19 thg 3, 2018

Tổng quan các chương trình hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới và ở Việt Nam

TỔNG QUAN CÁC CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG NHẰM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN THẾ GIỚI VÀ Ở VIỆT NAM*
Ths. TTTD

1.     Mở đầu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một vấn đề toàn cầu, được hầu hết các quốc gia quan tâm do tầm ảnh hưởng của nó trên phạm vi toàn thế giới. Trong hai năm trở lại đây, thế giới không ngừng trải qua cực trị về nhiệt độ và các hiện tượng thiên tai bất thường gia tăng một cách đột biến. Năm 2015, tổng lượng phát thải CO2 quy đổi trên toàn thế giới là 34 tỷ tấn[1] vẫn có xu hướng tăng lên. Gia tăng lượng phát thải khí nhà kính có khả năng tăng mực nước biển, tăng nhiệt độ trung bình, và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới.
Năm 1992, Ủy ban liên chính phủ về BĐKH được thành lập nhằm giải quyết các vấn đề về biển đổi khí hậu, tập trung vào việc cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính ở các quốc gia, cũng như  triển khai các chương trình hành động lớn trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, trong các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu còn rất nhiều quan điểm trái ngược nhau, giai đoạn hiện tại không được đồng thuận trên rộng rãi giữa các quốc gia thành viên. Mặc dù biến đổi khí hậu và cắt giảm khí nhà kính đã được đề cập đến từ năm 1992 nhưng cho đến năm 2008 thế giới mới đồng thuận quan điểm cho rằng con người là tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu,và đi đến việc thống nhất thực hiện giai đoạn đầu của Nghị định thư Kyoto từ năm 2008 đến 2012. Cho đến giai đoạn 2 của chương trình 2015-2020, vẫn chưa được chính thức thông qua do chưa đủ các quốc gia ký kết vòng đàm phán Doha. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhận thức và hành vi ủng hộ môi trường cho thấy, có tồn tại khoảng cách do tâm lý ỷ lại, đổ lỗi trách nhiệm giữa các bên tạo nên sự chậm trễ trong hành động dẫn đến thâm hụt thích ứng (IPCC, 2012).
Căn cứ trên những bằng chứng khoa học và cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu các chương trình hành động vì biến đổi khí hậu được thực hiện rộng rãi trên phạm vi toàn cầu cũng như ở cấp độ khu vực và các quốc gia. Việc tổng hợp lại các chương trình hành động ở các cấp độ cho thấy cái nhìn tổng quát về các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là cần thiết để xác định những khoảng còn trống trong các hoạt động trước đó nhất là đối với trường hợp Việt Nam – một quốc gia có tính dễ bị tổn thương cao trước biến đổi khí hậu. Nhận thức là cơ sở, điều kiện đầu tiên để cá nhân xuất hiện ý định hành vi và thực hiện hành vi[2], vì vậy trong phạm vi bài viết sẽ tập trung đến các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về tính cấp bách của biến đổi khí hậu và sự cần thiết của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
2.  Các chương trình về biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam
2.1.         Cơ sở khoa học cho việc thực hiện các chương trình hành động về biến đổi khí hậu trên thế giới
Cơ sở đầu tiên cho những chương trình hành động hay dự án cũng như sự quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu của toàn cầu đó là các bằng chứng và các cơ sở khoa học từ  Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). IPCC được thành lập từ năm 1988 do tổ chức khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tập hợp các nhà khoa học từ nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới. Thông qua nghiên cứu của họ để đưa ra các báo cáo một cách toàn diện về các vấn đề liên quan đến BĐKH và tác động của nó trên lĩnh vực kinh tế xã hội và môi trường, từ đó đưa ra các chiến lược ứng phó. Chính các báo cáo của IPCC là cơ sở cho việc hình thành UNFCCC. Các báo cáo thường xuyên của IPCC trên 3 nhóm lĩnh vực[3]: cơ sở khoa học vật lý; tác động, thích ừng và tính dễ bị tổn thương; giảm nhẹ biến đổi khí hậu và các nhiệm vụ về kiểm kê khí nhà kính các quốc gia giúp thế giới nhận dạng rõ hơn các vấn đề về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đến hoạt động của con người. Mặc dù, có nhiều ý kiến phê bình về các báo cáo của IPCC về các dự báo nhưng các báo cáo IPCC có vai trò quan trọng trong việc thực hiện đàm phán các bên tham gia cũng như mở ra các chương trình hành động cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia. Ngoài ra, để cung cấp luận chứng, luận cứ cho việc chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới còn có chương trình nghiên cứu của các tổ chức lớn như WMO (tổ chức khí tượng thế giới) với chương trình nghiên cứu toàn cầu về biến đổi khí hậu, tính dễ bị tổn thương, tác động và thích ứng (PRO-VIA[4]), chương trình nghiên cứu của các quốc gia Hoa Kỳ (chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu của chính phủ Hoa Kỳ -CCSP).
2.2.         Khung pháp lý cho việc thực hiện
Vấn đề biến đổi khí hậu được đề cập trên cấp độ toàn cầu lần đầu tiên trong khung công ước liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1992. Mục tiêu chính của khung là “ổn định nồng độ các khí nhà kích trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được những tác động nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu”. Công ước này không mang tính pháp lý đối với các bên tham gia mà chỉ mang tính chất là một công cụ để các bên đàm phán các cam kết trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Tiếp sau đó, các quốc gia tham gia khung thành lập ủy ban đàm phán liên chính phủ về công ước khung vào năm 1994. Sau đó, từ năm 1995 hội nghị các bên tham gia (COP) được tổ chức hàng năm để đánh giá các vấn đề về biến đổi khí hậu. Nhưng chỉ từ năm 1997 sau Nghị định thư Kyoto được kí kết, mới tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều tham gia, mà ngược lại các quốc gia đóng góp nhiều vào lượng phát thải khí nhà kính lại từ trối kí kết hiệp định. Đến năm 2012 có 192 bên tham gia[5] kí kết vào Nghị định thư giai đoạn 2008-2012. Tuy nhiên, sau vòng đàm phàn Doha cho đến nay chỉ có 66 quốc gia chấp nhận sửa đổi Doha trong khi có vòng đàm phàn này yêu cầu tồi thiểu có 144 quốc gia chấp nhận mới có hiệu lực. Một điều đáng chú ý khác là các quốc gia có lượng phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ … đều không tham gia vào Nghị định thư. Đối với vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu thì đây là cản trở lớn cho việc tiến hành các hoạt động ứng phó.
2.3.         Một số chương trình hành động lớn trên thế giới
·        Cấp độ toàn cầu
Các chương trình hành động BĐKH mang tính toàn cầu. Về mặt thể chế, biến đổi khí hậu được qua trong chính sách của các quốc gia tham gia nghị định thư Kyoto và các kí kết đàm phán về việc cam kết mức cắt giảm khí nhà kính. Đối với mỗi nhóm quốc gia khác nhau có các hoạt động ứng phó khác nhau phù hợp với mức đóng góp phát thải cho vấn đề biển đổi khí hậu toàn cầu. Sau Hội nghị các bên COP16 tại Dubai năm 2010, khung thích ứng CAF được thông qua, các quốc gia thực hiện các nội dung và chương trình hành động. Cho đến COP17 các quốc gia có nhiều nỗ lực hơn trong việc thực hiện cam kết. Theo đó, ở cấp độ toàn cầu, UNFCCC thành lập quỹ khí hậu xanh (GCF) tạo vốn cho việc hỗ trợ hoạt động thích ứng và giảm thiểu ở các quốc gia. Đối với các nước đang phát triển thực hiện chương trình đành động thích ứng (NAPAS) và đối với các nước kém phát triển thực hiện các hoạt động thích ứng quốc gia (NAP).
Ở cấp độ toàn cầu, các chương trình hành động về biến đổi khí hậu đặc biệt chú ý đến thanh niên, những người chủ tương lai và cũng là những người có nhiều khả năng bị ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu trong tương lai. Có rất nhiều các chương trình được thực hiện bởi các tổ chức lớn trên thế giới như UNEP, WB, OECD, OTFRAM, UNESCO … hoặc sự phối hợp giữa các NGOs toàn cầu hoặc từ Chính phủ của các quốc gia phát triển. Phần nhiều là các hoạt động nhằm tăng cường năng lực thích ứng và đầu tư nghiên cứu cho khoa học công nghệ tái chế, giảm phát thải. Có một số các chương trình truyền thông lớn nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi lối sống, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.  Các chương trình lớn ở cấp độ toàn cầu có thể kể đến bao gồm: Thanh niên và biến đổi khí hậu (Youth & Climate) được tài trợ chính bởi UNICEF và chính phủ Hà Lan; Sáng kiến kết nối vì khí hậu (connect4climate[6]) ; chương trình nền tảng sáng kiến khí hậu (CIP[7]) (UNEP, UNEP DTU, NORDEN tài trợ); và Chương trình hành động vì khí hậu[8] (UNEP thực hiện); Chương trình giáo dục biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững[9] (UNESCO).
Chương trình “thanh niên và thay đổi lối sống trong điều kiện với BĐKH” được tài trợ bởi UNESCO và UNEP và ra sách hướng dẫn này nằm trong một loạt các hoạt động bao gồm cả phim về biến đổi khí hậu để nâng cao nhận thức mà quan trọng hơn đó là thực sự chuyển nhận thức thành hành vi ở những người trẻ tuổi. Tập trung vào đối tượng thanh niên có độ tuổi từ 15 đến 24, giảng viên và các nhà lãnh đạo trẻ. Chương trình thực hiện với các đối tác ở 54 quốc gia trên thế giới. Các hoạt động của Chương trình này được triển khai ở cấp độ quốc gia, và cấp độ địa phương. Các chủ đề hướng đến bao gồm: tiêu thụ bền vững, lối sống, giảm chất thải, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, mua sắm thông minh và chịu trách nhiệm (UNEP & UNESCO, 2001).
Chương trình “giáo dục biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững” được thực biện bởi UNESCO nhằm giúp mọi người hiểu được tác động của biến đổi khí hậu đang càng ngày càng lớn. Chương trình truyền thông bằng cách tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên trong việc tích hợp nội dung biến đổi khí hậu trong giảng dậy.
Chiến dịch liên kết vì khí hậu (Connect4climate hay C4C) được đưa ra bởi Ngân hàng thế giới và Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) với sự tham gia của các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự khác. Đây là chương trình hợp tác toàn cầu dành riêng cho truyền thông về biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động cụ thể bao gồm: các cuộc thi, sự kiện và sáng kiến chia sẻ kinh nghiệm về biến đổi khí hậu: cạnh tranh Châu Phi 2011-Durban COP17; liên kết vì khí hậu: công nghệ, sáng tạo và hành động – 28/06/2012; tiếng nói đấu tranh cho khí hậu 2012; đấu tranh TerrAfrica Podcast; Quyền ở đây, quyền ngay bây giờ 1/3/2013; cạnh tranh Tôi thay đổi; đối thoại Alcantara Nghĩ lại, thiết kế lại, tin tức lại; xây dựng sự thay đổi cho thành phố sinh thái 2013; giám hộ biến đổi khí hậu Hub; hội thảo thay đổi; khí hậu; hành động cho khí hậu Bracelet; thể thao cho khí hậu. Ngoài ra, chiến dịch kết nối vì biến đổi khí hậu còn phổ rộng trong 8 nhóm chủ đề khác nhau mà giới trẻ quan tâm: Thời trang vì khí hậu – Fashion4climate; phim vì khí hậu – Film4climate; âm nhạc vì khí hậu- music4climate. Ngoài ra, còn có các nhóm tạo sử đổi mối thực sự của thanh niên như: đổi mới vì khí hâu – innovation4climate; Nhà lãnh đạo vì khí hậu – leaders4climate; and thanh niên và khí hậu – youth4climate. Các chương trình này thực hiện việc vận động, hỗ trợ hoạt động, nghiên cứu và xây dựng năng lực. Thu hút sự tham gia của các bên tạo ra một cộng đồng toàn cầu quan tâm đến biến đổi khí hậu và có hành động cụ thể đổi với vấn đề này.
Các hoạt động và chương trình BĐKH này được truyền thông rộng rãi và được nhiều lượt theo dõi thông qua các trang mạng xã hội lớn trên thế giới như facebook, twitter, Youtube, Instagram, Google cộng, Vimeo ... Chưa có báo cáo đánh giá về hiệu quả của các hoạt động của các chương trình biến đổi khí hậu nhưng chắc chắn nó mang lại sự truyền thông về biến đổi khí hậu rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, theo dõi trên các mạng xã hội lớn cho thấy lượng theo dõi các trang này rất nhỏ so với những trang thông tin khác[10]. Ví dụ lượng theo dõi trang connect4climate trên các ứng dụng Facebook[11] là trên 588 nghìn người theo dõi[12] (chỉ bằng 10% số thanh niên sử dụng facebook[13]), trên Twitter[14] là 187 nghìn người theo dõi, trên Instagram[15] là hơn 3,6 nghìn người theo dõi, trên Google+[16] là 43 người theo dõi (với 53 nghìn lượt xem), trên Youtube[17] là 617 người đăng kí theo dõi. Điều này là một dấu hiệu cho thấy sự lan tỏa và mức ảnh hưởng của chương trình này chưa cao. Đối tượng mục tiêu của các chương trình này chưa có nhiều sự quan tâm cho các hoạt động cho vì biến đổi khí hậu.
·        Chương trình hành động ở cấp độ khu vực
Ở cấp độ khu vực phân theo khu vực của các quốc gia trên thế giới các chương trình hoạt động chủ yếu là hỗ trợ cho các nghiên cứu và các chương trình hành động. Tính từ 1987 đến 2016, chỉ riêng WB đã đầu tư tổng cộng 335 dự án về biến đổi khí hậu chiếm 40,2% tổng tất cả các dự án mà WB đã đầu tư. Trong số đó, hiện có 128 dự án về biến đổi khí hậu đang thực hiện chiếm 38,2% tổng dự án được đầu tư cho đến nay. Các chương trình dự án cũng tập trung nhiều hơn tại các khu vực địa lý có mức độ tổn thương cao trước biến đổi khí hậu ví dụ Đông Á Thái Bình Dương. Khu vực này chiếm 28,4% tổng số dự án được WB đầu tư trong 30 năm qua. Về lĩnh vực đầu tư của WB, chủ yếu là các dự án về nguồn năng lượng tái tạo. Trong giai đoạn từ 2015 hình thành nhóm ngân hàng thế giới (WBG) tiếp tục thực hiện các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu. WBG hoạt động dưới kế hoạch hành động vì biến đổi khí hậu tập trung vào 4 nội dung chính cho đến năm 2020 là: Hỗ trợ chuyển hóa về thể chế và chính sách; đòn bẩy nguồn lực; tăng cường hoạt động khí hậu: quá trình lập lại trật tự nội bộ và làm việc cùng với các bên khác. Tất cả những hỗ trợ này nhằm mục tiêu: thực hiện, hội tụ, ảnh hưởng lớn nhất, ứng phó, chuyển hóa (WBG, 2016).
2.4.         Chương trình và kế hoạch hàng động ở Việt Nam
Ở Việt Nam, một thời gian dài từ sau Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc, từ khóa “biến đổi khí hậu” được đề cập đến trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, cho đến năm 2005 có Chỉ thị 35 về việc thực hiện nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu và đến năm 2011 có quyết định chính thức phê duyệt Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu. Từ đó đến nay đã có 202 văn bản được cơ quan TW ban hành liên quan đến biến đổi khí hậu. Năm 2011 Việt Nam phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Đến năm 2013 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020.
Trong giai đoạn 2012-2015 Việt Nam đã phê duyệt 10 chương trình ưu tiên: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2015; Chương trình khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu; Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn đến năm 2020; Chương trình đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình đồng bằng sông Hồng về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu;  Đề án kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính và quản lý các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;  Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cho các đô thị lớn của Việt Nam, ưu tiên thực hiện các dự án chống ngập úng các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ; Chương trình nâng cấp và cải tạo hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, đê sông hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình và các sông khu vực Bắc Trung Bộ theo chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Đề án nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các đảo dân sinh ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Đề án xây dựng thí điểm mô hình cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Sau đó là Quyết định 1183 phê duyệt Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2015 do Bộ tài nguyên và Môi trường làm cơ quan chủ quản. Nội dung Chương trình có đề cập đến vấn đề xây dựng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm các nhiệm vụ xây dựng mô hình, nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục đào tạo và nâng cao nhận thức để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có đề cập đến nhiệm vụ cụ thể đặt ra đối với lối sống và biến đổi khí hậu là “Tăng cường ý thức, trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng trong phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng lối sống, mẫu hình tiêu thụ thân thiện với khí hậu cho mọi thành viên của cộng đồng; khuyến khích, nhân rộng các điển hình tốt trong ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Ở cấp các cơ quan Bộ và ngang Bộ, từ năm 2010 đến tháng 06/2016 đã có 8 Bộ ban hành Kế hoạch hành động: Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ khoa học và công nghệ. Đến tháng 6/2014 đã có 61/63 tỉnh thành cũng đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của cấp tỉnh (Bảo Minh, 2014). Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học có 16 nhiệm vụ đã được thực hiện thuộc Chương trình khoa học công nghệ phục vụ cho Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nội dung thực hiện cho đến nay chủ yếu dừng lại ở mức nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng, chưa thấy hoạt động nào hướng đến xây dựng hay thay đổi lối sống theo theo mô hình tiêu thụ thân thiện với môi trường và khí hậu.
Trong lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trước hết cho cán bộ trong ngành giáo dục, thế hệ trẻ và các đối tượng khác ngoài trường học. Bộ giáo dục thực hiện đề án “Thông tin, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học giai đoạn 2013-2020”.  Mục tiêu đến năm 2015 bảo: 80% cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục và cấp quản lí giáo dục được nâng cao nhận thức và kĩ năng thông tin, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; 80% trẻ em các trường mẫu giáo và học sinh, sinh viên các trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học được tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, kĩ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai (nhất là các hiện tượng thời tiết bất thường) ở địa phương; 50% cha mẹ học sinh trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và 30% cộng đồng dân cư thuộc địa bàn của trường được Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai (Bộ giáo dục và đào tạo, 2014). Trong nhiệm vụ có thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng kiến thức, thái độ, thực hành và nhu cầu của trẻ em, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên về công tác thông tin, tuyên truyền về ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học.
3.     Tiểu kết
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu được sự đồng thuận giữa các bên. Đổ lỗi trách nhiệm và tâm lý ỷ lại giữa các quốc gia làm chậm lại tiến trình ứng phó và tăng cường thâm hụt thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần sự chung tay của tất cả các bên trong giải quyết vấn đề, trước tiên đó là truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển thành những hành động cụ thể vì biến đổi khí hậu.
Các chương trình về  biến đổi khí hậu là rất đa dạng. Các nghiên cứu khoa học đặt cơ sở cho các Hội nghị mang tầm quốc tế và các Chương trình hành động đi cùng. Giai đoạn đầu, tập trung vào nghiên cứu khoa học và công nghệ dành cho thích ứng. Các hoạt động thích ứng và giảm thiểu được thực hiện nhiều hơn ở các quốc gia có mức độ tổn thương cao và ít có điều kiện để tự ứng phó với mức kinh phí không nhỏ từ các tổ chức quốc tế. Các chương trình hành động trong lĩnh vực truyền thông mới chỉ được tập trung vào trong mấy năm trở lại đây, tập trung vào đúng đối tượng – thanh niên, nhưng số lượng chưa nhiều. Hiệu quả lan tỏa của các chương trình hành động vì biến đổi khí hậu trên mạng xã hội chưa lớn.
Các Chương trình hàng động ở Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và thực thi, chưa có báo cáo đánh giá thực hiện. Chủ yếu là các nghiên cứu về các vấn đề chung của biến đổi khí hậu và các kịch bản biến đổi khí hậu trên phạm vi lãnh thổ bao gồm các chương trình quốc gia và hợp tác với các tổ chức trên thế giới. Nghiên cứu về nhận thức, thái độ, hành vi, nhu cầu thông tin và việc lựa chọn lối sống chỉ khuôn hẹp trong nhóm đối tượng ưu tiên, chủ thể của tương lai. Chương trình tiếp theo nên tập trung vào các hành động cụ thể, hướng đến mục tiêu thay đổi của các bên liên quan.
Tài liệu tham khảo
1.     Bảo Minh, 2014, 61 tỉnh đã hoàn thành Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, http://www.dmhcc.gov.vn/tin-tuc/2288/61-tinh-hoan-thanh-Ke-hoach-hanh-dong--ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau.html
2.     Bộ giáo dục và đào tạo, 2014, Quyết định 329/QĐ-BGDĐT  phê quyệt đề án “Thông tin, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học giai đoạn 2013-2020” http://www.moet.gov.vn/?page=6.4&view=5563&opt=brpage
3.     IPCC, (2012), Managing the risks of extreme events and disasters to advance climate change adaptation, https://www.ipcc.ch/pdf/special-reports/srex/SREX_FD_SPM_final.pdf
4.     Lê Tuấn Anh, 2009, Tổng quan về nghiên cứu biến đổi khí hậu và các hoạt động thích ứng ở miền Nam Việt Nam, Hội thảo “Cùng nỗ lực để thích ứng biến đổi khí hậu”, Thừa Thiên Huế, 11-13/05/2009. 10 trang.
5.     Thủ tướng Chính phủ , 2011, Quyết định 2139/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khi hậu.
6.     Thủ tướng Chính phủ, 2005,  Chỉ thị 35/2005/CT-TTg thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
7.     Thủ tướng chính phủ, 2011, Quyết định 2139/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khi hậu.
8.     Trịnh Thị Tuyết Dung, 2015, Mối quan hệ giữa lối sống và biến đổi khí hậu, Tạp chí phát triển bền vững Vùng, số 5(4), tr. 68-78.
 ..........................................................................................
*: Bài tham luận viết gửi cho ND Môi trường và biến đổi khí hậu của Hội thảo “Việt Nam sau 30 năm đổi mới dưới góc nhìn của tuổi trẻ khối cơ quan Trung ương”Bài này sau đó không được đăng trong kỷ yếu hội thảo nên được xuất bản đầu tiên trên blog cá nhân của tác giả. 






[1] http://www.statista.com/statistics/205966/world-carbon-dioxide-emissions-by-region/
[2] Xem thêm trong lý thuyết hành vi kế hoạch của Ajzen, 1991,
[3] Xem thêm trong IPCC factsheets-What is the IPCC https://www.ipcc.ch/news_and_events/docs/factsheets/FS_what_ipcc.pdf
[4] Xem thêm trong  http://www.wmo.int/pages/prog/wcp/
[5] 7 .a Kyoto Protocol to the United Nations Framework Convention on Climate Change". UN Treaty Database. Retrieved 27 November 2014.
[10] Tính lượt theo dõi đến thời điểm ngày 29/07/2016
[11] Xem thêm trong https://www.facebook.com/Connect4Climate/?fref=ts
[12] Mức theo dõi trang này chỉ ở mức thấp nhất trong 5 nhóm các trang được xếp hạng trên các trang của facebook. Xem thêm trên http://www.adweek.com/socialtimes/infographic-quintly-average-like-totals-pages-february-2015/617303
[13] Có 27,9% người dùng facebook trong độ tuổi từ 25-34 trong tổng số 1,7 tỷ ngườ dùng facebook. Xem thêm trong https://zephoria.com/top-15-valuable-facebook-statistics/
[14] Xem thêm trên https://twitter.com/connect4climate
[15] Xem thêm trên https://www.instagram.com/connect4climate/
[16] Xem thêm trên https://plus.google.com/u/0/105576094263365204611/videos
[17] Xem thêm trên https://www.youtube.com/user/Connect4Climate

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét