7 thg 12, 2016

Tiêu dùng xanh: Khái niệm, cách tiếp cận và các nguyên tắc








Tóm tắt

Vấn đề ô nhiễm môi trường và suy giảm nguồn tài nguyên từ nửa sau thế kỷ XX đã đặt ra các vấn đề đảm bảo môi trường trong quá trình phát triển kinh tế. Đây cũng là cơ sở cho việc xuất hiện các khái niệm về tiêu dùng xanh và phát triển bền vững, mục tiêu nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải và đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ. Có nhiều cách tiếp cận các khái niệm, và cũng có sự chồng lần trong việc sử dụng các khái niệm về tiêu dùng xanh. Vì vậy, bài viết tổng quan lịch sử phát triển khái niệm về tiêu dùng xanh, trong mối quan hệ với các khái niệm tiêu dùng bền vững và phát triển bền vững, để làm rõ khái niệm về tiêu dùng xanh, làm cơ sở cho các nghiên cứu sâu hơn.





Sinh thái công nghiệp với phát triển bền vững Vùng


Sinh thái học công nghiệp với phát triển bền vững Vùng





31 thg 5, 2016

MỐI QUAN HỆ GIỮA LỐI SỐNG VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

              

 TTTD



Tóm tắt:
Lối sống của con người trong thời đại hiện hay cùng với quá trình khai thác, tiêu thụ và phát thải lớn các chất thải đã có những tác động lớn đến môi trường, từ đó gián tiếp dẫn đến gia tăng các hiện tượng của biến đổi khí hậu. Bài viết nhằm làm rõ mối quan hệ giữa lối ống và biến đổi khí hậu bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp thông sống thông qua việc tổng quan các nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy: lối sống và biến đổi khí hậu có mối quan hệ gián tiếp với nhau; tồn tại khoảng cách giữa nhận thức về ảnh hưởng tiêu cực của lối sống đến BĐKH và thay đổi hành vi; tâm lý ỷ lại và đổ lỗi trách nhiệm giữa các bên khiến cho các nỗ lực trong ứng phó với BĐKH còn hạn chế. Đối với trường hợp Việt Nam cần có thêm các nghiên cứu để làm rõ một số vấn đề liên quan đến sự sẵn sàng thay đổi lối sống và ảnh hưởng của truyền thông về biến đổi khí hậu đến việc thay đổi lối sống.

Từ khóa: biến đổi khí hậu, lối sống.

1.      Đặt vấn đề

Trên thế giới, biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ rệt, các chiến dịch ứng phó với biến đổi khí hậu đang nhằm đến việc thay đổi hành vi cụ thể trong lối sống của mỗi người. Điều này xuất phát từ việc lối ứng xử với môi trường tự nhiên thông qua hoạt động sống của con người trong thời đại công nghệ cùng với phương thức tiêu dùng và phát thải lớn đã và đang ảnh hưởng ngày càng tiêu cực đến khả năng tự cân bằng của thiên nhiên, góp phần tích cực làm gia tăng các nhân tố có tác động thúc đẩy tăng phát thải cacbonic, hiệu ứng nhà kính, ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trên thực tế, các nỗ lực hành động cho việc thực hành lối sống bền vững, có lợi cho môi trường gặp phải nhiều thách thức. Vì vậy, từ tất cả các lý do trên về những biểu hiện ngày càng có xu hướng gia tăng của biến đổi khí hậu và khả năng có thể giảm thiểu thông qua thay đổi lối sống cá nhân dưới góc độ văn hóa, bài viết nhằm làm rõ mối quan hệ giữa lối sống và biến đổi khí hậu, xác định những nguyên nhân lối sống chưa phù hợp thông qua các nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm, gợi ý những hướng nghiên cứu cho Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững giữa các thế hệ.

2.      Một số khái niệm
2.1.   Lối sống
Thuật ngữ lối sống được xuất hiện đầu tiên trong hội học Anh lối sống (lifestyle) thường được dùng trong những tranh luận về bản chất của cơ cấu giai cấp nước Anh. Trong một ngữ cảnh nào đó được sử dụng để nói về cách thức sống giữa thành thị và nông thôn. Các tác giả ở Việt Nam cũng có nhiều quan niệm khác nhau về thuật ngữ này. Tuy nhiên, tác giả quan niệm lối sống theo Giang Thanh Huyền (2011) với các biểu hiện của nó trên 3 khía cạnh: i) lối sống là một dạng hoạt động sống của con người; ii) hoạt động sống của con người phụ thuộc chặt chẽ và phương thức sản xuất và điều kiện sống của con người; iii, lối sống thể hiện đặc trưng riêng của từng cộng đồng người. Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả quan niệm lối sống gắn với hành vi cụ thể trong đời sống và trong hoạt động sản xuất bao gồm lối tiêu thụ và lối sản xuất kinh doanh, phân tích dưới góc độ văn hóa tác giả xem xét nhận thức về giá trị của vấn đề biến đổi khí hậu trong các bậc thang giá trị.

2.2.   Biến đổi khí hậu
Có 2 quan điểm lớn gây tranh cãi về BĐKH là quan điểm của UNFCCC và của IPCC. Trong đó định nghĩa của UNFCCC loại bỏ sự thay đổi của tự nhiên còn định nghĩa của IPCC bao hàm cả nguyên nhân từ tự nhiên và cả nguyên nhân từ con người. Theo IPCC BĐKH thể hiện bằng sự thay đổi trạng thái khí hậu, được xác đinh bởi những giá trị trung bình hoặc sự thay đổi về thuộc tính của nó trong thời gian dài trong vài thập kỷ hoặc lâu hơn. Nguyên nhân của việc thay đổi thành phần khí quyển và trong sử dụng đất được xác định là do quy trình tự nhiên bên trong hoặc bên ngoài, hoặc do con người tạo ra (IPCC, 2007). Định nghĩa này nói rõ hơn về biểu hiện BĐKH, đó chính là việc thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu mà nguyên nhân của nó chủ yếu do sự gia tăng các khí thải gây hiệu ứng nhà kính được quy đổi về hàm lượng CO2 trong không khí. Điều này dẫn đến sự thay đổi một loạt các quá trình khác trong tự nhiên dẫn đến là các biến đổi khí hậu và tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và tăng mực nước biển.

3.      Mối quan hệ gián tiếp giữa lối sống và biến đổi khí hậu
Lối sống và BĐKH có mối liên hệ với nhau nhưng đó không phải là mối liên hệ trực tiếp mà là một liên hệ gián tiếp khá phức tạp, mất nhiều thời gian để giới khoa học xác nhận mối liên hệ giữa 2 vấn đề này.

Một mặt, lối sống thể hiện rõ nhất trong lối sản xuất, lối kinh doanh, lối tiêu dùng với các hành vi cụ thể trong đời sống hàng ngày và trong sản xuất đó chính là hành vi khai thác tài nguyên (khai tác khoáng sản, khai thác tài nguyên động thực vật, khai thác thủy năng …), sử dụng tài nguyên (sử dụng nước, sử dụng khoáng sản trong ngày công nghiệp…) và phát thải rác thải ra môi trường. Tất cả các hành vi trên có ảnh hưởng đến môi trường địa lí xung quanh. Theo các nghiên cứu thì để môi trường tiêu thụ hết rác thải mà con người xả trong 1 năm (tính toán cho năm 2002) cần phải mất 1 năm 2 tháng (Jan J. Boersema and Lucas Reijnders, 2008). Như vậy, hoạt động của con người trên trái đất đang vượt quá xa khả năng chịu tải của môi trường tự nhiên. Sự gia tăng một cách đột ngột lượng khí trơ như CO2 và một số khí oxit ni tơ khác dẫn đến hiện tượng hiệu ứng nhà kính, tăng quá trình giữ nhiệt trong khí quyển trái đất. Đây là nguyên nhân chính của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mặt khác theo duy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ trái đất, việc thay đổi cấu trúc thành phần khí quyển dẫn đến thay đổi vòng tuần hoàn nhiệt và vòng tuần hoàn ẩm là 2 vòng tuần hoàn cơ bản và quan trọng trên trái đất. Tiếp theo nó dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ khí quyển trung bình và thay đổi lượng mưa theo không gian và thời gian. Đây là 2 biểu hiện cụ thể của hiện tượng của BĐKH, kèm theo đó là sự thay đổi về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Như vậy, việc gia tăng thành phần các khí trơ mà chủ yếu là CO2 được coi là nguyên nhân dẫn đến BĐKH trên toàn cầu. Mối quan hệ giữa lối sống và BĐKH được thể hiện thông qua việc tăng phát thải CO2 nói chung[1] trong khí quyển.

Mặc khác, dưới những tác động từ các hiện tượng của BĐKH con người buộc phải thay đổi lối sống cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Cùng với nó, khi nhận thức được vấn đề của BĐKH và nguyên nhân của nó, con người xây dựng các trường trình hành động nhằm ứng phó với BĐKH về thực chất là các hoạt động nhằm thích ứng với điều kiện của BĐKH và các hoạt động giảm thiểu phát thải. Các hoạt động thích ứng hay giảm thiểu thể hiện rõ sự thay đổi của lối sống do BĐKH đặc biệt là trong lối tiêu dùng của cá nhân và cộng đồng.

3.1.   Lối sống ảnh hưởng gián tiếp đến các hiện tượng biến đổi khí hậu
Lối sống có mối quan hệ tác động gián tiếp đến BĐKH hai chiều thông qua hành vi phát thải rác thải. Trước hết là các hành vi phát thải và khai thác tài nguyên quá mức dẫn đến sự gia tăng nhanh thành phần các khí gây hiệu ứng nhà kính. Tiếp theo là nhóm hành vi tích cực giúp giảm phát thải, giảm lượng khí CO2 trong khí quyển.

Phương thức tiêu dùng
Phương thức tiêu dùng có mối liên hệ với BĐKH thông qua các hành vi tiêu dùng và phát thải. Cụ thể là trong việc lựa chọn sản phẩm cho các nhu cầu thiết yếu, quá trình thực hành sử dụng, và việc phát thải rác thải.

Thứ nhất: việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng có ảnh hưởng đến chiến lược sản phẩm của các công ty và doanh nghiệp. Ngoài ra, nó còn góp phần giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các cam kết và xử lý rác thải ra môi trường. Điều này phụ thuộc lớn vào số người tiêu dùng có đạo đức trong hành vi tiêu dùng của bản thân và có hành vi tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường thông qua việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, khi nào sức mạnh của việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và bao nhiêu phần trăm người tiêu dùng sẵn sàng bỏ lựa chọn sản phẩm của một doanh nghiệp không có cam kết giảm phát thải thì có thể tạo nên sức ép khiến doanh nghiệp phải có hành động cụ thể cho vấn đề về môi trường.

Thứ hai: Quá trình thực hành sử dụng sản phẩm mà cụ thể là: các hành vi sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; và giảm phát thải khí nhà kính ở mức tối đa. Hành động thiết thực này của cá nhân trong cộng đồng cùng với nỗ lực của doanh nghiệp và chính phủ trong giảm phát thải là rất thực tế để hạn chế các biểu hiện của BĐKH. Liên quan tới vấn đề này, Defra (2013) đưa ra khung lối sống bền vững, với một số hành vi quan trọng cho lối sống bền vững được chia thành 9 nhóm hành động và các nhóm này được chia ra làm 30 hành vi được gọi là quan trọng trên cơ sở các bằng chứng về tác động bền vững được nhóm thành 3 nhóm hành vi: hành vi tiêu đề, hành vi chính và tiểu hành vi… Hành động này không chỉ hướng vào hành vi cá nhân mà bao hàm cả những hành động của doanh nghiệp và chính phủ mang tính bao quát.

Tóm lại, nhu cầu tiêu dùng và sử dụng hàng hóa dịch vụ trong đời sống của con người đều có nguy cơ làm gia tăng phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy sự gia tăng biểu hiện của các hiện tượng biến đổi khí hậu. Tiêu dùng cá nhân luôn gắn với việc thỏa mãn nhu cầu người sử dụng như tiện lợi của hàng hóa, dịch vụ, và chi phí. Riêng đối với vấn về chi phí cho việc sử dụng hàng hóa dịch vụ còn phụ thuộc vào khả năng tài chính. Những người giầu có nhiều điều kiện để sử dụng các hàng hóa dịch vụ hơn, nhưng cũng là những người có khả năng để sử dụng hàng hóa có công nghệ cao giúp tiết kiệm phát thải tài nguyên. Trong khi đó, nhóm có thu nhập thấp ít có điều kiện để tiêu dùng và cũng bị hạn chế trong việc lựa chọn sản phẩm công nghệ cao. Một vấn đề quan trọng đó là quá trình sử dụng sản phẩm hàng hóa và việc phát thải sau quá trình sử dụng.

Phương thức kinh doanh
Tương tự như trong phương thức tiêu dùng, các hoạt động sản xuất và kinh doanh tham gia vào việc: sử dụng tài nguyên thiên nhiên, năng lượng; phát thải rác thải và khí nhà kính vào môi trường.
Thứ nhất: các ngành kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất hàng hóa phát thải lượng lớn khí nhà kính ra môi trường. Theo IPCC[2] (2014), riêng ngành công nghiệp[3] và khu vực sản xuất nhiệt và điện năng năm 2010 phát thải khoảng 50% lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, lượng điện năng này phục vụ phần lớn nhu cầu tiêu thụ của ngành công nghiệp và xây dựng. Vì thế, nếu tính tổng lượng phát thải của công nghiệp và xây dựng còn bao gồm cả phần phát thải do ngành sản xuất năng lượng để cung cấp cho 2 ngành trên thì con số cao hơn rất nhiều. Lúc này, ngành công nghiệp đóng góp 32%, và xây dựng đóng góp 18,4% lượng phát thải khí CO2 toàn cầu. 

Thứ 2: các doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả nguồn năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp, hoặc do sử dụng các công nghệ cũ với lượng phát thải lớn ra môi trường. Cái quan trọng hơn đó là việc phát thải không đáp ứng các tiêu chuẩn phát thải ra môi trường tức chất thải không qua xử lý khí thải hoặc xử lý nhưng các thông số vẫn còn cao.

Tóm lại, các ngành kinh tế đóng góp lớn vào việc phát thải CO2 ra môi trường. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của hoạt động của các doanh nghiệp, nhà sản xuất là hướng đến đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng là có thể thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo hướng có lợi cho môi trường.

3.2.   Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến lối sống

Ngược lại BĐKH cũng có tác dụng đối với lối sống tiêu dùng, sản suất và kinh doanh thông qua ảnh hưởng lan truyền trong toàn bộ môi trường địa lý bao xung quanh con người. Những biểu hiện cụ thể của biến đổi khí hậu đó là sự gia tăng nhiệt độ, mực nước biển và thay đổi về tần suất cũng như cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Bão, lũ lụt, sương muối, mưa đá …
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thể hiện trước hết trong thay đổi ở nhận thức của con người về vấn đề BĐKH tiếp theo nữa đó là những hành động cụ thể để ứng phó với BĐKH với 2 hoạt động chính là giảm thiểu và thích ứng. Trước năm 2007 thế giới còn hoài nghi về sự tồn tại của biến đổi khí hậu và nguyên nhân của nó, nhưng từ sau các báo cáo của IPCC, giới khoa học đã có đồng thuận cao về sự tồn tại cũng như nguyên nhân của nó.

Báo cáo của IPCC về BĐKH đã tóm gọn những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động của con người. Các phương án mực nước biển tăng và các giả định khác về sự thay đổi nhiệt độ đưa ra những dự báo về ảnh hưởng của BĐKH trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù không đưa ra được ngưỡng rõ ràng để xác định đâu là mức “nguy hiểm” hay “an toàn” nhưng BĐKH và những ảnh hưởng của nó là vô cùng to lớn. BĐKH sẽ ảnh hưởng đến một loạt các quá trình nối tiếp nhau bao gồm các vấn đề trọng yếu là: sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực; khủng hoảng nước và tình trạng bất an ninh về nước; nước biển dâng và nguy cơ thiên tai; các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; sức khỏe con người. Thông qua 5 cơ chế này mà BĐKH có thể đẩy lùi cả quá trình phát triển của con người nếu nhiệt độ độ dự báo tăng 20C (UNDP, 2008). Rõ ràng BĐKH là thách thức lâu dài lớn nhất mà con người phải đối mặt bởi khả năng gây thiệt hại: đến con người, đến tự nhiên, vật chất, tài chính và xã hội của con người.

Từ nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu mà con người buộc phải có những hành động cụ thể mà giải pháp cho vấn đề này là thay đổi công nghệ và sự thay đổi lối sống của người tiêu dùng (Defra, 2013; IPCC, 2014; Leiserowitz, 2008; Joyshree Roy and Shamil Pal, 2009) trong đó việc thay đổi lối sống là rất quan trọng (Duchin 1998; OECD, 1998; Lundgren, 1999; IPCC, 2007; và Spratt D, Sutton P, 2008). Một điều tra ở Mỹ của Leiserowitz (2008) cho thấy hầu hết người được hỏi không tin rằng mình công nghệ có thể giải quyết vấn đề của BĐKH mà không có việc thay đổi lối sống. Có 70% người được hỏi hi vọng giải pháp cuối cùng cho vấn đề biến đổi khí hậu sẽ là đổi mới công nghệ điều này cũng sẽ đi kèm với sự thay đổi trong lối sống cá nhân của mỗi người (Leiserowitz, 2008). Các giải pháp về công nghệ giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm sử dụng các nguồn năng lượng không tái tạo, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng của các thiết bị, tạo ra các vật liệu thông minh hạn chế phát thải. Giải pháp về công nghệ cũng cho phép thực hiện các quy trình khép kín trong quá trình sản xuất tái sử dụng nguồn nước, tạo ra năng lượng trong quá trình xử lý rác thải. Tuy nhiên, giải pháp về mặt công nghệ thường đi kèm với chi phí cao, chỉ có các quốc gia có kinh tế phát triển có khả năng áp dụng. Trong khi đó phần không nhỏ các phát thải hiện tại có nguồn gốc từ  các quốc gia đang phát triển, nơi chậm thay đổi công nghệ, sử dụng công nghệ lạc hậu còn phổ biến. Hình thức chuyển giao công nghệ của các quốc gia phát triển sang các nước kém phát triển vô hình chung đã biến các quốc gia kém phát triển thành bãi  rác công nghệ cho các quốc gia phát triển phương Tây. 

Ngoài ra, BĐKH còn ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe tinh thần. Dưới góc độ y học, một nghiên cứu của Curtis, Kvernmo and Bjerregaard thực hiện tại một cộng đồng nhỏ ở Greenland cho thấy ảnh hưởng của thay đổi điều kiện sống và một số cơ chế mà qua đó ảnh hưởng đến sức khỏe về thể chất và tinh thần. Mối quan hệ này được đối chiếu với nghiên cứu về giáo dục, nghề nghiệp cũng như thay đổi trong phong cách sống. Kết quả cho thấy thay đổi điều kiện môi trường từ những năm 1960 đã ảnh hưởng đến phạm vi sinh sống của dân số, trong nghề nghiệp của người dân cụ thể là trong cơ hội việc làm và nghề cá (Curtis, Kvernmo and Bjerregaard, 2005)

Như vậy, sự xuất hiện, tồn tại và diễn biến của BĐKH tác động không nhỏ đến lối sống của con người. Gia tăng các biểu hiện của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết bất thường như: gia tăng mực nước biển, mưa lớn, tăng nhiệt độ gây nên những thiệt hại lớn đến con người, sức khỏe tinh thần và cơ sở vật chất. Khi mọi yếu tố của môi trường thay đổi, con người cũng cần phải ứng xử phù hợp với thách thức toàn cầu. Đó chính là thay đổi trong nhận thức, hành động thích ứng, giảm thiểu diễn ra trên toàn thế giới, thay đổi công nghệ, thay đổi lối tiêu dùng hay chính là thay đổi lối sống.

4.      Nguyên nhân của lựa chọn lối sống không phù hợp
4.1.   Khoảng giá trị trong hành động
Tồn tại mâu thuẫn rất rõ giữa nhận thức và hành vi ủng hộ biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy: mặc dù nhiều người được hỏi đồng ý với quan điểm có mối liên hệ giữa hành động cá nhân và BĐKH nhưng không phải tất cả họ đều cảm giác có lỗi với hành vi của bản thân và sẵn sàng thay đổi hành vi của họ. Ví dụ trong một nghiên cứu của Engarchay cho thấy người Mỹ có dấu chân sinh thái đứng thứ 2 trên thế giới[4] cao hơn nhiều so với dấu chân sinh thái của người Trung Quốc nhưng người Mỹ ít có cảm giác có lỗi hơn so với người Trung Quốc bởi vì người Mỹ có trách nhiệm về hành vi cá nhân đối với các vấn đề về môi trường hơn so với người Trung Quốc. (Echegaray và cộng sự, 2008). Theo lý thuyết về hành vi, nhận thức là yếu tố đầu tiên cần thiết để thay đổi hành vi. Lý thuyết về sự bất hòa nhận thức của Festinger (1957) cho rằng cá nhân có xu hướng tìm kiếm sự thống nhất giữa niềm tin, hành vi và và thái độ có nhiều khả năng thay đổi hành vi để thích ứng với môi trường. Việc người tiêu dùng đồng ý với quan điểm cho rằng hành vi của lối sống cá nhân có ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, có cảm giác có lỗi và cảm giác cần phải có trách nhiệm đối với hành vi cá nhân là tiền để thay đổi hành vi. Nhưng khi nào khi cảm giác có lỗi của cá nhân có thể chuyển thành sự thay đổi trong hành vi của bản thân họ.

Trên thực tế hành động không phải lúc nào cũng nhất quan với nhận thức của họ mà luôn tồn tại khoảng cách nhất định. Ví dụ trong nghiên cứu Ipsos Mori[5]- trình bày với RSA, 74%  người cảm thấy rằng cần thay đổi thói quen để tránh hậu quả về môi trường nhưng chỉ có 59% nói rằng họ đang có hành động về điều đó (Matt Prescott, 2008). Luôn tồn tại một cái gọi là khoảng cách của hành động mà theo Blake đó là sự không có những hành động phù hợp của những người theo giá trị về môi trường. Còn theo Defra đó là có nhận thức nhưng không có hành động còn gọi là khoảng giá trị của hành động (Defra, 2013). Ở cấp độ vĩ mô đó là khảng cách giữa các bằng chứng về mặt khoa học và các biện pháp ứng phó về mặt chính trị của chính phủ (UNDP, 2008). Về cấp độ cá nhân đó là khoảng cách giữa nhận thức vấn đề của cá nhân và thay đổi lối sống cho phù hợp.

Vậy tại sao sự nhận thức của cá nhân không trở thành hành vi cụ thể? Theo Guilmoto (2007), việc thực hiện một hành vi nào đó phải đảm bảo một số yếu tố. Trước hết hành vi đó có ý thức; thứ 2 hành vi đó có tính khả thi tức có thể thực hiện được, có phương pháp và có khả năng; thứ 3 hành vi đó đem lại lợi ích cho cá nhân. Áp dụng vào hành vi lựa chọn lối sống cá nhân cho thấy, rõ ràng việc thay đổi lối sống cá nhân được nhận thức là cần thiết, bản thân họ có ý thức cho hành vi, hành vi này được xã hội ủng hộ, tuy nhiên hành vi này mang lại lợi ích lâu dài chứ không phải là lợi ích trước mắt. Cái trước mắt đó là sự tiện lợi cá nhân và thỏa mãn nhu cầu cá nhân của thời điểm hiện tại. Rất khó để có thể xác định được ranh giới giữa một cái là nhu cầu cá nhân và tiết kiệm cho tương lai. Cũng như việc khó để xác định điểm dừng của lối sống bền vững. Cái gọi là tiêu dùng bền vững cũng chỉ là một khoảng định tính không có thang đo định lượng rõ ràng. Trong khi đó những hành vi được coi là không phù hợp với lối sống bền vững, lối sống tiết kiệm tài nguyên và năng lượng vẫn được xã hội chấp nhận, hay nói cách khác chuẩn mực xã hội và cảm giác tội lỗi của cá nhân về về lối sống tiết kiệm vẫn chưa đủ mạnh để họ thay đổi hành vi.

4.2.   Xếp hạng giá trị môi trường thấp trong bậc thang giá trị
Tiếp theo đó là việc xem nhẹ hệ giá trị về môi trường, xếp hạng giá trị môi trường thấp hơn trong bậc thang giá trị. Theo quan điểm nghiên cứu của xã hội học văn hóa, mỗi cá nhân hay nhóm cộng đồng có những hệ giá trị riêng chi phối hành vi của mỗi cá nhân, mỗi nhóm. Giá trị này nằm trong nhận thức của cá nhân hay của nhóm, tác động đến hành vi giúp cho cá nhân này hòa hợp với cộng đồng (Mai Văn Hai, 2005). Mỗi cá nhân hay mỗi nhóm lại có những hệ giá trị riêng trong đó có thứ tự ưu tiên khác nhau cho mỗi đối tượng. Trong nhóm giá trị này, môi trường có thể được đặt lên hàng đầu nhưng trong nhóm khác các giá trị về kinh tế lại được ưu tiên cao nhất. Thứ tự ưu tiên trong bậc thang giá trị thường gắn liền với lợi ích gần của cá nhân hay nhóm, những lợi ích xa hơn sẽ được tính toán đến sau đó. Nghiên cứu thực nghiệm của Defra cho thấy có đến 25% số người được hỏi không đồng ý rằng lối sống của họ góp phần làm biến đổi khí hậu; họ cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là sự lo xa và ưu tiên về môi trường thấp hơn so với các ưu tiên khác trong cuộc sống của họ (Defra, 2013). Lối sống lành mạch có ích trực tiếp và thường xuyên đến cá nhân hơn là các hành vi ủng hộ môi trường thường không có bất kì lợi thế ngay lập tức nào. Một số hành vi ủng hộ môi trường có thể tiết kiệm tiền (tiết kiệm năng lượng), hoặc tăng địa vị xã hội của họ (sử dụng pin mặt trời trên mái nhà) nhưng một số hành vi khác lại giảm sự thoải mái và tiện lợi (sự ấm áp, tiện lợi của xe) hay gia tăng chi phí (sử dụng thực phẩm hữu cơ, giá điện tái tạo như phong năng, nhiệt năng …) trong khi đó những lợi ích môi trường không nhìn thấy được và tác động đến họ ở một tương lai xa, điều này không khiến cho cá nhân tham gia vào các hành vi ủng hộ môi trường ngay lập tức (Milena Buchs và cộng sự, 2009).

Như vậy, xem nhẹ giá trị về môi trường là nguyên nhân khiến cho cá nhân và nhóm không hoặc ít thay đổi lối sống theo hướng có lợi cho môi trường do những lợi ích về mặt kinh tế và tiện ích cá nhân ngay trước mặt. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thay đổi hành vi cá nhân, nâng giá trị về môi trường cao hơn trong bậc thang giá trị để đạt được lối sống tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bền vững.

4.3.   Đỗ lỗi trách nhiệm và vai trò của các bên liên quan
Cuối cùng, ngoài 2 nguyên nhân trên còn tồn tại tâm ý ỷ lại, đổ lỗi trách nhiệm sang người khác, coi hành động của bản thân họ chỉ là thứ yếu, hành động của người khác là chủ yếu. Sự đổ lỗi trách nhiệm lên người khác bao gồm các doanh nghiệp và chính phủ (Defra, 2013) hay  người tiêu dùng khác. Để giải quyết vấn đề BĐKH, nhiều ý kiến cho rằng: ngoài việc thay đổi công nghệ, “thay đổi lối sống và cách thức tiêu dùng” có tầm rất quan trọng (Duchin 1998; OECD, 1998; Lundgren, 1999; IPCC, 2007, and Spratt D, Sutton P, 2008). Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm của Echegaray, Defra … đều cho thấy rằng cá nhân mặc dù nhận thức được ảnh hưởng của hành vi cá nhân nhưng không phải lúc nào cũng chuyển nó thành hành động cụ thể. Một mặt do khoảng cách giữa nhận thức và hành động cá nhân, mặt khác do phần lớn họ - những người tiêu dùng sẽ tìm cách đổ lỗi trách nhiệm cho bên khác và yêu cầu sự thay đổi từ bên ngoài chứ không phải từ chính họ.

Trên thực tế, BĐKH không loại trừ một đối tượng nào trong môi trường toàn cầu, vì thế giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các bên trong một quốc gia hay giữa các quốc gia. Đó cũng là trách nhiệm chung cho các bên bao gồm: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trên thực tế, gia tăng phát thải dẫn đến BĐKH liên quan tới một hệ thống vì thế nó cần được giải quyết bằng cả hệ thống.  Yêu cầu phối hợp hành động và mệnh lệch bắt buộc chứ không còn là một phương án (UNDP, 2008). Vấn đề nảy sinh đó là nghĩa vụ của các bên như thế nào trong việc giải quyết vấn đề.

Rõ ràng không có giải pháp duy nhất mà cần có sự phối hợp hoạt động giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong việc thực hành lối sống bền vững. Mỗi bên vừa thực hiện trách nhiệm hành động của mình, vừa thực hiện trách nhiệm giám sát, hoạt động của các bên khác tạo ra thống nhất hành động chung giảm BĐKH. Chính phủ có trách nhiệm tạo ra một cơ chế chính sách, tạo ra môi trường thay đổi lối sống một cách  mạnh mẽ, khuyến khích thực thi sử dụng các công cụ pháp luật thích hợp. Doanh nghiệp sử dụng các chiến lược và thay đổi mô hình kinh doanh, sử dụng công nghệ và sản phẩm tạo thuận lợi cho hành vi tiêu dùng bền vững. Trước hết cần khuyến khích người dân thực hành lối sống bền vững, tạo sự liên kết giữa các nhóm và xa hơn đó là mối quan tâm giữa môi trường và lối sống, mỗi cá nhân sẽ phải xem xét lại lối sống riêng của mình về mô hình tiêu thụ.

5.      Chương trình hành động
Các chương trình hành động BĐKH mang tính toàn cầu. Về mặt thể chế, biến đổi khí hậu được thông qua trong chính sách của các quốc gia tham gia nghị định thư Kyoto và các kí kết đàm phán về việc cam kết mức cắt giảm khí nhà kính. Theo đó, ở cấp độ toàn cầu, khung công ước liên hợp quốc (UNFCCC) tổ chức hội nghị các bên thường niên từ năm 1995, thành lập quỹ khí hậu xanh (GCF) tạo vốn cho việc hỗ trợ hoạt động thích ứng và giảm thiểu ở các quốc gia. Ngoài ra, còn nhiều các chương trình hành động trên phạm vi toàn cầu, các dự án đầu tư của các quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới cho các khu vực vực và các quốc gia trên thế giới. Tính đến năm 2014, chỉ riêng WB đã đầu tư tổng cộng 249 dự án về biến đổi khí hậu. Hiện có 133 dự án đang thực hiện chiếm 53,4% tổng dự án được đầu tư cho đến nay[6].

Ở Việt Nam, một thời gian dài từ sau Nghị định thư Kyoto của Công ước khung của Liên hợp quốc, từ khóa “biến đổi khí hậu” được đề cập đến trong các văn bản pháp luật. Đến năm 2011 chính thức phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH, năm 2013 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012-2020. Giai đoạn 2012-2015 đã phê duyệt 10 chương trình ưu tiên có liên quan, trong đó có phê duyệt Chương trình quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2015 do Bộ tài nguyên và Môi trường làm cơ quan chủ quản. Nội dung Chương trình có đề cập đến vấn đề xây dựng cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có đặt ra nhiệm vụ nâng cao ý thức và xây dựng lối sống, mẫu hình tiêu thụ vì mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học có 16 nhiệm vụ đang được thực hiện thuộc Chương trình khoa học công nghệ phục vụ cho Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nội dung thực hiện cho đến nay chủ yếu dừng lại ở mức nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng, chưa thấy hoạt động nào hướng đến xây dựng hay thay đổi lối sống theo theo mô hình tiêu thụ thân thiện với môi trường và khí hậu. Trong lĩnh vực giáo dục, Bộ giáo dục thực hiện đề án “Thông tin, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học giai đoạn 2013-2020”  nhằm nâng cao nhận thức trước hết cho cán bộ trong ngành giáo dục, thế hệ trẻ và các đối tượng khác ngoài trường học.

Tóm lại, các chương trình hành động trong biến đổi khí hậu là rất nhiều, đó là chương trình mang tính toàn cầu được sự quan tâm và đầu tư lớn về tài chính cũng như về nghiên cứu khoa học. Các nghiên cứu khoa học đặt cơ sở cho các Hội nghị mang tầm quốc tế và các Chương trình hành động đi cùng. Các hoạt động thích ứng và giảm thiểu được thực hiện nhiều hơn ở các quốc gia có mức độ tổn thương cao và ít có điều kiện để tự ứng phó. Các Chương trình hàng động ở Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và thực thi, chưa có báo cáo đánh giá thực hiện. Nhìn chung, các chương trình triển khai mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây.

6.      Kết luận
Lối sống và biến đổi khí hậu có mối quan hệ gián tiếp với nhau thông qua chuỗi ảnh hưởng lan truyền do mối quan hệ thống nhất của môi trường địa lý. Lối sống với biểu hiện cụ thể của nó là hành vi trong lối tiêu dùng và lối sản xuất tăng khai thác tài nguyên và phát thải vượt quá dấu chân sinh thái dẫn đến sự thay đổi của các quyển trên trái đất làm gia tăng hiện tượng ấm lên toàn cầu, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Ngược lại, các hiện tượng của biến đổi khí hậu tác động lên mọi mặt của đời sống con người khiến con người phải thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu cũng như thay đổi hành vi trong lối sống của mình để ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm nơi cư trú, công nghệ, cách thức kinh doanh…

Đa số người được hỏi có nhận thức về biến đổi khí hậu, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đến lối sống cá nhân và ngược lại. Tuy nhiên, tồn tại khoảng cách giữa nhận thức và thay đổi hành vi. Các nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh cho vai trò quan trọng của nhận thức trong việc lựa chọn hành vi, và cũng cho thấy nhận thức không phải là duy nhất để đưa ra lựa chọn hành vi. Đó là khoảng giá trị trong hành động khi mà việc lựa chọn lối sống cá nhân không phù hợp với nhận thức về tác động của lối sống đến biến đổi khí hậu. Ngoài ra, còn là việc lối sống đó vẫn được xã hội chấp nhận nên áp lực xã hội gần như chưa xuất hiện hoặc có nhưng chưa đủ lớn để tạo sức ép đối phải thay đổi lối sống với cá nhân hay cộng đồng đó.

Rất khó để xác định ranh giới của lối sống bền vững, lối sống có lợi cho môi trường. Điều này cũng giống như việc xác định đâu là ranh giới của biến đối khí hậu. Thay đổi lối sống theo hướng có lợi cho môi trường hiện tại dừng lại ở việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và tiết kiệm năng lượng, tiêu dùng hạn chế lượng phát thải, tăng cường tái chế.

Đổ lỗi trách nhiệm và tâm lý ỷ lại giữa các bên làm giảm nỗ lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải pháp cho việc thực hiện đó là liên kết, phân vai và có trách nhiệm về vai trò của các bên trong biến đổi khí hậu. Tạo nên những mối liên hệ giữa các bên để điều chỉnh lối sống. Trong đó chính phủ tạo cơ chế cho việc doanh nghiệp và người dân thực hành lối sống bằng việc sử dụng các chế tài kiểm soát phát thải, đánh thuế phát thải ra môi trường. Người tiêu dùng giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp bằng hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp dùng chiến lược sản phẩm xanh để định hướng người tiêu dùng. Dưới góc độ văn hóa xã hội cần tạo ra và vận hành nghiêm chế tài kiểm soát việc phát thải CO2, tính phí phát thải theo nguyên tắc phát thải phải trả tiền. Thay đổi chuẩn mực về lối sống đối với môi trường và biến đổi khí hậu để tạo nên áp lực xã hội đủ mạnh đối với cá nhân, tổ chức nhằm định hướng lối sống bền vững, thân hiện với môi trường giảm phát thải. Chỉ có sự thay đổi trong chính lối sống cá nhân và sự thay đổi trong công nghệ mới có thể góp phần hạn chế các tác nhân làm gia tăng biến đổi khí hậu. Sự thay đổi ngay lập tức của thế hệ hiện tại là thiết thực trong việc giảm thâm hụt thích ứng tạo ra con đường cho thế hệ mai sau.

Chưa có các nghiên cứu của Việt Nam về mối quan hệ giữa lối sống và BĐKH. Chủ yếu là các nghiên cứu về các vấn đề chung của biến đổi khí hậu và các kịch bản biến đổi khí hậu trên phạm vi lãnh thổ bao gồm các chương trình quốc gia và hợp tác với các tổ chức trên thế giới. Chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án về biến đổi khí hậu đang trong quá trình thực hiện, mới chỉ có kết quả nghiên cứu ban đầu. Các chương trình và đề án tập trung vào giải pháp thích ứng, đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng hoặc năng lượng, trồng rừng. Nghiên cứu về nhận thức, thái độ, hành vi, nhu cầu thông tin và việc lựa chọn lối sống chỉ khuôn hẹp trong nhóm đối tượng ưu tiên, chủ thể của tương lai. Đó là nhóm liên quan đến ngành giáo dục bao gồm học sinh sinh viên và giảng viên, giáo viên. Nhóm các cộng đồng xung quanh trường học chỉ được nhận mức tuyên truyền nâng cao nhận thức, các nhóm khác chưa được đề cập đến trong các chương trình.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, nghiên cứu này đã cho thấy nhiều khoảng trống trong nghiên cứu, đặc biệt là về thực nghiệm ở Việt nam. Những vấn đề nghiên cứu cần được làm rõ có thể bao gồm: i, khảo sát về nhận thức về biến đổi khí hậu và tác động của lối sống đến biến đổi khí hậu; sự sẵn sàng của người dân đối với việc thay đổi lối sống cá nhân vì biến đổi khí hậu; ii, nghiên cứu về ảnh hưởng của các phương thức truyền thông nâng cao nhận thức và việc thay đổi lối sống cá nhân sau đó, xác định khoảng thời gian hiệu quả nhất họ sẵn sàng cho lối sống có lợi cho biến đổi khí hậu, tính toán mức độ lặp lại của truyền thông để tạo được sự thay đổi lối sống thực sự.

(Đây là kết quả được rút ra từ nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “văn hóa, lối sống trong ứng phó với biến đổi khí hậu” năm 2014.)




TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Bộ giáo dục và đào tạo, 2014, Quyết định 329/QĐ-BGDĐT  phê quyệt đề án “Thông tin, tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học giai đoạn 2013-2020” http://www.moet.gov.vn/?page=6.4&view=5563&opt=brpage
2.      Curtis, Siv Kvernmo and Peter Bjerreaard, 2005, Changing living conditions, life style and health. http://www.westerndesertdialysis.com/archives/references/20050000%20Changing%20living%20conditions,%20lifestyle%20and%20health%20Canada.pdf
3.      Defra, 2013, The sustainable lifestyles framework, http://archive.defra.gov.uk/environment/economy/documents/sustainable-life-framework.pdf
4.      Duchin. F, 1998, Structural Economics: Measuring Changes in Technology. Lifestyle and the Environment. Island Press, Washington, DC
5.      Echegaray F, Hetherington Lloyd, Kritski Eugene and Deshmukh Yashwant, 2008, The inpact of climate change or bussiness, http://www.irisnetwork.org/Publications%20Downloads/MAR/MAR_Impact_of_Climate_Change.pdf
6.      Festinger, 1957, A theory of cognitive dissonance, University of California Press, Stanford
7.      Giang Thanh Huyền,  2011, Một số chuyên đề văn hóa và phát triển, NXB Chính trị Hành chính, Hà Nội.
8. Guilmoto Z Christophe. 2007. Sex-ratio imbalance in Asia: Trends, consequences and policy responses. UNFPA. LPED/IRD, Paris.  http://www.unfpa.org/gender/docs/studies/summaries/regional_analysis.pdf
9.      IPCC, 2007, Summary for policymakers) https://www.ipcc.ch/pdf/assessment-report/ar4/wg1/ar4-wg1-spm.pdf
10.  IPCC, 2014, Climate change 2014: impact, adaptaion, and vulnerability.
12.  Joyashree Roy and Shamik, 2009, lifestyle and climate change: link awaiting activation, Current opinion in environmental sustainability, colume 1, isue 2, december 2009, page 192 – 200
13.  Leiserowitz, 2008, Climate change in the american mid. Americans’ climate change beliefs, attitudes, policy preferences, and actions http://environment.yale.edu/climate-communication/files/CC_American_Mind.pdf
14.  Lundgren LJ, 1999, Ed.: Livssstil och miljö, Värderingar, val, vanor. Livsstil och miljö, ISSN: 91-620-1197-9, Naturvårdsverkets förlag, (Ref: Eva Alfredsson, Green consumption energy use and carbon dioxide emission, Doctoral thesis; Department of Social and Economic Geography, Spatial Modelling Centre, Umeå University, GERUM, 2002).
15.  Mai Thị Kim Thanh, 2011, Lối sống các nhóm dân cư, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
16.  Mai Văn Hai, 2005, Xã hội học văn hóa, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
17.  Matt Prescott,2008 , A persuasive climate Personal trading and changing lifestyles. http://www.thersa.org/__data/assets/pdf_file/0019/222391/A-Persuasive-Climate.pdf
18.  Milena Buchs, Rebecca Edwards and Graham Smith, 2012, Third sector organisations’ role in pro-environmental behaviour change – a review of the literature and evidence, http://eprints.soton.ac.uk/339808/1/tsrc_working_paper_81_tsos_and_practices_change.pdf
19.   OECD, 1998, Towards Sustainable Consumption Patterns, OECD, Paris (1998)
20.  Spratt D, P Sutton, 2008,  Climate Code Red: The Case for Emergency Action. Scribe, 2008.
21.  UNDP, 2008, Cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới còn chia cách http://hdr.undp.org/en/media/HDR_20072008_VN_Overview1.pdf






[1] Bao gồm là lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2
[2] http://journalistsresource.org/studies/environment/climate-change/united-nations-ipcc-working-group-iii-report-climate-change-mitigation
[3] Công nghiệp không bao gồm công nghiệp sản xuất điện năng và nhiệt.
[4] Xem thêm ở http://www.go-green.ae/footprint/countries.php
[6] Xem thêm http://data.worldbank.org/

.........................................................................***................................................................................
*: Bản nháp trước khi được chỉnh sửa và đăng tải trên tạp chí PTBVV 5(4) 12/2015 68-78 

4 thg 4, 2016

Cách đọc bảng tần suất frequency . 1.1 (mô tả biến theo thang tỉ lệ)

Đọc bảng tần suất trong SPSS

Statistics
Tổng tỷ suất sinh TFR (2009)

N
Valid
63
Missing
0
Mean (trung bình)
2.1746
Std. Error of Mean (sai số chuẩn)
.04827
Median (trung vị)
2.0900
Mode (độ tập trung)
2.07
Std. Deviation (độ lêch chuẩn)
.38310
Variance
.147
Skewness (độ lệch)
.983
Std. Error of Skewness (độ lệch chuẩn)
.302
Kurtosis (độ nhọn)
1.109
Std. Error of Kurtosis (độ nhọn chuẩn)
.595
Range 
2.00
Minimum (Thấp nhất)
1.45
Maximum (Cao nhất)
3.45
Percentiles
10
1.7660
20
1.8580
25 
1.8900
30
1.9440
40
2.0280
50
2.0900
60
2.1680
70
2.3160
75
2.4000
80
2.4760
90
2.7120

Bảng phân tích TFR trên cho thấy có 63 trường hợp được quan sát trong đó không có trường hợp nào Missing. TFR trung bình (mean) là 2,17 con/phụ nữ. Có 50% trường hợp có TFR trên 2,09 con /phụ nữ. TFR thấp nhất là 1,45con/phụ nữ (Tp HCM) và cao nhất ở Kom Tum con số này đạt 3,45 con/phụ nữ. Đo đạc về xu hướng trung tâm cho thấy đây là một phân phối cân xứng
Có 60,3% trường hợp có TFR nhỏ hơn con số trung bình (2,17) và 39,7% trường hợp có TFR lớn hơn giá trị trung bình. (fre chi tiết)
Khoảng biến thiên thực tế là 2 (1,45 đến 3,45). Độ lệch chuẩn là 0.383 cho thấy sự phân tán nhỏ của các trường hợp quan sát. Giá trị trung vị (2,09) nhỏ hơn giá trị trung bình (2,17) là 0,12 chứng tỏ phân phối khá cân xứng.

Thống kê đo đạc độ cân xứng phân phối của mẫu (Skewness) là 0.302 cho thấy phân phối có độ nhọn nhỏ và lệch phải. Giá trị Kurtosis đo đạc độ nhọn của phân phối cho biết đuôi phân phối dài hơn đuôi phân phối chuẩn. Tỉ số giữa Knewness và sai số chuẩn của nó là 0,983/0,302 = 3,25 cho thấy biểu đồ tần suất lệch phải ít. Tỉ số giữa Kurtosis 1,109/0,595 = 1,86 cho thấy đuôi của phân phối TFR dài hơn so với đuôi của phân phối chuẩn. 
.........