13 thg 7, 2019

Văn hóa, lối sống và Biến đổi khí hậu P2.6 Khung khái niệm

1.1.  Văn hóa
Văn hóa là một khái niệm phức tạp, có nhiều cách hiểu và đã tạo ra tranh luận trong nhều thế kỉ. Khái niệm văn hóa xuất hiện lần đầu tiên từ thế kỷ XIII. Sau đó đã có nhiều quan niệm về văn hóa của các nhà khoa học Đức, Pháp, Mỹ hay các học thuyết và trường phái nghiên cứu khác nhau như: Tylor về thuyết phổ quát văn hóa, Boas về học thuyết đặc thù văn hóa, Durkhem về học thuyết thống thất các sự kiện văn hóa, Lesvy-Bruhl với học thuyết tiếp cận khác biệt, Kroeber với học thuyết truyền bá văn hóa, Malinowski với học thuyết phân tích chức năng văn hóa… Từ năm 1953 đã thống kê được 164 khái niệm về văn hóa (Krolber A và Kluckholn C, 1953). Khái niệm văn hóa phát triển cùng với quá trình thực tại, dưới các góc độ khác nhau các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều loại khái niệm, định nghĩa khác nhau về văn hóa. Nhìn chung có 2 loại định nghĩa về văn hóa là kiểu định nghĩa theo lối miêu tả và định nghĩa theo lối nêu lên đặc trưng. Định nghĩa miêu tả thường liệt kê các thành tố còn định nghĩa đặc trưng đi theo 3 trường phái: coi văn hóa là những kết quả, những quá trình hay là những quan hệ (Trần Ngọc Thêm, 2001). Theo một khái niệm về văn hóa được coi là chuẩn theo đánh giá của Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn (1952) thì văn hóa là “toàn bộ những tri thức, những tín ngưỡng, những nghệ thuật, những giá trị, những luật lệ, phong tục và tất cả những năng lực và tập quán khác mà con người với tư cách thành viên của xã hội nắm bắt được” do Edward B. Tylor đưa ra năm 1871. Ở định nghĩa này, tác giả cố gắng cụ thể hóa các thành phần cũng như là yếu tố của văn hóa theo kiểu liệt kê và diễn giải những gì mà con người nhận thức được.
Một khái niệm khác về văn hóa do nhà nhân học Charles Keyes (1995, tr. 9),  cho rằng: “Văn hóa vừa là biểu hiện của sự thích ứng của con người đối với bối cảnh sống của họ, vừa là một tập hợp những bối cảnh mà con người phải thích ứng”. Khái niệm đưa 2 vấn đề: Thứ nhất và biểu hiện về sự thích ứng của con người đối với hoàn cảnh sống và thứ 2 đó là những bối cảnh mà con người thích ứng. Gắn văn hóa đối với biến đổi khí hậu thì bối cảnh mà con người cần phải thích ứng chính là biến đổi khí hậu và biểu hiện của sự thích ứng của con người đối với bối cảnh biến đổi khí hậu đó chính là những thể hiện qua lối sống và phản ánh cụ thể qua hành vi của cá nhân cũng như của cộng đồng. Khác với khái niệm được đưa ra bởi Edward B. Tylor là cố gắng liệt kê, khái niệm của Charles mang tính tổng quát theo nhóm vấn đề. Khái niệm của Charles Keyes chỉ đề cập đến thích ứng tức phản ứng lại mang tính thụ động theo hoàn cảnh sống. Trong khi đó, hiện tại hoạt động của ứng phó với BĐKH còn mang tính chủ động bao gồm cả hoạt động giảm thiểu và thích ứng.
Trong nghiên cứu, tác giả tiếp cận văn hóa dưới góc độ xã hội học, coi văn hóa là những kết quả nhất định bao gồm giá trị, truyền thống, nếp sống, chuẩn mực, tư tưởng, thiết chế xã hội, biểu trưng, ký hiện thông tin … mà một cộng đồng đã sáng tạo, kế thừa, tích lũy (Trần Ngọc Thêm, 2001). Tập trung vào nhận thức của con người về biến đổi khí hậu và mối quan hệ của lối sống và biến đổi khí hậu.
Khái niệm lối sống nhìn chung có nhiều cách sử dụng và cách hiểu khác nhau. Trong xã hội học Anh lối sống (lifestyle) thường được dùng trong những tranh luận về bản chất của cơ cấu giai cấp nước Anh. Hoặc trong một ngữ cảnh nào đó được sử dụng để nói về cách thức sống giữa thành thị và nông thôn. Đối với các nhà xã hội học lỗi lạc trong lịch sử như Max Werber. Ông tuy không đề cập trực tiếp tới khái niệm lối sống nhưng đề cập tới lối sống đặc thù của những nhóm xã hội mà ông gọi với thuật ngữ là phong cách sống của những giai cấp đặc thù (Mai Thị Kim Thanh, 2011).
Ở Việt Nam, luận giải khái niệm lối sống trên cơ sở lý luận của lối sống và cho rằng khái niệm lối sống ở Việt Nam bắt nguồn từ danh từ ghép gồm từ lối và từ sống. Lối là lề lối, thể thức, kiểu cách, phương thức. Sống là sinh hoạt, là quá trình hoạt động sinh vật và xã hội của mỗi con người và xã hội loài người (Bùi Thế Cường và cộng sự 2010). Theo nghĩa thông thường và được sử dụng phổ biến nhất thuật ngữ lối sống nói đến cách sống khác nhau, thường đập ngay và mắt người ta thông qua những giá trị và những phương thức tiêu dùng, là những cái đi kèm theo sự khác biệt hóa ngày càng tăng của các xã hội tư bản chủ nghĩa tiên tiến (Bùi Thế Cường và cộng sự 2010). Lối sống theo nghĩa này được biểu hiện cụ thể qua các hành vi tiêu dùng của các nhóm dân cư, đây là cái để người ta phân biệt giữa nhóm này với nhóm khác theo cơ cấu giai cấp hay phân theo thành thị nông thôn.
Huỳnh Khái Vinh lại cho rằng lối sống là một khái niệm đa tầng và đa nghĩa. “Trong một chừng mực nhất định, lối sống là cách ứng xử của những người cụ thể trước những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của môi trường sống. Môi trường là cái khách quan trực tiếp tác động và ảnh hưởng đến lối sống của con người của các nhóm xã hội và cộng đồng dân cư”. Do đó lối sống chịu sự quy định khách quan của môi trường sống nhưng văn hóa lối sống thì ngoài những cái khách quan của môi trường sống còn có thêm văn hóa để cải biến môi trường tự nhiên cho phù hợp với nhu cầu của con người (Huỳnh Khái Vinh, 2001). Tác giả cho rằng lối sống có bản chất văn hóa của nó cũng giống như sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung. Nếu quan niệm lối sống theo cách này thì lối sống là một biểu hiện, một khía cạnh của văn hóa theo cách định nghĩa như của Charles (1995).
Khi nhắc đến mối quan hệ giữa văn hóa và lối sống có nhiều ý kiến khác nhau. Huỳnh Khái Vinh cho rằng bản chất văn hóa của lối sống thường có sự thống nhất giữa các riêng và cái chung. Cho rằng lối sống bao gồm một số vấn đề: i, lối sống là tổng hòa những dạng hoạt động sống ổn định của con người và được vận hành theo một bảng giá trị xã hội; ii, lối sống chịu sự quy định của phương thức sản xuất và toàn bộ các điều kiện sống của con người; iii, lối sống có tính linh hoạt và có động cơ cao; iv, nghiên cứu nó cần coi trọng hình thức hoạt động lao động sản xuất, các giá trị vật chất và tinh thần; v, con đường để nắm bắt nội dung và phạm vi của khái niệm lối sống và tìm hiểu các hành động xã hội (hành vi ứng xử), cách thức hình thành và định hình các khuôn mẫu trong ứng xử; vi, lối sống xã hội nhìn chung mang tính chất văn hóa (Huỳnh Khái Vinh, 2001).
Huỳnh Khái Vinh phân tích và so sánh khác biệt giữa hai khái niệm lối sống , lối sống văn hóa và cho rằng “lối sống văn hóa là cách thức sinh tồn, tồn tại của con người trong những môi trường văn hóa nhất định”. Khái niệm lối sống văn hóa bao hàm sự kết hợp biện chứng giữa yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, giữa sáng tạo giá trị vật chất và giá trị văn hóa, gắn liền với hình thái kinh tế - xã hội, phản ánh trình độ phát triển của xã hội, cộng đồng và con người”. Theo cách hiểu này, khái niệm lối sống là một khái niệm độc lập với khái niệm văn hóa, bản thân lối sống chưa có yếu tố văn hóa. Chỉ có lối sống đặt trong một môi trường văn hóa nhất định mới là lối sống văn hóa. Huỳnh Khái Vinh đề cao khái niệm về lối sống văn hóa tuy nhiên lại khuôn khái niệm lối sống hẹp hơn rất nhiều, là một khái niệm tách ra khỏi khái niệm văn hóa và môi trường văn hóa.
Trịnh Thị Kim Ngọc phân tích khía cạnh văn hóa truyền thống của ý thức sinh thái cộng đồng ở Việt Nam và cho rằng: Người Việt Nam có một lối sống văn hóa hòa đồng với thiên nhiên với một quan điểm “Biết được việc trời, mười đời chẳng khổ” dựa vào thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của chính mình, cùng nhiều giá trị đạo đức và những tập tục truyền thống, thể hiện triết lý “thiên nhân hợp nhất, thiên nhân tương giao”(Trịnh Thị Kim Ngọc, 2009). Tác giả cũng phân tích sinh thái cộng đồng và lối sống truyền thống và hiện đại với việc bảo vệ môi trường và cho rằng “Lối sống của cộng đồng đóng vai trò quyết định trọng lượng của cán cân quan hệ con người với môi trường tự nhiên và môi trường tái tạo. Cộng đồng có lối sống tốt sẽ xây dựng được một môi trường lành mạnh, ngược lại, đối với cộng đồng không hợp lý sẽ tàn phá môi trường sống ngày càng dữ dội và xung đột môi trường cũng ngày càng tăng (Trịnh Thị Kim Ngọc, 2009).
Trong khi đó, Giang Thanh Huyền đồng nhất khái niệm văn hóa lối sống và lối sống có văn hóa. Tác giả này phân tích trên quan điểm maxit, tư tưởng Hồ Chí Minh và cho rằng văn hóa lối sống có 5 đặc trưng cơ bản: i, tôn trọng lao động, giá trị lao động và người lao động; ii, sinh hoạt lành mạnh; iii, tôn trọng giá trị gia đình; iv, quan tâm tới hoạt động chính trị - xã hội; v, hướng tới sự phát triển toàn diện của nhân cách. Giống với Nguyễn Hồng Hà, Giang Thanh Huyền cũng phân tích văn hóa lối sống truyền thống, những thay đổi trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam từ phân tích thực trạng đến những biến  tích cực và tiêu cực của văn hóa lối sống. Sau đó đưa ra 4 giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa lối sống trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa cho Việt Nam (Giang Thanh Huyền, 2011).
 Dưới góc nhìn của nhà tâm lý học, lối sống được cho rằng đó “là sự biểu hiện tập trung của ảnh hưởng môi trường xã hội, cách quan niệm và tư duy của con người được thể hiện trong lối sống, đến lượt mình, lối sống ảnh hưởng đến tư duy, đến các quan niệm tình cảm, tâm tư” (Nxb TTLL, Hà Nội, 1982). Theo đó lối sống được biểu hiện ra ngoài bởi hành vi, tập hợp hành vi tương đối giống nhau theo nhóm phản ánh lối sống của từng nhóm. Ngược lại lối sống này ảnh hưởng đến tư duy và các chuẩn mực về tình cảm.
Dưới góc độ xã hội học, khái niệm lối sống được hiểu như là những khuôn mẫu hành vi, ứng xử tương đối ổn định trong tổ chức đời sống xã hội của mỗi cá nhân, nhóm xã hội tương ứng với vị trí, vai trò trong mỗi cấu trúc xã hội nhất định (Mai Thị Kim Thanh, 2011). “Lối sống được coi là biểu tượng văn hóa mà con người và xã hội đặt ra trong thế giới vật chất, phi vật thể trong quá trình cải biến thế giới tự nhiên sao cho thích hợp được với hệ thống các nhu cầu của xã hội con người.” (Mai Thị Kim Thanh, 2011). Tác giả cho rằng nghiên cứu lối sống dưới góc độ xã hội học là nghiên cứu: thái độ đối với lao động và học tập cũng như thái độ ứng xử trong quá trình lao động học tập; thái độ của con người, nhóm xã hội trong ứng xử hàng ngày, trong sử dụng thời gian rảnh rỗi; thái độ trong việc tham gia và các hoạt động chính trị xã hội (Mai Thị Kim Thanh, 2011). Hiểu khái niệm lối sống theo nghĩa này là nhấn mạnh đến thái độ trong các vấn đề xã hội nhưng không đề cập tới hành vi trong quá trình sống. Cũng như không rõ ràng khi nhắc đến các hoạt động chính trị xã hội. Một số tác giả khác phân tích khái niệm lối sống nhưng đặt trong bối cảnh của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa Việt Nam. Coi môi trường văn hóa là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng lối sống và con người Việt Nam ví dụ Nguyễn Hồng Hà (2005).
Chu Khắc Thuật tổng kết 3 quan niệm về lối sống: Quan niệm 1: Nhìn lối sống theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các biểu hiện xã hội. Khái niệm lối sống được coi đồng nhất với khái niệm xã hội, gồm phương thức sản suất, quan hệ, chế độ và các điều kiện xã hội. Ngược lại, quan niệm thứ 2 nhìn nhận lối sống một cách phiến diện: coi lối sống như cách suy nghĩ, hành vi, nếp sống nội tâm của con người. Để thay đổi lối sống chỉ cần giáo dục, biến đổi nếp tư duy cũng như nhu cầu của con người. Quan niệm này mắc sai lầm trong việc phân tích để thay đổi hành vi. Hành vi có thể phán ánh những nhận thức của con người nhưng không phải có nhận thức là có hành vi mà còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường xung quanh. Quan niệm thứ ba: Nêu rõ “đặc trưng của lối sống gồm, những hình thức của hoạt động sống điển hình của con người, những điều kiện lao động và sinh hoạt, các mối quan hệ qua lại giữa họ với nhau. Lối sống là tổng hòa của những dạng hoạt động sống điển hình trong một xã hội nào đó được xem xét thống nhất với các điều kiện kinh tế - xã hội”(Trịnh Thị Kim Ngọc, 2009).
Như vậy, có rất nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm lối sống và sự phân biệt các khái niệm về văn hóa lối sống, lối sống văn hóa và lối sống có văn hóa. Phân nhiều các tác giả nghiên cứu lối sống văn hóa đặt trong bối cảnh chính trị của Việt Nam để phân tích. Trong nghiên cứu, tác giả lựa chọn khái niệm lối sống sau đây của Giang Thanh Huyền để tiến hành phân tích trong mối quan hệ với Văn hóa và vấn đề Biến đổi khí hậu.
Lối sống là một phạm trù xã hội, khái quát toàn bộ hoạt động sống của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm xã hội, các cá nhân trong những điều kiện của một hình thái kinh tế- xã hội nhất định, và biểu hiện trên các lĩnh vực của đời sống: trong lao động và hưởng thụ, trong quan hệ giữa người với người; trong sinh hoạt tinh thần và văn hóa” (Giang Thanh Huyền, 2011).
Biểu hiện của lối sống trên 3 khía cạnh: i, lối sống là một dạng hoạt động sống của con người; ii, hoạt động sống của con người phụ thuộc chặt chẽ và phương thức sản xuất và điều kiện sống của con người; iii, lối sống thể hiện đặc trưng riêng của từng cộng đồng người.
Với quan niệm lối sống như trên, đặt trong mối quan hệ với khái niệm văn hóa đã phân tích ở trên. Tác giả quan niệm lối sống gắn với hành vi cụ thể trong đời sống và trong hoạt động sản xuất bao gồm lối tiêu thụ và lối sản xuất kinh doanh, phân tích khái niệm văn hóa dưới góc độ nhận thức về giá trị của vấn đề biến đổi khí hậu trong các bậc thang giá trị.


Theo UNFCCC (Công ước khung liên hợp quốc về BĐKH) cho rằng: “BĐKH là một sự thay đổi của khí hậu do hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người tác động làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu, loại trừ việc thay đổi khí hậu do tự nhiên được quan sát trong khoảng thời gian tương đương”. Theo quan niệm về BĐKH này của UNFPCCC đã loại bỏ toàn bộ ảnh hưởng của quy luật tự nhiên của lớp vỏ địa lý đặc biệt là quy luật nhịp điệu để giải nghĩa hiện tượng BĐKH.
Ngược lại với định nghĩa của UNFPCCC ở trên, IPCC (Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu) đưa ra khái niệm về BĐKH trong đó có tính đến cả hoạt động của quá trình tự nhiên. IPCC coi “BĐKH là một sự thay đổi trong trạng thái của khí hậu có thể được xác định bởi những thay đổi trong giá trị trung bình hoặc sự thay đổi về thuộc tính của nó trong thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc lâu hơn. Khí hậu thay đổi có thể là do quy trình nội bộ tự nhiên hoặc do quá trình bên ngoài, hoặc do con người thay đổi các thành phần trong khí quyển và trong sử dụng đất” [1].
Như vậy, nguyên nhân của quá trình tự nhiên của hiện tượng BĐKH là sự khác nhau cơ bản trong 2 định nghĩa trên và đây cũng là 2 trường phái chính về quan điểm về biến đổi khí hậu. Trong những thập kỷ trước từ các nhà khoa học trên thế giới còn bàn cãi về việc BĐKH có phải là do con người hay không và con người đóng góp như thế nào vào hiện tượng này. Tuy nhiên, từ năm 2008 thông qua báo cáo của IPCC đã thể hiện sự đồng thuận trong giới khoa học rằng biến đổi khí hậu là có thật và con người là tác nhân của hiện tượng này.
Trong hai khái niệm trên, khái niệm của IPCC nói rõ hơn về biểu hiện của BĐKH, đó chính là việc thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu. Chủ yếu do sự gia tăng các khí thải gây hiệu ứng nhà kính được quy đổi về hàm lượng CO2 trong không khí. Theo quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lý, sự thay đổi của khí quyển sẽ dẫn đến việc thay đổi 2 vòng tuần hoàn cơ bản của trái đất là vòng tuần hoàn nhiệt và vòng tuần hoàn ẩm. Sự thay đổi các vòng tuần hoàn này dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ khí quyển trung bình và thay đổi lượng mưa theo không gian và thời gian. Đây chính là 2 biểu hiện cụ thể nhất của biến đổi khí hậu. Đi kèm với hiện tượng của biến đổi khí hậu là việc gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và tăng mực nước biển.

Lối sống và BĐKH có mối liên hệ với nhau nhưng đó không phải là mối liên hệ trực tiếp mà là một liên hệ gián tiếp khá phức tạp, mất nhiều thời gian để giới khoa học xác nhận mối liên hệ giữa 2 vấn đề này.
Trước hết, lối sống thể hiện rõ nhất trong lối sản xuất, lối kinh doanh, lối tiêu dùng với các hành vi cụ thể trong đời sống hàng ngày và trong sản xuất đó chính là hành vi khai thác tài nguyên (khai tác khoáng sản, khai thác tài nguyên động thực vật, khai thác thủy năng …), sử dụng tài nguyên (sử dụng nước, sử dụng khoáng sản trong ngày công nghiệp…) và phát thải rác thải ra môi trường. Tất cả các hành vi khai thác thác tài nguyên và phát thải rác thải này có ảnh hưởng môi trường địa lí xung quanh và vượt quá khả năng chịu tải của môi trường tự nhiên. Theo các nghiên cứu thì để môi trường tiêu thụ hết rác thải mà con người xả ra trong 1 năm (tính toàn cho năm 2002) cần phải mất 1 năm 2 tháng (Boersema Jan. J., và Reijnders Lucas, 2008). Như vậy, hoạt động sống của con người trên trái đất đang vượt quá xa khả năng chịu tải của môi trường tự nhiên, trong khi khả năng chịu tải của môi trường có hạn, lượng phát thải ngày một tăng dẫn đến gia tăng một cách đột ngột lượng khí trơ như CO2 và một số khí oxit ni tơ khác dẫn đến hiện tượng hiệu ứng nhà kính, tăng quá trình giữ nhiệt trong khí quyển trái đất, đây là nguyên nhân chính của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mặt khác việc thay đổi cấu trúc thành phần khí quyển dẫn đến thay đổi vòng tuần hoàn nhiệt và vòng tuần hoàn ẩm là 2 vòng tuần hoàn cơ bản và quan trọng trên trái đất dẫn đến các hiện tượng của BĐKH.
Như vậy, việc gia tăng thành phần các khí trơ mà chủ yếu là CO2 được coi là nguyên nhân dẫn đến BĐKH trên toàn cầu. Mối quan hệ giữa lối sống và BĐKH được thể hiện thông qua việc tăng phát thải CO2 nói chung[2] trong khí quyển. Lối sống có mối quan hệ tác động gián tiếp đến BĐKH hai chiều thông qua hành vi phát thải rác thải. Trước hết là các hành vi gia tăng phát thải và khai thác tài nguyên quá mức dẫn đến sự gia tăng nhanh thành phần các khí gây hiệu ứng nhà kính. Tiếp theo là nhóm hành vi tích cực giúp giảm phát thải, giảm lượng khí CO2 trong khí quyển.
Ngược lại BĐKH cũng có tác dụng lại đối với lối sống tiêu dùng, sản suất và kinh doanh thông qua ảnh hưởng lây truyền trong toàn bộ môi trường địa lý bao xung quanh con người, tác động đến các quá trình tự nhiên trên trái đất. Những biểu hiện cụ thể của biến đổi khí hậu đó là sự gia tăng nhiệt độ, mực nước biển và thay đổi về tần suất cũng như cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Bão, lũ lụt, sương muối, mưa đá …
Báo cáo hàng năm của IPCC về BĐKH đã tóm gọn những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động của con người. Các phương án mực nước biển tăng và các giả định khác về sự thay đổi nhiệt độ đưa ra những dự báo về ảnh hưởng của BĐKH trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù không đưa ra được ngưỡng rõ ràng để xác định đâu là mức “nguy hiểm” hay “an toàn” nhưng BĐKH và những ảnh hưởng của nó là vô cùng to lớn. Trước hết sẽ ảnh hưởng đến một loạt các quá trình nối tiếp nhau bao gồm các vấn đề trọng yếu là: sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực; khủng hoảng nước và tình trạng bất an ninh về nước; nước biển dâng và nguy cơ thiên tai; Các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Sức khỏe con người. Thông qua 5 cơ chế này mà BĐKH có thể đẩy lùi cả quá trình phát triển của con người nếu nhiệt độ độ dự báo tăng 20C (UNDP, 2008). Các kịch bản BĐKH nếu nhiệt độ tăng lên 3 đến 4 độ C thì 330 triệu người phải di dời tạm thời hay vĩnh viễn do lũ lụt. Hơn 70 triệu người Băng-la-đét, 6 triệu người ở vùng đồng bằng thấp của Ai-cập và 22 triệu người ở Việt Nam có thể bị ảnh hưởng (UNDP, 2008, 10). Rõ ràng BĐKH “là thách thức lâu dài lớn nhất mà con người phải đối mặt” (Tony Blair, 2006) bởi khẳ năng gây thiệt hại: đến con người, đến tự nhiên, vật chất, tài chính và xã hội của con người.
Dưới những tác động trực tiếp từ các hiện tượng của BĐKH con người buộc phải thay đổi lối sống cho phù hợp với hoàn cảnh khác. Mặc khác, khi con người nhận thức được vấn đề của BĐKH và nguyên nhân của nó, con người xây dựng các trường trình hành động nhằm ứng phó với BĐKH về thực chất là các hoạt động nhằm thích ứng với điều kiện của BĐKH và các hoạt động giảm thiểu phát thải. Các hoạt động thích ứng hay giảm thiểu thể hiện rõ sự thay đổi của lối sống do BĐKH đặc biệt là trong lối tiêu dùng của cá nhân và cộng đồng.




[2] Bao gồm là lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét