13 thg 7, 2019

Văn hóa, lối sống và Biến đổi khí hậu P3.6 Khung lý thuyết

Các nghiên cứu tìm hiểu về mối liên hệ giữa văn hóa, lối sống và biến đổi khí hậu không nhiều, chưa tìm thấy một nghiên cứu nào của Việt Nam đề cập đến mối liên hệ này. Các nghiên cứu khác trên thế giới có thể chia làm một số nhóm như sau: Các nghiên cứu về lý thuyết, các nghiên cứu về thực hành lối sống, nghiên cứu trong lĩnh vực kinh doanh, và nhóm các nghiên cứu khác.
Lý thuyết hành vi nghiên cứu về hành vi lý giải các cơ chế hình thành hành vi của con người và các yếu tố tác động để thay đổi về hành vi, chính vì thế lý thuyết hành vi ít nhiều liên quan mật thiết với các nhà tâm lý học và sinh vật học. Các đại diện tiêu biểu cho thuyết hành vi như: J. Watson (1878-1957); E.C. Tolman; giả thuyết hành vi diễn dịch của K. Hull; hành vi tạo tác của Skinner. Rất nhiều các nghiên cứu trong đó gắn hành vi con người với nền tảng sinh học đề cao vai trò của các kích thích bên ngoài mà coi nhẹ tính tích cực của chủ thể; coi hành vi giống như một bản năng phản ứng lại trước môi trường trong đó phần vô thức là chủ yếu.
Adler đưa ra khái niệm về “lối sống” coi đó là một mô hình thành công để đạt đến sự ưu việt của hành vi. Ông cũng quan tâm nhiều hơn việc hành vi cần giải quyết mối quan hệ giữa thỏa mãn nhu cầu cá nhân và nhu cầu xã hội. Trong khi đó Horney chú ý đến yếu tố văn hóa trong nghiên cứu hành vi mà điểm nổi bật đó là đặt vấn đề “đặc trưng của nền văn hóa chuẩn mực”. Tuy nhiên, cho đến Skinner mới chú trọng đến việc kiểm soát hành vi thông quan việc phân tích chuỗi kích thích – phản ứng – củng cố ông cũng đưa ra “phần thưởng” và “trừng phạt” như những giải pháp cho vấn đề. Để thay đổi hành vi, trừng phạt không phải là giải pháp tối ưu. Nó chỉ là giải pháp tạm thời nhằm hạn chế hành vi. Giải pháp này chỉ đưa đến một nguy cơ cao hơn của việc bùng nổ hành vi bị kìm nén.
   Tác giả George Homans (1910-1989) tách tâm lý học ra khỏi xã hội học. Ông đưa ra lý thuyết hành vi xã hội (Social behavior: its Elementary forms, 1961) . Theo Homans hành vi xã hội có 3 đặc trưng cơ bản: i, hiện thực hóa hành vi thực hiện trên thực tế chứ không phải trong ý niệm; ii, hành vi đó được khen thưởng hay bị trừng phạt từ phía người khác; iii, người khác là nguồn củng cố trực tiếp đối với hành vi chứ không phải là nhân vật trung gian của một cấu trúc xã hội nào đấy (Lê Ngọc Hùng, 2009). Ông đưa ra định đề về giá trị và cho rằng kết quả của hành động càng có giá trị cao đối với chủ thể bao nhiêu thì chủ thể càng có xu hướng thực hiện hành động đó bấy nhiêu (Lê Ngọc Hùng, 2009). Trong mối liên hệ giữa hành vi và văn hóa Skinner cho rằng hành vi do hoàn cảnh tạo ra, đó là tư tưởng của nền văn hóa, các củng cố xuất hiện trong đó chính là giá trị của văn hóa (Phạm Minh Hạc, 2005). Thuyết hành vi phải chú ý đặc biệt đến hệ thống giá trị (Endruweit và Trommsdorff, 2002).
Các nghiên cứu về lý thuyết lựa chọn hợp lý trong đó đại diện là Coleman, Hechter nhấn mạnh về cách họ đưa động cơ cá nhân trong quá trình biến đổi xã hội. Theo thuyết này hành vi cá nhân thực hiện trên cơ sở cân bằng chi phí và lợi ích để đi đến hành động cố gắng tối đa hóa lợi ích cá nhân (Milton, 1953 trong Wikipedia[1]) Nói cách khác, những người đưa ra quyết định thông qua so sánh lợi ích đạt được và chi phí bỏ ra. Lựa chọn hợp lý quan sát rõ trong các hành vi kinh tế. Trong hành vi xã hội học tính toán giữa cái “lợi ích” và “chi phí” bỏ ra không chỉ bao hàm ý nghĩa kinh tế mà còn tính đến những ý nghĩa khác về mặt xã hội.
Lý thuyết về hành vi kế hoạch là phần được mở rộng cho nguyên nhân của hành vi. Trong lý thuyết ban đầu của hành động hợp lý, một yếu tố trung tâm trong lý thuyết về hành vi của kế hoạch là ý định của cá nhân để thực hiện hành vi. Trong đó, ý định được giả định là để nắm bắt các yếu tố tác động ảnh hưởng đến hành vi. Theo nguyên tắc chung, ý định mạnh mẽ hơn sẽ tham gia vào 1 hành vi và sẽ có hiệu quả của nó.  Tuy nhiên, một ý định của hành vi có biểu hiện ra ngoài chỉ khi hành vi đã được kiểm soát bởi ý chí. Tức là người đó có thể quyết định theo ý muốn hoặc không thực hiện theo hành vi. Mặc dù trong thực tế, hành vi này có thể đáp ứng tốt, hầu hất hoạt động.  Ngoài ra, thái độ và đặc điểm tính cách có liên quan đến hành vi của con người những những ảnh hưởng hưởng đó có thể được phân biệt bằng cách nhìn bao quát. Trong những trường hợp cụ thể, suy giảm đáng kể bởi sự hiện diện của các vấn đề khác (Icek Ajzen, 1991).
Tóm lại, cơ chế xuất hiện hành vi do kích thích từ môi trường bên ngoài và xuất phát từ bản thân cá thể đó là: nhu cầu của cá thể, tính có khả năng thực hiện hành vi, và hành vi đó được xã hôi chấp nhận. Hay nói cách khác bản thân hành vi đó có giá trị nhất định đối với cá thể, có thể không phù hợp với chuẩn mực đạo đức nhưng chế tái kiểm soát xã hội và áp lực từ chuẩn mực đạo đức chưa đủ lớn khiến hành vi đó vẫn được thực hiện. Hành vi có thể được điều chính thông qua chế tài kiểm soát xã hội bằng việc thực  hiện các cơ chế “thưởng” và “phạt”. Tuy nhiên, các cơ chế này không phải là giải pháp cuối cùng, vì nó thường gia tăng hành vi bị kìm nén, theo quan điểm của tâm lý học nó sẽ gây những ức chế đối với cá thể dẫn đến nguy cơ bùng phát hành vi.
Để tìm mối quan hệ giữa vấn đề lối sống và môi trường, biến đổi khí hậu, bên cạnh những nghiên cứu lý thuyết thuần túy,  một số tác giả đã kiểm chứng các lý thuyết về hành vi cụ thể của lối sống với môi trường thông qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm.
Elizabeth tìm kiếm mối quan hệ giữa sự thay đổi xã hội trong môi trường chính sách hiện đại ở Anh và ở các nước khác.  Elizabeth xác định rõ hơn mô hình về mối quan hệ của thái độ (A-attitude), hành vi (B-behaviour), lựa chọn (C-choice), và sự thu hút của mô hình này. Thực chất mô hình ABC có nguồn gốc gần với và cũng như có sự liên kết với thuyết về hành vi hoạch định của Ajzen (1991). Để nghiên cứu mối quan hệ giữa hành vi tham gia giao thông với việc tiết kiệm năng lượng, Paul Stern[2] xem xét biến hành vi (B) như một sản phẩm của thái độ (A) và ngoại cảnh (C) và sử dụng bối cảnh như một biến nguyên nhân cùng với thói quen, khả năng cá nhân (Elizabeth, 2013).
Elizabeth cho rằng, yếu tố hoàn cảnh mang tính bao trùm và nó không tuân theo một thứ tự nào đó. Ví dụ về điều này bao gồm: mong đợi của cộng đồng; quảng cáo, quy định của chính phủ, yếu tố pháp lý và thể chế, ưu đãi tiền tệ và chi phí, khó khăn vật chất và hành động cụ thể; khả năng và hạn chế được cung cấp bởi công nghệ và môi trường xây dựng. Theo quan điểm ông cần phải sử dụng các công cụ chính sách để điều chỉnh hành vi. Tuy nhiên, yêu cầu tiếp cận xã hội mới bao gồm bối cảnh thể chế hóa và hành động người tiêu dùng. Kỳ vọng vào các can thiệp chính sách trên diện rộng có hiệu lực trong tương lai nhằm định hình lối sống cho dù bản thân người thực hiện có nhận ra điều đó hay không (Elizabeth, 2013).
Lorenzon and Langford  thực hiện nghiên cứu cố gắng tiếp cận phương pháp tiếp cận hỗn hợp chuyên sâu trước đây đã được áp dụng bởi Langford và cộng sự, (1999, 2000) để xác định mô hình cá nhân nhận thức được rủi ro trong môi trường; mối quan tâm và niềm tin của người trả lời; kiểm tra phản ứng của mọi người về vai trò, trách nhiệm của cá nhân, thị trường và các tổ chức trong việc định hình tương lai. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phân tích vấn đề đổ lỗi trách nhiệm giữa các bên liên quan. Hiện nay, mọi vấn đề đổ lỗi đến trách nhiệm của các nhà chính trị gia trong khi đó vấn đề BĐKH trong tương lai sẽ chuyển sang các nước đang phát triển. Nghiên cứu này phân tích về số liệu điều tra của bảng hỏi và kết quả thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu (Lorenzon and Langford, 2001).
Các nhà nghiên cứu hành vi ủng hộ môi trường cố gắng tiếp cận và đưa ra các mô hình cho việc thay đổi hành vi. Trong đó một số nhà nghiên cứu hành vi ủng hộ môi trường (ví dụ, Dahlstrand & Biel, 1997; De Vries, Mesters, Van der Steeg, và Honing, 2005; Martens & Rost, 1998) đã đề xuất để phân biệt 3 giai đoạn thay đổi hành vi. Giai đoạn 1: cá nhân nhận thức về tác hại về hành vi của họ; giai đoạn 2: hình thành ý định để thực hiện hành vi thay thế; giai đoạn 3: thực hiện ý định mới (thực hiện hành vi mới, hay nói cách khác là thay đổi hành vi cũ). Sebastian Bamberg – một nhà nghiên cứu người Đức – so sánh giữa các mô hình và cho rằng: mô hình giai đoạn hành động (MAP) của Heckhausen và Gollwitzer (1987) coi quá trình chuyển đổi hành vi thông qua một trình tự thời gian với 4 giai đoạn khác nhau: trước khi quyết định hành động (predecisional), trước hành động (preactional), hành động (actional), và sau hành động (postactional). Tuy nhiên, trong mô hình MAP không miêu tả chi tiết yếu tố tâm lý như một nhân tố góp phần vào các giai đoạn tiến triển. Xây dựng nên từ mô hình kích hoạt tiêu chuẩn của Schwartz & Howard (1981) và lý thuyết hành vi hoạch định của Ajzen (1991). Ở mô hình kích hoạt tiêu chuẩn (NAM) của Schwartz và Howard (1981) lại xem các hành vi xã hội được hướng dẫn bởi chuẩn mực đạo đức cá nhân. Trong lý thuyết hành vi hoạch định, hành vi ủng hộ môi trường là kết quả của một sự lựa chọn hợp lý nhằm tối đa hóa lợi ích cá nhân. Còn phân tích tổng hợp (Bamberg và Möser, 2007; Gardner, 2008) cho rằng cấu trúc của cả 2 mô hình nên được xem là những yếu tố dự báo quan trọng của hành vi ủng hộ môi trường. Prochaska và DiClemente (1984) đưa ra mô hình TTM phân tích quá trình thay đổi hành vi thông qua 5 giai đoạn: i, ở giai đoạn tiền dự định cá nhân không có ý định hành động trong tương lai gần; ii, giai đoạn nhận thức về sự thay đổi là cần thiết; iii, giai đoạn chuẩn bị là giai đoạn cá nhân hình thành ý định để có những hành động cụ thể trong tương lai; iv giai đoạn hành động là giai đoạn mà cá nhân thực sự thay đổi hành vi của họ; v, giai đoạn cá nhân ngăn ngừa sự tái phát (Sebastian Bamberg, 2013). Như vậy, các nhà nghiên cứu cố gắng phân đoạn các giai đoạn của việc lựa chọn hành động, hầu hết đều dựa vào sự thay đổi trong nhận thức của cá nhân trong quá trình đưa ra lựa chọn hành động.
Khác với các tác giả trên, nghiên cứu của Defra (2008) không phân chia các giai đoạn của tiến trình lựa chọn hành vi mà xác định 2 lĩnh vực có vai trò trong việc xây dựng hành vi của con người trong mối quan hệ với thay đổi môi trường bao gồm nhóm 13 yếu tố thuộc về cá nhân (kinh nghiệm, khả năng, thói quen, sự tự tin, giá trị, phần thường, ý thức, vị tha, quan điểm, lãnh đạo, kiến thức, đồng thuận, tin tưởng, chuẩn mực) đó và nhóm 8 yếu tố về hoàn cảnh (cơ sở hạ tầng, văn hóa, địa lý, tri thức xã hội, thông tin, tiếp cận vốn, khung thể chế, mạng xã hội). Tuy nhiên, khung này không phân cấp mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến hành vi con người.



Nghiên cứu của Shove (2010) tìm kiếm mối quan hệ giữa lý thuyết xã hội và biến đổi khí hậu thì phê phán về sự đóng góp của các lý thuyết xã hội cho vấn đề chính sách đối với biến đổi khí hậu. Tác giả nghi ngờ và cho rằng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những điểm yếu sau khi tham chiếu giữa báo cáo về thay đổi hành vi và các lý thuyết về văn hóa xã hội. Mặc dù, đã tăng chi phí cho việc nghiên cứu nhưng kết quả thu lại từ áp dụng chính sách cho BĐKH chưa thực sự hiệu quả. Shove cho rằng cần phải thu hẹp khoảng cách giữa khoa học xã hội và biến đổi khí hậu nhưng không nêu rõ cách thức để có thể giải quyết vấn đề ông đã đưa ra (Shove, 2010).
Các nghiên cứu về nhận thức của người dân đến vấn đề BĐKH một số nghiên cứu gắn với các lý thuyết như đã kể ra ở trên, một số lại liên quan trực tiếp đến hành vi cụ thể trong lối tiêu dùng và lối sản xuất kinh doanh.
DOENI nghiên cứu về nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu ở Iceland trong 2 năm 2009 và 2012, tìm hiểu về mức độ quan tâm đến BĐKH và nhận thức của người được hỏi về những ảnh hưởng của BĐKH đến cuộc sống của họ. Xác định những ảnh hưởng nào được cho là tiềm tàng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống của người được hỏi. Nghiên cứu thực nghiệm này cho thấy những mối quan hệ với lối sống và biến đổi khí hậu cụ thể là lối tiêu dùng sử dụng tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải thông qua hành vi tiêu dùng của cá nhân. Một nghiên cứu khác của Leiserowitz được tiến hành bởi dự án Yale của trung tâm truyền thông về BĐKH, đại học Yale được thực hiện vào năm 2008 và 2009. Khảo sát những vấn đề ưu tiên của họ đối với chính quyền mới liên quan đến vấn đề BĐKH và năng lượng. Nghiên cứu của Clare và Ulla tìm hiểu mối quan hệ giữa nghề nghiệp của người trong độ tuổi 18 – 35 ở New Zealand, Thụy Điển, Lebanon và Philipin thông qua điều tra về lối sống bền vững, tìm ra những mối quan tâm và sở thích của họ liên quan đến tính bền vững.
Echegaray và cộng sự có một nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến kinh doanh. Nghiên cứu này tập trung vào phân tích sự thay đổi của lối sản xuất kinh doanh và lối sống đối với sự thay đổi khí hậu. Một số dẫn chứng thực nghiệm trong nghiên cứu ở 12 quốc gia [3] và ở cấp độ người dân. Nhóm tác giả cũng đưa ra vấn đề đạo đức trong tiêu dùng khi cá nhân đưa ra lựa chọn hành vi. Tuy nhiên, mối quan hệ này là rất tương đối và không phát hiện mối quan hệ tuyến tính giữa nhận thức và lựa chọn hành vi hướng đến BĐKH và đưa ra một số nguyên nhân về phía người tiêu dùng, mâu thuẫn lợi ích và việc coi nhẹ các giá trị về mặt môi trường. Đối với bên kinh doanh, thị trường vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng, là thách thức lớn đối với BĐKH. Nghiên cứu này cũng chỉ ra vấn đề đổ lỗi trách nhiệm giữa các bên, trong khi người dân trông chờ và chiến lược kinh doanh và công nghệ từ phía các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp mong đợi vào thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng. Tất cả đều mong chờ vào thể chể từ chính phủ (Echegaray và cộng sự, 2008). Trong khi John Gowdy – một giáo sư về khoa học xã hội – nghiên cứu hành vi kinh doanh để đưa ra các chính sách về biến đổi khí hậu. Tác giả tập trung phân tích hành vi trong sản xuất kinh doanh thông qua với các lý thuyết hành vi và lý thuyết kinh tế truyền thống  (hành vi kinh tế và lý thuyết trò chơi) (John Gowdy, 2009). Trên cơ sở các phân tích lý thuyết hành vi trong kinh doanh, tác giả để xác lập nên cách chính sách cho biến đổi khí hậu từ góc độ phân tích hành vi trong kinh tế thì: khung phân tích đầy đủ là tối ưu hóa lợi ích dựa trên sự lựa chọn hợp lý; loại trừ ưu đãi về tiền tệ; hành vi tiêu dùng hiện tại không phải là hành vi tự nhiên; tính toán đến triết khấu cho tương lai; xác định điểm ngưỡng tới hạn để tạo nên đồng thuận chính trị. Gowdy đưa ra các chủ đề chính sách cho vấn đề nóng lên toàn cầu: tăng tiêu thụ không nhất thiết phải chuyển đổi sang tăng phúc lợi; khả năng hợp tác của con người với những người khác; hợp tác phụ thuộc vào sự trừng phạt; hợp tác toàn cầu về chính sách biến đổi khí hậu có thể tập trung vào khả năng hợp tác và khả năng cạnh tranh.
Các nghiên cứu về lối tiêu dùng gắn với việc nghiên cứu một số hành vi cụ thể trong đời sống hàng ngày bao gồm các nghiên cứu về lối sống bền vững (Defra, 2013; Clare và Ulla, 2013) hay các nghiên cứu cụ thể trong hành vi tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải (DOENI, 2012; Echegaray, 2008; ADBI, 2012; Matt Prescott, 2013); Sử dụng tiết kiệm năng lượng thông qua lựa chọn thiết bị tiêu thụ điện năng ở cấp hộ gia đình (DOENI, 2012; Joyshree Roy and Shamil Pal, 2009; ) thông qua việc lựa chọn phương tiện giao thông (Aini và cộng sự, 2013) hoặc cụ thể là ý định về hành vi sử dụng giao thông trong vấn đề du lịch trong tương lai (Tilly Line, Kiron Chatterjee và Glenn Lyons, 2011). Các báo cáo của IPCC (2007a, 2007b) đề cập đến việc lựa chọn lối sống và công nghệ có thể vừa giúp đỡ để cải thiện môi trường, nhưng nó không đi sâu vào nhiều chi tiết về cách thức cũ có thể đạt được điều này (Joyshree Roy and Shamil Pal, 2009,1). Ngoài ra, còn có nghiên cứu tác động ảnh hưởng của  các bộ phim về biến đổi khí hậu đến sự thay đổi hành vi người xem của Rachel cho thấy: ảnh hưởng này không kéo dài quá 10 – 14 tuần sau khi xem phim (Rachel , 2011).
Như vậy, có một số các nghiên cứu đi vào tiếp cận để lý giải lựa chọn hành vi có lợi đối với môi trường dựa theo các lý thuyết hành vi hoạch định như Elizabeth hay phân tích theo các giai đoạn hành động như Sebastian, Prochaska và DiClemente. Các mô hình lựa chọn hành vi được phân chia thành các giai đoạn hành động khác nhau. Nhìn chung các tác giả phân chia theo mô hình hành động chú ý đến sự thay đổi của bản thân cá nhân, trong khi đó Elizabeth nhấn mạnh đến ảnh hưởng từ môi trường và kỳ vọng vào các chế tài kiểm soát xã hội. Shove là tác giả duy nhất phê phán sự đóng góp của các lý thuyết xã hội cho việc thực hiện các chính sách về biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy hầu hết người được hỏi có nhận thức và quan tâm đến biến đổi khí hậu, nhưng không có mối quan hệ tuyến tính nào giữa nhận thức và lối sống thân thiện với môi trường. Lựa chọn lối tiêu dùng và kinh doanh còn xem nhẹ giá trị về môi trường.




[1]http://en.wikipedia.org/wiki/Rational_choice_theory
[2] Một nhà tâm lý học xã hội người Anh
[3] Tuy nhiên, một số kết quả thống kê lại cho thấy kết quả của 18 quốc gia. Indonexia, Nga, Ấn Độ, Chile, Hàn Quốc, Đức, Nigeria, Anh, Brazil, Hoa Kỳ, Kenya, Trung Quốc, Philipin, Mexico, Ý, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét