITO Tetsuji


Cuộc gặp gỡ tình cờ!*

Tôi tham gia vào Workshop khá tình cờ. A Linh (viện dân tộc học) đã tình cờ cho tôi biết có buổi Workshop về “tri thức điền dã” của viện nghiên cứu Đông Bắc Á. Tôi cũng băn khoăn không biết có được dự hay không vì anh Linh đã nói rằng đã có đăng kí và chốt danh sách từ trước. Tuy nhiên, do hứng thú với nội dung của buổi workshop nên tôi vẫn cùng a Linh xuống đăng kí tham gia đại biểu của phiên đầu tiên tại tầng 3. Rất may, tôi gặp chị Lan người tổ chức chương trình này và tôi được đăng kí tên vào danh sách bổ sung, được nhận tài liệu và tham gia vào workshop như những người khác đã đăng kí từ trước.

Tôi được gặp giáo sư Ito Tetsuji, tham gia vào lớp học của thầy, khám phá kinh nghiệm điền dã, được giao bài tập về phương pháp  “ethnography” viết kí sự về cuộc sống hoặc thực hiện phỏng vấn “khi tôi 20 tuổi”. Tôi thấy tò mò về “ngõ phố Hà Nội”, tôi băn khoăn không biết phải thực hiện bài tập của mình như thế nào. Tôi đã có dự định viết kí sự về một ông cụ bán vé số ở đường Kim Mã nhưng kí sự thì phải quan sát khá nhiều, ít nhất là một ngày để thấy được cuộc sống thường nhật của ông cụ. Điều này là không thể, tôi thực sự thấy tiếc vì đã bỏ qua ý tưởng này. Tôi quyết định chuyển sang kí sự về một người rất tình cờ tôi được gặp GS Ito tetsuji. Tôi không biết liệu những kí sự mà tôi ghi chép được trong những buổi học có nói nên nhiều điều không nhưng đó là cái mà tôi quan sát và thấy được. Đó là kết quả của 4 buổi học mà tôi được tham gia cùng giáo sư.

Pic 1: Giảng bài đầy nhiệt huyết

Thầy giáo nghiêm khắc
Lần đầu tiên khi vào phòng hội thảo tôi đảo mắt nhìn xung quanh. Lúc này giáo sư đang ngồi trước laptop của thầy với bản powerpoint lẫn lộn tiếng Việt và tiếng Nhật, tôi sẽ không biết giáo sư là người Nhật nếu không được a Linh cho biết trước. Thầy có nét mặt khá nghiêm khắc và hơi khó gần. Lúc này cái duy nhất mà tôi quan tâm là tệp tài liệu được phát chứ không phải quan sát về thầy. Nhưng khi bắt đầu bài giảng tôi có thời gian nhiều hơn để quan sát và nhận ra một số điều từ người Nhật này.

Khó chịu về những “cái gây nhiễu” là điều đầu tiên tôi thấy ở thầy. Thái độ này thể hiện rất rõ trong buổi đầu tiên khi có khá nhiều người ra vào workshop trong thì thầy giảng bài. Điều này tôi cũng quan sát thấy ở buổi học thứ 2, thứ 3 khi mà có một vài tiếng chuông điện thoại vang lên. Khó chịu là điều dễ nhận thấy và thầy dường như rất hiếm khi lờ đi những âm thanh như thế. Dù đang giảng hay không thầy vẫn nhìn về hướng đó với một con mắt mà tôi cho là khó chịu. Tuy nhiên, việc khó chịu với những người ra vào ở các buổi học tiếp theo hình như cũng giảm dần, có lẽ vì từ buổi thứ 2 trở đi, vị trí đứng giảng của thầy quay lưng vào cửa ra vào. Thầy khó có thể thấy được họ, tuy nhiên thầy vẫn thể hiện thái độ khi ai đó đi qua máy chiếu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh trong bài giảng của thầy.
Thầy khá tuân thủ thời gian, tuy nhiên điều này có lẽ cũng bị di chuyển một chút do phần lớn là học viên người Việt Nam. Các buổi thảo luận quá sôi nổi ở buổi thứ nhất và buổi thứ 4 khiến cho thời gian vượt quá giới hạn rất nhiều. Tuy nhiên, có lẽ đây là điều tốt bởi nó cho thấy bài giảng của thầy rất thành công.

Mặc dù khá nguyên tắc và “đã nói là làm’ nhưng đôi khi thầy cũng nhường lời cho người khác khi được yêu cầu. Người Việt Nam gọi đó là “nể” không biết có phải người Nhật cũng thế hay không? Mặc dù thầy đã nói nhường lời cuối cùng cho GS Chinabe, xong thầy vẫn để cho một anh đại diện nhóm nghiên cứu của thầy nói. Phải nói thêm rằng anh đại diện đã có  ý xin phép được nói với giáo sư trước đó.

Một người nghiêm túc vể thời gian tuy nhiên cũng có lúc không như thế. ĐIều này có lẽ là sự xâm lấn văn hóa hay là sự linh động cần thiết của giáo sư?

Trong buổi lên lớp thầy không có người trợ giảng hay bất kì một ai đó giúp thầy các vấn đề liên quan. Ở phiên đầu tiên, không có người đưa mic, bởi đơn giản ở mỗi vị trí đều có sẵn mic cho bất kì một ai. Ở các buổi học sau đó thì không thế. Tại các phiên thảo luận, thầy luôn luôn là người trực tiếp chuyển mic cho học viên trong lớp. Thầy không hề có ý nhờ một học viên nào khác trong lớp làm việc này. Khác với những giáo viên người Việt Nam khác, chắc chắn một học viên ngồi gần nhất sẽ được nhờ đi đưa mic trong các buổi thảo luận như thế. Tôi chắc chắn cũng sẽ làm thế nếu tôi giảng ở một lớp học như thế. Tôi thắc mắc tại sao thầy không có ý nhờ ai nhỉ? Phải chăng “độc lập” là cách làm việc của thầy cũng như nhiều người Nhật khác? Hay là do chính học viên trong lớp học đã không chú ý đến điều này? Nhưng tôi cho rằng “độc lập” là cách làm việc của thầy.

Nhiều tình cảm

Thầy rất ít cười trong các buổi học mặc dù nụ cười rất tươi, đẹp và đôn hậu. Thường thì thầy chỉ cười khi bắt đầu và kết thúc buổi học, một nụ cười nhẹ nhàng tạo tâm lý thoải mái trước khi vào lớp và nụ cười cảm ơn kèm lẫn xin lỗi khi kết thúc buổi học. Trong các buổi học rất hiếm khi gặp nụ cười rạng rỡ của thầy, trạng thái bình thường vẫn là một khuôn mặt nghiêm nghị và hết sức chú ý lắng nghe. Chỉ có những thứ tôi cho là khác biệt văn hóa lắm mới khiến thầy gây cười. Đó là nụ cười rất sáng khoải khi có ý kiến cho rằng “một người đàn ông nghỉ ngơi trong lúc vợ mình vừa rửa bát, vừa địu con rất khó được chấp nhận ở Việt Nam, tôi cho rằng đó là khác biệt về văn hóa”. Không chỉ thầy mà hầu hết các bạn người Nhật, người Hàn khác có mặt trong lớp học điều cười rất “khám phá”.
Tiếp xúc với thầy trong buổi chiều tôi thấy thầy là một người gần gũi hơn và vẻ lạnh lùng, nghiêm nghị ở các lớp buổi sáng. Thầy hay cười và biểu lộ cảm xúc rõ rệt hơn nhiều. Tôi nhận thấy điều này khi thầy được một bạn người Việt Nam phỏng vấn với chủ đề “khi bạn 20 tuổi”. Tôi hiểu hơn về thầy khi đọc “ngõ phố Hà Nội những khám phá”. Lần đầu tiên tôi đi mua sách về và đọc nghiến ngấu trong tình trạng rất mệt mỏi. Đọc và cười khiến đứa em phải thắc mắc “chị chat hay đọc truyện cười mà cười nhiều đến thế”. Có lẽ vì “khám phá” được chính mình trong “ngõ phố Hà Nội những khám phá".

Tôi xin chữ kí trong sách của mình đã mua. Thầy hỏi tên và hỏi tôi rằng viết “thân tặng” đúng không. Tôi cười và nói “em nghĩ rằng từ kí tặng hợp lí hơn là thân tặng.” Tôi cũng nói với thầy vài điều nhưng hàng rào ngôn ngữ đã khiến cho thầy không hiểu ý tôi nhiều. Hóa ra thầy cũng không giỏi tiếng Việt như tôi nghĩ sau khi đọc “ngõ phố Hà Nội”. Thầy vẫn giữ vẻ mặt thầy vẫn có chút nghiêm nghị nào đó. Dù sao thầy vẫn là người Nhật.

 Pic 2: Rất thích chụp ảnh

Rất thích chụp ảnh.
Một điều nữa là thầy rất thích chụp ảnh. Có lẽ quan sát, nghe, tìm hiểu, viết, suy ngẫm là nghề của thầy và những bức ảnh, thước phim là công cụ giúp thầy nghiên cứu nên thầy có thể chụp ảnh bất kì lúc nào. Thầy chụp ảnh cả lớp học, thầy chụp ảnh một ai đó đang phát biểu, thầy chụp ảnh mọi người khi đang dùng “tea break”, thầy chụp ảnh với các học viên trong lớp học khi đang kết thúc buổi học. Tôi cũng thích chụp ảnh nhưng có lẽ không có đủ tự tin để chụp ảnh nhiều như thầy. Có lẽ tôi phải học thầy điều này.





Pic 3: Chụp ảnh sau mỗi buổi học


................................................................................................................
*: Bai viet cho buoi tong ket lop hoc "tri thuc dien da" cua Vien Dong Bac A to chuc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét