15 thg 9, 2012

Giảm sinh ở Bắc Bộ


TÍNH BỀN VỮNG CỦA XU HƯỚNG GIẢM MỨC SINH Ở NÔNG THÔN VÙNG BẮC BỘ

Giới thiệu

Ở Bắc Bộ dân số nông thôn chiếm 75,5% dân số vùng và 27% dân nông thôn của cả nước. Trong 10 năm điều tra 1999 đến 2009 mức sinh giảm đáng kể và gần đạt mức sinh thay thế. Tuy nhiên, xu hướng giảm sinh là chưa bền vững, nảy sinh vấn đề về tỷ lệ nam cao trong cơ cấu giới tính của trẻ sơ sinh. Bài viết thông qua phân tích xu hướng giảm sinh ở nông thôn Bắc Bộ trong giai đoạn 1999 – 2009 để đánh giá tính bền vững của xu hướng này có tính đến phân chia tiểu vùng Tây Bắc, Đông Bắc và ĐBHS. Bài viết cũng gợi mở một số vấn đề cần lưu ý trong phát triển dân số và đưa ra khuyến nghị về chính sách giảm sinh trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

         Năm 2004, trong chiến lược phát triển bền vững đã đặt ra vấn đề phát triển bền vững nông thôn. Quyết định 26 về các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã xác định nhiệm vụ “nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn” và việc thực hiện tốt chích sách dân số, giảm tỷ lệ sinh ở nông thôn đặc biệt quan tâm tới một số vùng trong đó có trung du và miền núi Bắc Bộ. (Nghị quyết 26 TW/2008 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa X)

Việt Nam là nước đông dân thể hiện cả ở quy mô và mật độ nhất là vùng Bắc Bộ là vùng tập trung 35,7% dân số cả nước, trong đó dân nông thôn chiếm 27% trong cả nước và 75,5% của vùng. Để phát triển bền vững nông thôn trên tất cả mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường thì nhiệm vụ đặt ra là giảm sức ép cho phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề phúc lợi xã hội. Về mặt dân số phải có được tốc độ gia tăng dân số hợp lý, vừa đảm bảo tái sản xuất dân số có chất lượng vừa hạn chế sức ép lên các vấn đề kinh tế, tài nguyên, môi trường.

Giảm gia tăng dân số thông qua giảm tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử vong chung là một trong những chỉ báo của sự phát triển xã hội (Vũ Tuấn Huy, 2011). Xu hướng giảm sinh trong thời gian qua ở Bắc Bộ đã phán ánh điều này. Mặc dù, giảm sinh là xu thế tất yếu của quá trình phát triển dân số, nhưng các chính sách dân số có vai trò tích cực nhằm vào việc rút ngắn khoảng cách của quá trình này vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Việc có mức sinh phù hợp, đảm bảo mức sinh thay thế tạo ra tỉ lệ thích hợp trong cơ cấu dân số theo độ tuổi sẽ giảm gánh nặng xã hội, giảm áp lực dân số đối với đất đai, lương thực thực phẩm, phát triển kinh tế là cơ hội tốt để tăng tích luỹ xã hội.

Nghiên cứu thông qua phân tích xu hướng giảm sinh ở vùng Bắc Bộ trong thời gian 10 năm 1999 đến 2009, tìm ra nguyên nhân của hiện tượng có tính đến sự phân chia các tiểu vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Đồng Bằng sông Hồng (ĐBSH). Qua đó đánh giá trình bền vững của xu hướng giảm sinh ở nông thôn Bắc Bộ.

Xu hướng giảm sinh ở nông thôn Bắc Bộ

Xu hướng giảm sinh sẽ được quan sát trên một số chỉ tiêu cụ thể biểu hiện mức sinh như: Tỷ suất sinh thô, tổng tỷ suất sinh, tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3.

2.1.   Tỷ suất sinh thô

Tỷ suất sinh thô phản ánh tương quan giữa số trẻ sinh ra trong năm còn sống so với dân số trung bình tại cùng thời điểm. Con số này chỉ phán ánh gần đúng tình hình sinh của toàn bộ dân số vì thực tế trong thời gian một năm không phải toàn bộ dân số tham gia vào quá trình sinh sản mà chỉ một bộ phân dân cư thuộc độ tuổi sinh đẻ tham gia vào quá trình này. Vì thế CBR phụ thuộc vào cơ cấu dân số trong độ tuổi sinh đẻ nhất là tỷ trọng phụ nữ thường được xác định là trong độ tuổi 15 – 49.

Tỷ suất sinh thô giảm chậm, cao hơn so với trung bình của cả nước. Giảm  từ 19,4‰ năm 1999 xuống còn 17,8‰ năm 2009. Nông thôn ở miền núi nơi điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển hơn, tỷ suất sinh cao thì tốc độ giảm nhanh hơn. Ở tiểu vùng Tây Bắc, giai đoạn 1999 – 2009 giảm hơn 6 điểm. Giảm nhiều ở một số tỉnh Lai Châu, Điện Biên (trên 10 điểm) và các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn (giảm lần lượt là 9,6‰ 9,5‰ 6,2‰ và 3,2‰). Nông thôn ở các tỉnh đồng bằng nơi có CBRnt­ thấp thì ít thì con số này dao động không đáng kể. Có một số tỉnh có xu hướng tăng như: Vĩnh Phúc tăng 2‰, Hải Phòng tăng 1‰.

Tỷ suất sinh thô của nông thôn (CBRnt) Bắc Bộ cao hơn so với trung bình của cả nước (17,1‰) và trung bình khu vực nông thôn cả nước (17,8‰). Trong đó, CBRnt của Tây Bắc là 23,3‰ cao hơn hẳn so với Đông Bắc (18,7‰) và ĐBSH (17,2‰).

Như vậy: Tỷ suất sinh thô vẫn tiếp tục giảm ở nông thôn các tỉnh miền núi nơi điều kiện kinh tế, chăm sóc sức khỏe còn thiếu và yếu. Đối với các nông thôn các tỉnh đồng bằng ít có sự thay đổi.

Bảng 1: Tỷ suất sinh thô khu vực nông thôn vùng Bắc Bộ 1999 và 2009

Vùng                           1999             2009                Mức giảm
Tây Bắc                        30,4              23,3                    6,1
Đông Bắc                      21,1              18,7                    2,4
TDMNPB                       23,2              19,7                    4,5
Đồng bằng sông Hồng   17,03             17,2                  - 0,17
Bắc Bộ                         19,4               18,3                    1,1
Khu vực nông thôn     21,2               17,8                    3,4
(Năm 1999, 2009 được tính theo phân vùng của Bộ kế hoạch và đầu tư)

2.2.   Tổng tỷ suất sinh (TFR)

Tổng tỷ suất sinh cho biết số con trung bình mà một phụ nữ có thể sinh ra trong suốt cuộc đời nếu như trải qua tất cả các tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (Nó cho biết số trẻ em sinh ra còn sống của bà mẹ thuộc nhóm tuổi x so với số phụ nữ trong độ tuổi x) của năm đó. TFR bằng 2,1 đạt mức sinh thay thế là mức sinh mà một đoàn hệ phụ nữ trung bình vừa có đủ số con gái để thay thế mình trong dân số, đảm bảo cho sự ổn định quy mô dân số. TFR được dùng khá phổ biếtn ở nhiều nước như là thước đo đánh giá tác động của chương trình kế hoạch hóa gia đình và sự thay đổi hành vi sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mà không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi cơ cấu tuổi và giới tính của dân số (UNFPA, 2007).

Tổng tỷ suất sinh TFRnt Bắc Bộ có xu hướng giảm nhất là ở các tỉnh miền núi. TFRnt của tiểu vùng Tây Bắc giảm mạnh nhất, từ 3,87con/phụ nữ năm 1999 xuống còn 2,49con/phụ nữ. Các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La TFRnt giảm nhiều con số này lần lượt là: 2,56con/phụ nữ, 1,57 con/phụ nữ và 1,17 con/phụ nữ. Tuy nhiên, TFRnt của các tỉnh này năm 2009 vẫn còn ở mức rất cao. Toàn vùng có 6 tỉnh TFRnt tăng, trong khi đó 5/11 tỉnh của ĐBSH lại tăng nhẹ làm cho TFRnt ĐBSH tăng. Chính việc giảm TFRnt đáng kể của các tỉnh miền núi phía Bắc khiến TFRnt Bắc Bộ giảm rõ rệt trong giai đoạn 1999 – 2009 ví dụ như: Lào Cai giảm 2,9 Sơn La 2,7 Hà Giang 3,2 năm 2009.

TFRnt vẫn còn cao hơn mức sinh thay thế. Năm 2009 TFRnt là 2,19 con/phụ nữ, cao hơn mức trung bình nông thôn (2,14con/phụ nữ) và trung bình của cả nước (2,03 con/phụ nữ). Có 18 tỉnh của Bắc Bộ trong số 29 tỉnh của cả nước có TFRnt cao hơn mức sinh thay thế, nhất ở nông thôn các tỉnh miền núi TFR vẫn giữ ở mức rất cao. Vẫn có 4 tỉnh có TFRnt thuộc tốp 10 tỉnh có TFRnt cao nhất cả nước, hiện còn 2 tỉnh TFRnt vẫn ở mức trên mức 3 là Hà Giang (3,2) và Lai Châu (3,02). Đây cũng là các tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, tỷ xuất tử vong trẻ em cao tạo tâm lý sinh bù ở các bà mẹ. Một số tỉnh có TFRnt thấp là Bắc Kạn và Lạng Sơn (đều ở mức 1,8).

Tổng tỷ suất sinh TFRnt cao hơn ở các tỉnh miền núi, thấp hơn ở các tỉnh đồng bằng. Trong đó các tỉnh TDMNPB là 2,26 con/phụ nữ trong đó Tây Bắc TFRnt là 2,49 con/phụ nữ, vùng ĐBSH TFRnt cũng ở mức 2,14 con/phụ nữ.

Như vật, tổng tỷ suất sinh khu vực Bắc Bộ cao, xu hướng giảm mạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh đồng bằng nơi đã đạt mức sinh thay thế TFRnt giảm chậm hơn. Nguyên nhân là do ở các tỉnh miền núi phía Bắc nơi kinh tế kém phát triển, điều kiện chăm sóc sức khoẻ chưa tốt, tuổi thọ thấp, tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi còn cao, phụ nữ vẫn còn tâm lý sinh bù sinh thay thế. Tuy nhiên, việc tích cực trong công tác dân số kế hoạch hoá gia đình sẽ có tác động tích cực làm giảm TFRnt.

Bảng 2: Tổng tỷ suất sinh khu vực nông thôn vùng Bắc Bộ 1999 và 2009

Vùng                           1999                 2009                           Giảm
Tây Bắc                        3,87                 2,49                          1,38
Đông Bắc                      2,43                 2,18                          0,25
TDMNPB                         -                    2,26                            -
Đồng bằng sông Hồng    2,11                 2,14                         -0,03
Bắc Bộ                           -                     2,19                            -
Khu vực nông thôn       2,57               2,14                            0,43
(Nguồn TCTK 2010)

2.3.   Sinh con thứ 3

Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm, trung bình vùng nông thôn Bắc Bộ là 18,6% so với 16,1% của cả nước và cao hơn rất nhiều so với khu vực thành thị (9,3% của cả nước ). Tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp hơn ở nông thôn các tỉnh ĐHSH (16,2%), cao hơn hẳn so với nông thôn các tỉnh Tây Bắc (25,5%) như ở: Lai Châu là 43%, Điện Biên là 37,9%, Sơn La là 33%, Hà Giang là 29,6%. Điều này cho thấy thành quả của chính sách dân số trong thời gian qua nhất là ở các tỉnh đồng bằng. Các nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ sinh con thứ 3 tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn của phụ nữ. Trong khi đó trình độ học vấn của phụ nữ ở khu vực nông thôn thường thấp hơn so với khu vực thành thị. Mối liên hệ này giả thích một phần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong chỉ số tỷ lệ sinh con thứ 3. “Số liệu điều tra 2004 – 2008 cho thấy có tỷ trọng lớn phụ nữ ở thành thị thôi không sinh con sau khi đã có một hoặc 2 con so với phụ nữ nông thôn”. (UNFPA, 2008)

Bảng 3: Tỷ lệ sinh con thứ 3 khu vực nông thôn vùng Bắc Bộ năm 2009

Vùng                                 2009
Tây Bắc                             25,4
Đông Bắc                          19,3
TDMNPB                            20,8
Đồng bằng sông Hồng         16,2
Bắc Bộ                               18,1
Khu vực nông thôn           18,9
(Nguồn TCTK 2010)

Như vậy, Tỷ lệ sinh con thứ của Bắc Bộ thấp hơn so với trung bình của cả nước, và tphân hóa rõ theo vùng. Các tỉnh miền núi, tỷ lệ sinh con thứ 3 còn rất cao.

2.4.   Tỷ số giới tính khi sinh

Tỷ số giới tính khi sinh khu vực nông thôn tăng mạnh và cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.

Nếu như năm 1999 SRBnt của Bắc Bộ và các tiểu vùng còn ở mức bình thường thì đến năm 2009 SRBnt tăng lên tới 10 điểm từ 103,9 năm 1999 lên 113 năm 2009. Các tỉnh vùng ĐBSH tăng 14,4 điểm năm 2009 là 117,1 cao hơn nhiều so với trung bình của cả nước (110,5). Có 17/25 tỉnh có SRBnt tăng, trong đó có 6 tỉnh tăng trên 20 điểm tỷ số giới tính. Cao nhất là Bắc Ninh tăng 38,9, Hưng Yên tăng 25,9 điểm. Các tỉnh ở tiểu vùng Tây Bắc SRBnt dao động không đáng kể, năm 2009 tăng lên 0,6 điểm so với năm 1999. Trong khi đó một số tỉnh trung du và miền núi lại có xu hướng giảm. Điện Biên và Lai Châu giảm hơn 14 điểm, Thái Bình giảm 10,2 điểm, Tuyên Quang giảm 7,5 điểm.

SRBnt phân hóa lớn giữa các tỉnh cao hơn hẳn ở đồng bằng và thấp hơn miền núi. Có 6 tỉnh thuộc tốp 10 tỉnh có SRBnt cao nhất cả nước trong đó có 5 tỉnh thuộc ĐBSH là:Hưng Yên là 133,9 điểm (cao hơn 22 điểm so với con số trung bình của Bắc Bộ 111,5), Hải Dương là 123,4 điểm, Bắc Ninh là 122,9 điểm. Các tỉnh miền núi SRBnt thấp hơn như Bắc Kạn (99,6), Lai Châu (100,8), Điện Biên (101).

Như vậy: Diễn ra hai xu hướng trái chiều: gia tăng SRBnt ở các tỉnh đồng bằng và giảm SRBnt ở các tỉnh miền núi. tăng khoảng cách khác biệt giữa SRBnt.
Nếu so sánh với khu vực thành thị và chung cho các tỉnh của cả nước thì ở các tỉnh đồng bằng SRBnt cao hơn so với khu vực thành thị trong khi đó ở các tỉnh trung du và miền núi SRBnt thấp hơn so với khu vực thành thị. Có thể nói diễn thế của SRB của nông thôn các tỉnh đồng bằng khá tương đồng với khu vực thành thị của các tỉnh miền núi. Nếu thực hiện triệt để chương trình DSKHHGD vì mục tiêu giảm sinh ở các bản vùng cao phía Bắc thì rất có thể SRBnt sẽ tăng lên. Trong khi đó SRBnt của các tỉnh ĐBSH nhiều khả năng sẽ có chiều hướng giảm xuống do các chương trình và chính sách liên quan đến giảm mất cân bằng giới tính khi sinh được áp dụng tại địa bàn.

Bảng 4: Tỷ số giới tính khi sinh khu vực nông thôn vùng Bắc Bộ 1999 và 2009

Vùng                            1999      2009          Tăng
Tây Bắc                      106,7       106,1         -0,6
Đông Bắc                    104,9       108,7          3,8
TDMNPB                     105,4       108            2,6
Đồng bằng sông Hồng  102,7       117,1        14,4
Bắc Bộ                        103,9       113           12,1
Khu vực nông thôn   107,5      110,5         3,0
(Nguồn TCTK 2010)

2.5.   Nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng giảm mức sinh

Nguyên nhân chính của hiện tượng giảm sinh trong thờigian qua là thành quả của thực hiện Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Thực hiện tốt các chương trình này đã có tác động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sinh sản. Trình độ học vấn được nâng cao, ý thức được trách nhiệm nuôi con và gánh nặng nuôi con có chất lượng đến kinh tế của hộ gia đình. Từ đó lựa chọn mô hình gia đình ít con bằng việc sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Trong khi đó chương trình dân số tăng cường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vào các biện pháp tránh thai và phá thai. Vì vậy, việc dễ dàng tiếp cận các biện pháp hỗ trợ quá sình sinh sản giúp các gia đình có số con như ý muốn, từ đó giảm mức sinh chung của vùng.

Theo nghiên cứu của UNFPA năm 2008 cho thấy“có mối liên hệ trực tiếp giữa giảm sinh và tăng tỷ lệ sử dụng các tránh thai (CPR), đặc biệt là các biện pháp tránh thai hiện đại”. Thực tế cũng cho thấy việc cung cấp các dịch vụ tiền sản hiện đại được cải thiện rất nhiều đặc biệt là ở vùng nông thôn. Ngoài ra, còn có các biện pháp giúp phát hiện sớm quá trình thụ thai và phá thai. Trong khi, ở Việt Nam việc nạo phá thai là hợp pháp và có thể thực hiện dễ dàng, các bà mẹ hoàn toàn có khả năng lựa chọn phương pháp này trong trường hợp họ “vỡ kế hoạch”. Đây này là công cụ hữu hiệu giảm CBRnt và tỷ lệ sinh con thứ 3. Điều tra biến động dân số 2004 cho thấy trong 3 năm trước điều tra có 22% phụ nữ mang thai đã phá thai.

Tổng tỷ lệ nạo phá thai của toàn bộ phụ nữ trong thời gian 5 năm trước thời điểm điều tra cho thấy ít có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn. Tỷ lệ này ở ĐBSH chỉ là 0,84 trong khi của vùng núi phía Bắc là 1,35 (NCPFC và ORC Macro 2003:58) (Xem thêm ở UNFPA, Dân số và phát triển tại Việt Nam hướng tới một chiến lược mới 2011 – 2020, 2009, trang 37). Con số này lý giải về xu hướng giảm nhanh CBR và TFR ở nông thôn các tỉnh miền núi.

Sự phân hóa về mức sinh giữa nông thôn các tỉnh đồng bằng và miền núi liên quan đến nhận thức (mà biểu hiện qua chỉ số trình độ học vấn) và mức độ phổ biến chương trình dân số đến người dân. Nhìn chung trình độ học vấn của nữ ở nông thôn miền núi thấp hơn so với nữ ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong khi đó về mặt địa bàn, khu vực miền núi điều kiện đường, trường, trạm còn khó khăn, hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe so với khu vực đồng bằng. Mặt khác, nông thôn miền núi phía Bắc là địa bàn chủ yếu của các dân tộc thiểu số, nhận thức về vấn đề sinh đẻ mặc dù có tăng song vẫn còn thấp. Chính sách dân số dễ dàng áp dụng hơn đối với dân tộc Kinh và các tỉnh đồng bằng. Điều này cũng thể hiện rõ trong tỷ lệ sinh con thứ 3 của ĐHSH.

Thứ hai: Giảm tỷ lệ phụ nữ kết hôn. Tăng tuổi kết hôn trung bình lần đầu
Xu hướng kết hôn cho thấy tăng tuổi kết hôn trung bình lần đầu và tăng tỷ trọng phụ nữ không kết hôn. Tỷ lệ kết hôn kết hôn của phụ nữ có sự khác nhau giữa khu vực thành thị và nông thôn, năm 2009 tuổi kết hôn trung bình lần đầu chênh nhau 1 nhóm tuổi. Tăng tuổi kết hôn trung bình lần đầu đồng nghĩa với giảm thời gian phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, giảm số con trung bình mà một phụ nữ có khả năng sinh trong độ tuổi sinh sản. Đây là một trong nhiều nguyên nhân của hiện tượng giảm mức sinh và sự khác biệt về mức sinh giữa nông thôn đồng bằng và miền núi. Nghiên cứu cho thấy nữ ở nông thôn có xu hướng hết hôn sớm hơn so với ở thành thị điều này liên quan tới trình độ học vấn và vị trí của phụ nữ trong xã hội. Theo xu hướng trong thời gian 5 năm tới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu vẫn tăng lên ở nông thôn, điều này góp phần tích cực vào xu hướng giảm sinh.

Thứ ba: Tâm lý ưa thích con trai
Tâm lý ưa thích con trai đưa đến 2 xu hướng: Hoặc là gia tăng tỷ số giới tính hoặc gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3.

          Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng tỷ số giới tính khi sinh cao là tâm lý ưa thích con trai mà xuất phát từ yếu tố văn hóa, phong tục tập quán phương Đông. Tâm lý sinh con và chính sách giảm sinh cộng hưởng với nhau nâng tỷ số giới tính lên cao. Việc áp dụng các phương pháp hiện đại trong quá trình sinh sản là công cụ thực hiện việc lựa chọn giới tính và việc tiếp cận các phương pháp này một cách dễ dàng trực tiếp đẩy cao tỷ số giới tính khi sinh mà biểu hiện rõ nét ở nông thôn các tỉnh ĐBSH. Trong trường hợp này trình độ học vấn của bà mẹ, và việc thực hiện chính sách giảm sinh có mối quan hệ tỷ lệ thuận với tỷ số giới tính khi sinh. (Xem thêm ở UNFPA, Mất cần bằng giới tính khi sinh. Tổng quan các bằng chứng)

Đối với các cặp vợ chồng ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tiền sản hay các kỹ thuật hiện đại, ít có hiểu biết để lựa chọn giới tính khi sinh thì lựa chọn sinh con thứ 3, thứ 4 là rất phổ biến. Điều này đã được chứng minh ở Việt Nam trước khi thực hiện chính sách dân số nhằm giảm sinh. Như vậy, trong trường hợp này tỷ lệ sinh con thứ 3 tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn của bà mẹ.

Một số phát hiện trong xu hướng giảm sinh ở nông thôn Bắc Bộ.

Xu hướng giảm sinh ở nông thôn Bắc Bộ trong thời gian qua là hiệu quả của chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình. Tác động tích cực này giảm sinh đáng kể nhất là đối với khu vực miền núi. Tuy nhiên, mức sinh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không siết chặt thực hiện chương trình DSKHHGD. Việc mức sinh tăng lên sau khi ban hành Pháp lệnh Dân số năm 2003 và giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em năm 2008 là những minh chứng (Nguyễn Đình Cử, 2011). Ngoài ra, còn phụ thuộc nhiều vào tâm lý sinh con năm đẹp theo quan niệm truyền thống ví dụ năm Quý Múi (2003), năm Nhâm Thìn (2012).

Xu hướng giảm sinh đi kèm với việc gia tăng nhanh SRBnt ở nông thôn các các tỉnh đồng bằng và trung du. Hiện tượng mất cân đối giới tính khi sinh gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng về mặt xã hội khi nhóm trẻ này đến độ tuổi kết hôn. Đối với vấn đề phát triển dân số thì gia tăng SRBnt đồng nghĩa với việc giảm xác suất sinh con gái.

Như vậy, để đảm bảo mức sinh thay thế thì TFR không phải là 2,1 nữa mà phải tăng lên cùng với sự gia tăng tỷ số giới tính[1]. Với các tỉnh có SRBnt cao như Hưng yên thì TFRnt phải là 2,6[2] thì mới đảm bảo số bé gái thay thế bà mẹ sinh ra mình. TFRnt trong thời gian tới còn tiếp tục có xu hướng giảm. Trong khi đó SRBnt vẫn ở mức cao thì số trẻ em gái được sinh ra và sống đến tuổi sinh sản không đủ để thay thế số bà mẹ sinh ra họ. Điều này đồng nghĩa với việc tái sản xuất dân cư theo chiều thu hẹp, tăng mất cân đối cơ cấu dân số theo giới tính của ở các nhóm tuổi và của toàn bộ dân số.

Kết luận

Thứ nhất: Xu hướng giảm sinh trong 10 năm qua ở nông thôn Bắc Bộ nguyên nhân chủ quan là do nhận thức và hành vi sinh đẻ đã được thay đổi. Nguyên nhân khách quan là chính sách dân số trong hạn chế gia tăng dân số của cả nước nói chung và của Bắc Bộ nói riêng. Một mặt Chính sách dân số tạo ra sự thay đổi mang tính tự nguyện trong hành vi sinh sản. Mặt khác Chính sách dân số cũng có những chế tài mang tính ép buộc đối với các gia đình, khiến họ buộc phải thay đổi hành vi sinh sản. Bao gồm cả việc sử dụng các biện pháp tránh thai và nạo phá thai. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại nếu không siết chặt việc thực hiện chính sách giảm sinh.

Thứ hai: Các vấn đề này sinh trong xu hướng giảm sinh của Bắc Bộ bao gồm gia tăng tỷ số giới tính nhất là ở nông thôn đồng bằng yêu cầu hướng vào giảm sinh có chất lượng nhằm tạo nên sự cân bằng trong cơ cấu dân số theo giới tính. Như vậy, chính sách giảm sinh trong thời gian tới đi kèm với giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Việc áp dụng chích sách giảm sinh cần phân hóa theo nhóm dân tộc, quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc đối với các dân tộc có quy mô dân số nhỏ như: Ê  Đu, Brâu, Rơ Răm…


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trịnh Thị Tuyết Dung (2010), Nghiên cứu cơ cấu dân số theo giới tính ở Việt Nam giai đoạn 1999-2009, Luận văn thạc sỹ khoa học địa lý, ĐHSP Hà Nội, Hà Nội.
2. Tống Văn Đường (2007), Giáo trình dân số và phát triển,Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
3. Vũ Tuấn Huy (2011), Một số vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững vùng Bắc Bộ giai đoạn 2011-2020, Tạp chí phát triển bền vững vùng số 1 năm 2011, Hà Nội.
4. Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2009), Những biến đổi gần đây về tỷ số giới tính khi sinh, Hà Nội.
5. Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2007), Thực trạng dân số Việt Nam 2006, Hà Nội.
6.Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2008), Thực trạng dân số Việt Nam năm 2007, Hà Nội.
7. Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2009), Thực trạng dân số Việt Nam năm 2008, Hà Nội
8. Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (2009), Dân số và phát triển tại Việt Nam: Hướng tới một chiến lược mới 2011 – 2020, Hà Nội.
9. Tổng cục thống kê (2001), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 1999, Nxb Thống kê, Hà Nội.
10. Tổng cục thống kê (2001), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 1999- Chuyên khảo về hôn nhân, sinh đẻ, tử vong ở Việt Nam: Mức độ, xu hướng và những khác biệt, Nxb Thống kê, Hà Nội.
11. Tổng cục thống kê (2010), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Nxb Thống kê, Hà Nội.
12. Nguyễn Thiện Trưởng (2004), Dân số và phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
13. http://www.namdinh.gov.vn/Home/danso/chatluongdanso/2011/2729/Chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-Dan-so-va-ke-hoach.aspx


Chú thích 

[1] TFR tính bằng 2,1 trong trường hợp SRB dao động 103 đếm 106 và xác xuất sống của con gái đến độ tuổi bà mẹ sinh ra họ dao động ở 0,9667 đến 0,9857.

[2] Giả định xác suất sống của bé gái đến tuổi của bà mẹ sinh ra họ là 0,9738


Tạp chí PTBV Vùng số 1(3) năm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét